Quy định về Hội đồng trọng tài

Quy định về Hội đồng trọng tài là những quy định mà các bên tranh chấp sử dụng phương thức giải quyết bằng trọng tài buộc phải biết. Do đó, để cung cấp thêm thông tin về Hội đồng trọng tài, công ty Luật Việt An sẽ đưa ra bài viết dưới đây.

Cơ sở pháp lý

  • Luật Trọng tài thương mại Việt Nam 2010;
  • Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao về Hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài thương mại.

Thành phần của Hội đồng trọng tài

Trong số các quy định về Hội đồng trọng tài, không thể không nhắc đến quy định về thành phần của Hội đồng trọng tài. Đây là quy định đầu tiên và tiên quyết mà các bên cần phải xem xét khi quyết định giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.

Theo quy định tại Điều 39 Luật Trọng tài thương mại Việt Nam 2010 về thành phần hội đồng trọng tài, theo đó thành phần hội đồng trọng tài có thể được chia thành như sau:

  • Nếu các bên tranh chấp có sự thỏa thuận về thành phần Hội đồng trọng tài, khi đó, Hội đồng trọng tài có thể bao gồm một hoặc nhiều trọng tài viên tùy theo sự thỏa thuận của các bên.
  • Nếu các bên tranh chấp không có thỏa thuận gì với nhau về thành phần Hội đồng trọng tài, khi đó, số lượng trọng tài viên tham gia vào Hội đồng trọng tài để giải quyết sẽ là ba trọng tài viên.

Thành lập Hội đồng trọng tài

Thành lập Hội đồng trọng tài là một quy định vô cùng quan trọng nằm trong số các quy định về Hội đồng trọng tài. Việc thành lập Hội đồng trọng tài này phải tuân thủ theo đúng những gì mà pháp luật quy định, nếu thực hiện không đúng theo quy định pháp luật, Hội đồng trọng tài có thể bị giải tán và phán quyết sẽ trở nên vô hiệu.

Việc thành lập Hội đồng trọng tài đã được pháp luật quy định một cách cụ thể tại Điều 40, 41 Luật Trọng tài thương mại Việt Nam 2010 và Điều 8 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao về Hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài thương mại. Theo đó, thành lập Hội đồng trọng tài được chia thành:

  • Thành lập Hội đồng trọng tài tại Trung tâm trọng tài, hay nói cách khác là thành lập Hội đồng trọng tài quy chế;
  • Thành lập Hội đồng trọng tài vụ việc;

Thành lập Hội đồng trọng tài tại Trung tâm trọng tài

Dựa trên quy định tại Điều 40 Luật Trọng tài thương mại Việt Nam 2010 về Thành lập Hội đồng trọng tài tại Trung tâm trọng tài, theo đó, Hội đồng trọng tài sẽ được thành lập tại Trung tâm trọng tài như sau:

Nếu các bên tranh chấp có thỏa thuận về việc thành lập Hội đồng trọng tài hoặc quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài có quy định, việc thành lập Hội đồng trọng tài sẽ dựa theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy tắc tố tụng đã được quy định.

Nếu các bên tranh chấp không có thỏa thuận gì về việc thành lập Hội đồng trọng tài hoặc quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài không có quy định khác, việc Hội đồng trọng tài sẽ được tiến hành thành lập như sau:

  • Kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và yêu cầu chọn Trọng tài viên của Trung tâm trọng tài, trong vòng 30 ngày, bị đơn phải lựa chọn hoặc yêu cầu Chủ tịch Trung tâm trọng tài chỉ định trọng tài viên.
  • Nếu bị đơn không chọn và cũng không đề nghị Chủ tịch Trung tâm trọng tài chỉ định trọng tài viên, sau khi hết thời hạn trên, trong vòng 7 ngày, Chủ tịch Trung tâm trọng tài sẽ chỉ định trọng tài viên. Quy định này áp dụng với cả trường hợp vụ tranh chấp có nhiều bị đơn.
  • Kể từ ngày các trọng tài viên của các bên được lựa chọn hoặc chỉ định, trong vòng 15 ngày, các trọng tài viên này phải bầu ra một trọng tài viên khác để trở thành Chủ tịch Hội đồng trọng tài.
  • Nếu hết thời hạn được đưa ra mà vẫn chưa bầu được Chủ tịch Hội đồng trọng tài, thì trong vòng 7 ngày, Chủ tịch Trung tâm trọng tài phải nhanh chóng chỉ định chức vụ này.

Thành lập Hội đồng trọng tài vụ việc

Theo quy định tại Điều 41 Luật Trọng tài thương mại Việt Nam 2010 và Điều 8 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao về Hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài thương mại, Hội đồng trọng tài vụ việc sẽ được thành lập theo quy định sau:

Nếu các bên tranh chấp có thỏa thuận với nhau về việc thành lập Hội đồng trọng tài, thì Hội đồng trọng tài vụ việc sẽ được tiến hành thành lập dựa trên sự thỏa thuận này của các bên.

Nếu các bên không có thỏa thuận gì thì Hội động trọng tài vụ việc sẽ được thành lập như sau:

  • Kể từ ngày bị đơn nhận được đơn khởi kiện, trong vòng 30 ngày, bị đơn phải chọn trọng tài viên cho mình và thông báo lại cho nguyên đơn.
  • Nếu hết thời hạn trên, bị đơn không chọn trọng tài viên hoặc không thông báo cho nguyên đơn biết về trọng tài viên mà mình chọn, trong trường hợp các bên không có thỏa thuận khác, khi nguyên đơn có yêu cầu thì Tòa án sẽ có thẩm quyền trong việc chỉ định trọng tài viên của bị đơn. Quy định này cũng được áp dụng cho trường hợp có nhiều bị đơn.
  • Kể từ ngày các trọng tài viên được các bên lựa chọn hoặc được Tòa án chỉ định, trong vòng 15 ngày, các trọng tài viên này phải thống nhất với nhau về việc bầu một trọng tài viên khác làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài.
  • Nếu các trọng tài viên không bầu được Chủ tịch Hội đồng trọng tài, các bên sẽ có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền chỉ định Chủ tịch Hội đồng trọng tài cho mình. Kể từ ngày nhận được yêu cầu của các bên, trong vòng 07 ngày, Chánh án Tòa án có thẩm quyền sẽ phải phân công một Thẩm phán chỉ định trọng tài viên cho các bên và thông báo lại cho các bên biết.

Thẩm quyền của Hội đồng trọng tài

Thẩm quyền của Hội đồng trọng tài là một quy định đáng lưu ý trong số các quy định về Hội đồng trọng tài, bởi liệu tranh chấp có được giải quyết bằng trọng tài hay không phụ thuộc phần lớn vào việc Hội đồng trọng tài có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hay không.

Thẩm quyền của Hội đồng trọng tài được quy định tại Điều 43 Luật Trọng tài thương mại Việt Nam 2010. Cụ thể:

  • Nếu vụ việc thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì Hội đồng trọng tài sẽ được phép tiến hành việc giải quyết tranh chấp theo những quy định của pháp luật.
  • Nếu vụ việc không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài, Hội đồng trọng tài buộc phải đình chỉ việc giải quyết tranh chấp và phải thông báo ngay cho các bên tranh chấp được biết về vấn đề này.
  • Trong trường hợp đang trong quá trình giải quyết tranh chấp, mà Hội đồng trọng tài bị phát hiện đang vượt quá thẩm quyền, các bên có thể khiếu nại với Hội đồng trọng tài, Hội đồng trọng tài có trách nhiệm phải xem xét, và đưa ra quyết định.

