Nhà đầu tư nước ngoài chuyển nhượng vốn cho nhà đầu tư nước ngoài
Trong quá trình hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, một số nhà đầu tư nước ngoài là cổ đông của công ty cổ phần sẽ có nhu cầu chuyển nhượng vốn cho chủ thể khác có thể là cá nhân, tổ chức người Việt Nam hoặc cá nhân, tổ chức nước ngoài. Thông qua bài viết dưới đây Luật Việt An sẽ làm rõ cho quý khách về điều kiện, thủ tục để nhà đầu tư nước ngoài chuyển nhượng vốn cho nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều kiện nhà đầu tư nước ngoài chuyển nhượng vốn góp cho nhà đầu tư nước ngoài
Điều kiện chuyển nhượng vốn trong doanh nghiệp
Điều kiện chuyển nhượng vốn trong công ty cổ phần
Cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho các cổ đông khác nếu như doanh nghiệp đã hoạt động được 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Chỉ được thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần phổ thông cho người khác mà không không phải là cổ đông sáng lập công ty nếu chưa được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.
Trường hợp cổ đông sáng lập còn lại không đồng ý về việc chuyển nhượng cổ phần cho người ngoài công ty thì người chuyển nhượng có quyền yêu cầu công ty hoặc cổ đông còn lại mua số cổ phần dự chuyển nhượng.
Điều kiện để chuyển nhượng vốn góp trong công ty TNHH hai thành viên trở lên
Theo quy định, thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác theo thủ tục sau:
Thành viên phải chào bán cho các thành viên khác của công ty trong cùng điều kiện và theo tỷ lệ phần vốn góp;
Nếu trong vòng 30 ngày kể từ ngày chào bán mà không có ai mua hoặc không mua hết thì thành viên có thể chuyển nhượng cho cá nhân, tổ chức không phải là thành viên.
Điều kiện để chuyển nhượng vốn góp trong công ty TNHH một thành viên
Việc chuyển nhượng vốn góp trong công ty TNHH một thành viên đơn giản hơn so với công ty TNHH hai thành viên thành viên trở lên do chỉ có một chủ sở hữu duy nhất. Chủ sở hữu của công ty TNHH một thành viên có nhu cầu chuyển nhượng vốn thì có 2 trường hợp xảy ra:
Nếu chủ sở hữu của công ty chuyển nhượng một phần phần vốn góp cho cá nhân, tổ chức khác thì lúc này công ty có hơn 1 chủ sở hữu, do vậy phải làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sang thành: Công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc Công ty cổ phần;
Nếu Chủ sở hữu công ty chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp cho cá nhân, tổ chức khác thì công ty phải tiến hành thay đổi chủ sở hữu.
Lưu ý: Sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng, trong thời hạn 10 ngày chủ sở hữu phải kê khai thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng vốn tại cơ quan thuế quản lý.
Điều kiện khác để nhà đầu tư nước ngoài chuyển nhượng vốn cho nhà đầu tư nước ngoài
Căn cứ Điều 24 Luật Đầu tư năm 2020 và Điều 65 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định về điều kiện, nguyên tắc thực hiện hoạt động đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp thì khi chuyển nhượng phần vốn góp cho nhà đầu tư nước ngoài thì nhà đầu tư nước ngoài phải thỏa mãn các điều kiện sau:
Điều kiện về tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài khi góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong tổ chức kinh tế đã thành lập tại Việt Nam.
Ví dụ như:
Đối với công ty đại chúng, tỷ lệ sở hữu vốn đối với nhà đầu tư nước là 50% theo khoản 1 Điều 139 Nghị định 155/2020/NĐ-CP.
Đối với công ty chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, tỷ lệ sở hữu vốn đối với nhà đầu tư nước ngoài lên tới 100% theo Điều 77 Luật Chứng khoán 2019.
