Nền kinh tế Việt Nam đang trong thời kỳ hội nhập với nền kinh tế thế giới, mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, khi tham gia vào nền kinh tế thị trường, các chủ thể kinh doanh cần thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp để tạo được uy tín và thuận lợi hơn trong quá trình hoạt động. Khi thành lập công ty, nhà đầu tư cần chú ý đến trình tự, thủ tục và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
Lưu ý khi lựa chọn loại hình công ty:
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì các loại hình doanh nghiệp bao gồm: công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân. Trong đó, công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn là hai loại hình công ty được đăng ký nhiều nhất (chiếm hơn 97% số lượng doanh nghiệp được đăng ký mới năm 2017). Lý do các nhà đầu tư lựa chọn đăng ký doanh nghiệp theo loại hình này là vì chế độ trách nhiệm hữu hạn, người góp vốn chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp. Hơn nữa, mô hình tổ chức và quản trị của 02 loại hình doanh nghiệp này rất chặt chẽ, đảm bảo cho công ty hoạt động động hiệu quả và giảm thiểu rủi ro.
Vì vậy, Luật Việt An khuyên khách hàng nên lựa chọn loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (nếu có 01 người góp vốn), loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên (nếu có ít nhất 02 người tham gia góp vốn) và nếu có tối thiểu 03 người góp vốn thì có thể lựa chọn thêm mô hình công ty cổ phần. Đối với mô hình công ty cổ phần, doanh nghiệp có thể huy động được vốn từ nhiều chủ thể thông qua việc phát hành cổ phiếu và không hạn chế số lượng cổ đông, đặc biệt khi doanh nghiệp lớn mạnh có thể tham gia thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, cơ cấu tổ chức của công ty khá phức tạp, công kềnh, khiến cho các nhà quản lý gặp không ít khó khăn.
Lưu ý khi đặt tên cho công ty:
Tên doanh nghiệp bao gồm hai thành tố loại hình doanh nghiệp và tên riêng. Tên doanh nghiệp trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Doanh nghiệp không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc; sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp có thể có tên bằng nước ngoài hoặc tên viết tắt của doanh nghiệp. Tên bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt không được trùng với tên viết bằng tiếng nước ngoài, tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký.
Lưu ý về địa chỉ trụ sở chính của công ty:
Trụ sở chính của doanh nghiệp là địa điểm liên lạc của doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ được xác định gồm số nhà, ngách, hẻm, ngõ phố, phố, đường hoặc thôn, xóm, ấp, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).
Nhà đầu tư cần lưu ý lựa chọn vị trí đặt trụ sở của doanh nghiệp không được là nhà chung cư, nhà tập thể (theo quy định tại Luật Nhà ở 2014 và Công văn số Công văn số 2544/BXD-QLN). Ngoài ra, cần lựa chọn trụ sở là nơi có sổ đỏ hoặc hợp đồng thuê, mượn trụ sở để chứng minh quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp trụ sở đó. Đối với nơi dự định đặt trụ sở là tòa nhà văn phòng, tòa nhà hỗn hợp thì cần có tài liệu xây dựng chứng minh tòa nhà có chức năng làm văn phòng.
Lưu ý về mức vốn điều lệ của công ty:
Vốn điều lệ là tổng giá trị do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần. Mức vốn điều lệ được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thể hiện khả năng chịu trách nhiệm của doanh nghiệp khi ký kết hợp đồng với khách hàng. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lựa chọn mức vốn phù hợp với hoạt động kinh doanh, tránh trường hợp để mức vốn quá cao sẽ khó khăn khi thực hiện thủ tục giảm vốn. Ngoài ra, mức vốn điều lệ còn ảnh hưởng đến mức thuế môn bài phải nộp. Mức thuế môn bài áp dụng với doanh nghiệp trong năm 2018 là 2.000.000 đồng/năm đối với công ty có vốn điều lệ từ 10 tỷ trở xuống; 3.000.000 đồng/năm đối với công ty có mức vốn điều lệ trên 10 tỷ.
Lưu ý ghi nhận, áp mã ngành nghề kinh Doanh khi thành lập công ty năm 2018:
Hiện nay, doanh nghiệp được tự do kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm. Đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện luật định trước khi bắt đầu hoạt động hoạt động. Doanh nghiệp cần lưu ý cần mã hóa ngành nghề theo hệ thống ngành kinh tế cấp 4 theo Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg khi tiến hành đăng ký kinh doanh. Doanh nghiệp không bị hạn chế về số lượng ngành nghề kinh doanh, do đó, các chủ thể cần cân nhắc đăng ký các ngành nghề theo nhóm, có liên quan đến nhau và dự đoán khả năng mở rộng ngành nghề trong tương lai, tránh tình trạng phải thay đổi đăng ký doanh nghiệp nhiều lần.
Lưu ý về người đại diện theo pháp luật của công ty:
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp trong mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức khác. Theo quy định hiện hành thì công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Một người có thể đồng thời là người đại diện của một hay nhiều công ty khác. Chức danh của người đại diện theo pháp luật của công ty bao gồm: Tổng giám đốc, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng thành viên (đối với công ty TNHH), Chủ tịch Hội đồng quản trị (Đối với công ty cổ phần).
Doanh nghiệp cần lưu ý, trong trường hợp người đại diện của một công ty đang bị treo mã số thuế thì không đồng thời được làm người đại diện cho doanh nghiệp khác.
Lưu ý về khắc con dấu công ty:
Doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp. Nội dung con dấu phải thể hiện những thông tin về Tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp. Điều lệ hoặc Quyết định về con dấu của doanh nghiệp phải bao gồm:
Mẫu con dấu, gồm: Hình thức, kích cỡ, nội dung, mầu mực dấu.
Số lượng con dấu.
Quy định về quản lý và sử dụng con dấu.
Mẫu con dấu doanh nghiệp có thể được thể hiện dưới một hình thức cụ thể (hình tròn, hình đa giác hoặc hình dạng khác).
Trước khi sử dụng con dấu, doanh nghiệp gửi thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở để đăng tải thông báo về mẫu con dấu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Nội dung thông báo bao gồm:
Tên, mã số, địa chỉ trụ sở của doanh nghiệp hoặc chi nhánh hoặc văn phòng đại diện;
Số lượng con dấu, mẫu con dấu, thời điểm có hiệu lực của mẫu con dấu.
Khi nhận thông báo mẫu con dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận cho doanh nghiệp, thực hiện đăng tải mẫu con dấu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Lưu ý các ký hiệu không được khắc trên con dấu công ty: Doanh nghiệp không được sử dụng những hình ảnh, từ ngữ, ký hiệu sau đây trong nội dung hoặc làm hình thức mẫu con dấu:
Quốc kỳ, Quốc huy, Đảng kỳ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hình ảnh, biểu tượng, tên của nhà nước, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp.
Từ ngữ, ký hiệu và hình ảnh vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong, mỹ tục của dân tộc Việt Nam.
Ngoài ra, Luật Việt An khuyên Quý khách hàng nên thực hiện khắc con dấu không chứa địa chỉ quận/huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở. Điều này giúp cho doanh nghiệp giảm bớt được các thủ tục, không phải khắc lại con dấu khi thay đổi địa chỉ trụ sở trong cùng tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương.
Quý Khách hàng có nhu cầu tìm hiểu pháp luật liên quan đến dịch vụ và thủ tục thành lập công ty năm 2018, xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An để biết thêm chi tiết và được hỗ trợ nhanh chóng nhất!