Bên cạnh đó, Hội đồng trọng tài còn có một số thẩm quyền khác như:

  • Thẩm quyền xác minh sự việc được quy định tại Điều 45 Luật Trọng tài thương mại Việt Nam 2010 như sau: Khi giải quyết tranh chấp, Hội đồng trọng tài có quyền gặp hoặc trao đổi với các bên dưới sự có mặt của bên kia với các hình thức thích hợp.
  • Thẩm quyền thu thập chứng cứ được quy định tại Điều 46 Luật Trọng tài thương mại Việt Nam 2010 và Điều 11 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao về Hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài thương mại, cụ thể:
  • Hội đồng trọng tài có quyền yêu cầu người làm chứng cung cấp thông tin hay các tài liệu liên quan đến vụ tranh chấp theo yêu cầu của một hoặc các bên.
  • Hội đồng trọng tài có quyền trưng cầu giám định, định giá tài sản trong vụ tranh chấp để làm căn cứ cho việc giải quyết tranh chấp.
  • Hội đồng trọng tài có quyền tham vấn ý kiến của các chuyên gia, chi phí của việc yêu cầu chuyên gia sẽ do các bên yêu cầu tạm ứng hoặc do Hội đồng trọng tài phân bổ.
  • Thẩm quyền triệu tập người làm chứng được quy định tại Điều 47 Luật Trọng tài thương mại Việt Nam 2010 và Điều 11 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao về Hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài thương mại, theo đó:
  • Hội đồng trọng tài có quyền yêu cầu người làm chứng tham gia và có mặt tại phiên họp giải quyết tranh chấp.
  • Hội đồng trọng tài có quyền gửi văn bản đề nghị Tòa án có thẩm quyền ra quyết định triệu tập người làm chứng đến tham gia phiên họp của Hội đồng trọng tài.

Lưu ý dành cho doanh nghiệp

Các quy định về Hội đồng trọng tài là các quy định mà các doanh nghiệp cần lưu tâm khi tham gia giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, bởi các quy định này có tầm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.

Chính vì thế, để có thể nắm rõ hơn các quy định về Hội đồng trọng tài, doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ, tư vấn đến từ các chuyên gia có uy tín như đội ngũ luật sư, tư vấn viên của công ty Luật Việt An.

Quý khách hàng có bất kỳ vướng mắc về quy định về Hội đồng trọng tài, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, xin vui lòng liên hệ Luật Việt An để được chúng tôi hỗ trợ tốt nhất!

Mục lục

Bài viết liên quan

Mục lục
Ẩn

    Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

    Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

    Văn bản pháp luật

    Văn bản pháp luật

    Tư vấn pháp luật

    Tư vấn luật

    LIÊN HỆ CÔNG TY LUẬT VIỆT AN

    Tư vấn doanh nghiệp: 09 79 05 77 68
    Tư vấn doanh nghiệp
    Tư vấn sở hữu trí tuệ: 0976 18 66 08
    Tư vấn sở hữu trí tuệ
    Tư vấn đầu tư: 09 13 380 750
    Tư vấn đầu tư

    TỔNG ĐÀI PHÍA BẮC

    Hotline: 09 61 37 18 18
    (Whatsapp, Zalo, Viber) hanoi@vietanlaw.vn Skype IconSkype Chat
    Tư vấn kế toán - thuế: 09 888 567 08
    Dịch vụ kế toán thuế
    Tư vấn giấy phép: 0966 83 66 08
    Tư vấn giấy phép
    Tư vấn hợp đồng: 0913 380 750
    Tư vấn hợp đồng

    TỔNG ĐÀI PHÍA NAM

    Hotline: 09 61 57 18 18

    (Whatsapp, Zalo, Viber)
    hcm@vietanlaw.vn
    Skype IconSkype Chat

    Liên hệ tư vấn
    Cảnh báo lừa đảo
    CẢNH BÁO MẠO DANH CÔNG TY LUẬT VIỆT AN LỪA ĐẢO