Điều kiện về bảo đảm quốc phòng, an ninh và điều kiện sử dụng đất đối với tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong trường hợp tổ chức kinh tế đó có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại những khu vực sau (trừ tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế được thành lập theo quy định của Chính phủ):
Đảo, xã, phường, thị trấn biên giới và xã, phường, thị trấn ven biển;
Khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh
Thủ tục nhà đầu tư nước ngoài chuyển nhượng vốn cho nhà đầu tư nước ngoài
Căn cứ Điều 66 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định về thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp đối với nhà đầu tư nước ngoài như sau:
Thực hiện thủ tục chuyển nhượng phần vốn góp như đối với cá nhân, tổ chức Việt Nam
Cá nhân, tổ chức nước ngoài chuyển nhượng vốn không cần đăng ký với cơ quan có thẩm quyền nếu không thuộc những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật Đầu tư năm 2020 sau đây:
“a) Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp làm tăng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế kinh doanh ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài;
b) Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế kinh tế nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của tổ chức kinh tế trong các trường hợp: tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ dưới hoặc bằng 50% lên trên 50%; tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu trên 50% vốn điều lệ trong tổ chức kinh tế;
c) Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh”
Thực hiện chuyển nhượng vốn góp phải thực hiện thủ tục tại cơ quan chức năng
Trường hợp 1: Thuộc phạm vi điều chỉnh của khoản a,b Điều 26 Luật Đầu tư năm 2020
Bước 1. Nộp hồ sơ
Doanh nghiệp cần chuyển nhượng vốn nộp hồ sơ đến cơ quan đăng ký đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính
Hồ sơ gồm:
Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp
Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân, tổ chức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp;
Văn bản thỏa thuận nguyên tắc về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp
Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp
Giấy ủy quyền cho Luật Việt An
Bước 2. Chờ đợi kết quả
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký đầu tư xem xét việc đáp ứng điều kiện chuyển nhượng vốn và thông báo cho nhà đầu tư.
Bước 3. Thủ tục sau khi được chấp thuận chuyển nhượng vốn
Sau khi nhà đầu tư nước ngoài được chấp thuận về chuyển nhượng vốn, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp thực hiện thủ tục thay đổi thành viên, cổ đông tại cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế
Trường hợp 2: Chuyển nhượng vốn thuộc điểm c khoản 2 Điều 26 Luật Đầu tư 2020
Bước 1. Nộp hồ sơ
Doanh nghiệp FDI cần chuyển nhượng vốn nộp hồ sơ đến cơ quan đăng ký đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính
Hồ sơ gồm:
Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp
Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân, tổ chức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp;
Văn bản thỏa thuận nguyên tắc về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp
Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp
Giấy ủy quyền cho Luật Việt An
Bước 2. Chờ đợi kết quả
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký đầu tư lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an về việc đáp ứng các điều kiện pháp luật
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của cơ quan đăng ký đầu tư, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an có ý kiến về việc đáp ứng điều kiện bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với việc chuyển nhượng vốn
Quá thời hạn yêu cầu mà không có ý kiến thì được coi là đã đồng ý việc đáp ứng điều kiện bảo đảm
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký đầu tư xem xét việc đáp ứng điều kiện về chuyển nhượng vốn và căn cứ ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để thông báo cho nhà đầu tư
Bước 3. Thủ tục sau khi được chấp thuận
Sau khi nhà đầu tư nước ngoài được chấp thuận về chuyển nhượng vốn, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp thực hiện thủ tục thay đổi thành viên, cổ đông tại cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế
Trên đây là tư vấn của Luật Việt An về nhà đầu tư nước ngoài chuyển nhượng vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Nếu có bất kỳ vướng mắc pháp lý nào khác liên quan đến chuyển nhượng vốn góp trong doanh nghiệp, xin hãy liên hệ với Luật Việt An để được tư vấn cụ thể và chi tiết hơn. Xin chân thành cảm ơn Quý khách!