Hội đồng trọng tài có quyền thu thập chứng cứ không?
Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án, có nhiều tính ưu việt nên mức độ sử dụng trọng tài để giải quyết tranh chấp ngày càng phổ biến. Khi các bên tranh chấp lựa chọn phương thức giải quyết bằng trọng tài thương mại thì một trong các vấn đề được các bên đặc biệt quan tâm đó là việc hội đồng trọng tài có quyền thu thập chứng cứ không?
Căn cứ pháp lý
Luật Trọng tài thương mại năm 2010.
Hội đồng trọng tài là gì?
Có thể hiểu hội đồng trọng tài là bộ phận chuyên trách giải quyết tranh chấp thương mại trong trung tâm trọng tài thương mại gồm một hoặc một số trọng tài viên, được thành lập theo sự chỉ định của các bên tranh chấp phù hợp với quy định của pháp luật về trọng tài và quy tắc tố tụng của trung tâm trọng tài để giải quyết vụ việc tranh chấp.
Hội đồng trọng tài có quyền thu thập chứng cứ không?
Quy định của Luật Mẫu UNCITRAL
Trong Luật Mẫu về trọng tài thương mại của UNCITRAL cũng có quy định về thẩm quyền thu thập, đánh giá và sử dụng chứng cứ tại Điều 27: “Ủy ban Trọng tài hoặc một bên với sự đồng ý của ủy ban trọng tài có thể yêu cầu tòa án có thẩm quyền của nước sở tại trợ giúp thu thập chứng cứ. Tòa án có thể thực hiện yêu cầu đó trong phạm vi thẩm quyền của mình và theo nguyên tắc về thu thập chứng cứ”.
Ngoài ra khi có yêu cầu của một hoặc các bên, hội đồng trọng tài cũng có quyền yêu cầu người làm chứng cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến việc giải quyết tranh chấp.
Quy định của pháp luật Việt Nam
Hội đồng trọng tài có thẩm quyền xác minh sự việc tranh chấp
Theo quy định tại Điều 45 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, hội đồng trọng tài có thẩm quyền xác minh sự việc để đảm bảo việc giải quyết tranh chấp được chính xác. Trong quá trình giải quyết tranh chấp, hội đồng trọng tài trọng tài có quyền gặp hoặc trao đổi với các bên dưới sự có mặt của bên kia bằng các hình thức thích hợp để làm sáng tỏ các vấn đề có liên quan đến vụ tranh chấp. Hội đồng trọng tài có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của một hoặc các bên tìm hiểu sự việc từ người thứ ba, với sự có mặt của các bên hoặc sau khi đã thông báo cho các bên biết.
Trong tất cả các trường hợp khi xác minh sự việc, sự có mặt của cả hai bên là điều bắt buộc (trừ trường hợp một bên đã nhận được thông báo nhưng không có mặt). Trước đây theo quy định của Pháp lệnh trọng tài năm 2003 tại Khoản 2 Điều 31, sự có mặt của các bên chỉ bắt buộc đối với trường hợp xác minh sự việc thông qua tìm hiểu sự việc từ người thứ ba. Quy định mới của Luật Trọng tài thương mại nhằm đảm bảo sự minh bạch trong quá trình giải quyết tranh chấp và đảm bảo sự công bằng cho cả hai bên đồng thời vẫn đảm bảo được tính liên tục của tố tụng, vì việc có mặt trở thanh quyền của cả hai bên, nếu một bên vẫn cố tình không có mặt dù đã được thông báo thì quá trình xác minh sự việc vẫn được tiếng hành như quy định.
Hội đồng trọng tài có quyền yêu cầu các bên tham gia tranh chấp cung cấp chứng cứ
Chứng cứ là thông tin về những sự kiện được thu thập, nghiên cứu trong quá trình giải quyết tranh chấp, giúp trọng tài ban hành phán quyết đúng đắn với vụ việc tranh chấp.
Liên quan đến vấn đề xác minh làm rõ tình tiết, chứng cứ của vụ việc, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định theo hướng tăng cường vị trí, vai trò của hội đồng trọng tài trong việc chủ động tiến hành thu thập chứng cứ và xác định trách nhiệm của tòa án hỗ trợ hội đồng trọng tài thu thập chứng cứ.
Trong quá trình giải quyết tranh chấp, hội đồng trọng tài cũng như tòa án có quyền yêu cầu các bên đương sự cung cấp chứng cứ hoặc tự mình xác định chứng cứ. Điều này phục vụ cho quá trình giải quyết chính xác vụ việc tranh chấp.
Khoản 1 Điều 46 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định các bên có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho hội đồng trọng tài để chứng minh các sự việc có liên quan đến nội dung đang tranh chấp. Luật không quy định hội đồng trọng tài có thẩm quyền chủ động yêu cầu các bên cung cấp chứng cứ tuy nhiên nếu có bên nào không cung cấp đủ chứng cứ để bảo vệ quan điểm của mình trong vấn đề đang có tranh chấp thì bên đó đương nhiên bị bất lợi trong quá trình trọng tài giải quyết vụ việc.
Sự hỗ trợ của tòa án trong việc thu thập chứng cứ
Luật Trọng tài thương mại năm 2010 cũng có quy định cụ thể về sự hỗ trợ của tòa án đối với hội đồng trọng tài trong việc thu thập chứng cứ.
Điều 46 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định, trong trường hợp hội đồng trọng tài, một bên hoặc các bên đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được thì có thể gửi văn bản đề nghị tòa án có thẩm quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu đọc được nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến vụ tranh chấp.
Văn bản đề nghị phải nêu rõ nội dung vụ việc đang giải quyết tại trọng tài, chứng cứ cần thu thập, lý do không thu thập được, tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ chứng cứ cần thu thập đó. Đồng thời, theo Điều 7 của Luật thì tòa án có thẩm quyền là tòa do các bên lựa chọn hoặc nếu các bên không có thỏa thuận, tòa án nơi có chứng cứ cần thu thập.
Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản, đơn yêu cầu thu thập chứng cứ, chánh án tòa án có thẩm quyền phân công một thẩm phán xem xét, giải quyết yêu cầu thu thập chứng cứ.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, thẩm phán phải có văn bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ cung cấp chứng cứ cho Tòa án và gửi văn bản đó cho viện kiểm sát cùng cấp để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý lưu giữ chứng cứ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời chứng cứ theo yêu cầu của tòa án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được yêu cầu.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được chứng cứ do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp, tòa án phải thông báo cho hội đồng trọng tài, bên yêu cầu biết để tiến hành việc giao nhận chứng cứ.
Trường hợp quá thời hạn quy định mà cơ quan, tổ chức, cá nhân không cung cấp chứng cứ theo yêu cầu thì tòa án phải thông báo ngay cho hội đồng trọng tài bên yêu cầu biết đồng thời có văn bản yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Đánh giá chứng cứ
Sau khi thu thập chứng cứ, hội đồng trọng tài có thẩm quyền xem xét và đánh giá các chứng cứ đó nhằm đánh giá toàn diện về các vấn đề liên quan đến vụ việc tranh chấp, từ đó có thể đưa ra những phán quyết chính xác.
Khi đánh giá chứng cứ, hội đồng trọng tài tự mình hoặc theo yêu cầu của một hoặc các bên, có quyền trưng cầu giám định, định giá tài sản trong vụ tranh chấp để làm căn cứ cho việc giải quyết tranh chấp.
Hội đồng trọng tài cũng tự mình hoặc theo yêu cầu của một hoặc các bên, có quyền tham vấn ý kiến của các chuyên gia.
Trong các trường hợp này, phí giám định, định giá và chi phí chuyên gia do bên yêu cầu giám định, định giá và bên yêu cầu tham vấn tạm ứng hoặc do hội đồng trọng tài phân bổ.
Hội đồng trọng tài ra phán quyết trên cơ sở các chứng cứ có trong hồ sơ. Nếu chứng cứ do các bên cung cấp mà hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo thì phán quyết trọng tài có thể bị hủy.
Doanh nghiệp có nhu cầu tư vấn pháp luật doanh nghiệp, tư vấn pháp luật đầu tư, giải quyết tranh chấp thông qua phương thức trọng tài thương mại xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An để được Luật sư có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao hỗ trợ nhanh nhất, hiệu quả nhất!