Quy định mới về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí theo Nghị định 132/2024/NĐ-CP
Ngày 15/10/2024, Chính Phủ ban hành Nghị định 132/2024/NĐ-CP quy định mới về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí theo Luật Đầu tư năm 2020. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 5/12/2024 và thay thế Nghị định 124/2017/NĐ-CP quy định về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu. Sau đây, Luật Việt An sẽ phân tích các quy định mới về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí theo Nghị định 132/2024/NĐ-CP.
Nội dung chính của Nghị định 132/2024/NĐ-CP
Nghị định 132/2024/NĐ-CP quy định về đầu tư ra nước ngoài theo hình thức quy định tại các điểm a, b, c, đ khoản 1 Điều 52 Luật Đầu tư 2020 để tham gia thực hiện hoạt động dầu khí, dự án dầu khí ở nước ngoài:
Thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư;
Đầu tư theo hình thức hợp đồng ở nước ngoài;
Góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý tổ chức kinh tế đó;
Các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.
Nghị định 132/2024/NĐ-CP áp dụng đối với nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí. Theo đó, hoạt động dầu khí ở nước ngoài gồm hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí, phát triển mỏ dầu khí, khai thác dầu khí, thu dọn công trình dầu khí và các hoạt động liên quan khác được thực hiện ở nước ngoài theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư, hợp đồng dầu khí hoặc giấy phép.
Lưu ý đối với hình thức đầu tư ra nước ngoài theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để thực hiện hoạt động dầu khí tại Việt Nam sẽ chịu sự điều chỉnh tại Nghị định số 31/2021/NĐ-CP.
Bổ sung nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí
Nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí gồm tiền và tài sản hợp pháp khác của nhà đầu tư, bao gồm vốn chủ sở hữu, vốn vay tại Việt Nam chuyển ra nước ngoài, chi phí thu hồi, lợi nhuận và các khoản được chia từ dự án dầu khí ở nước ngoài được giữ lại để thực hiện đầu tư ở nước ngoài. Cụ thể bao gồm:
Ngoại tệ trên tài khoản tại tổ chức tín dụng được phép hoặc mua tại tổ chức tín dụng được phép theo quy định của pháp luật;
Đồng Việt Nam phù hợp với pháp luật về quản lý ngoại hối của Việt Nam;
Máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu, hàng hóa thành phẩm, hàng hóa bán thành phẩm;
Giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, thương hiệu, quyền đối với tài sản;
Cổ phần, phần vốn góp, dự án của nhà đầu tư được hoán đổi tại tổ chức kinh tế ở Việt Nam và tổ chức kinh tế ở nước ngoài;
Các tài sản hợp pháp khác theo quy định của pháp luật dân sự.
Như vậy, so với Nghị định 124/2017/NĐ-CP, quy định mới về vốn đầu tư nước ngoài tại Nghị định 132/2024/NĐ-CP đã bổ sung thêm trường hợp nguồn vốn đầu tư nước ngoài là cổ phần, phần vốn góp, dự án của nhà đầu tư được hoán đổi tại tổ chức kinh tế ở Việt Nam và tổ chức kinh tế ở nước ngoài.
Ngoài ra, nhà đầu tư Việt Nam được dùng cổ phần, phần vốn góp hoặc dự án đầu tư của nhà đầu tư đó tại Việt Nam để thanh toán hoặc hoán đổi cho việc mua cổ phần, phần vốn góp hoặc dự án dầu khí của tổ chức kinh tế ở nước ngoài. Trong trường hợp này, nhà đầu tư Việt Nam thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài trước, sau đó nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục đầu tư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 12 Nghị định 132/2024/NĐ-CP, để thực hiện hoạt động hình thành dự án dầu khí ở nước ngoài ngắn triển khai dự án dầu khí ở nước ngoài, nhà đầu tư được phép thành lập hoặc tham gia thành lập công ty điều hành tại Việt Nam, tại nước tiếp nhận đầu tư hoặc tại nước thứ ba theo quy định pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư, hợp đồng dầu khí và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế được chấp nhận chung.
Lưu ý:
Trường hợp nhà đầu tư quyết định thành lập công ty điều hành nhằm mục đích thay mặt nhà đầu tư tham gia hoặc triển khai dự án dầu khí ở nước ngoài, công ty điều hành sẽ được ghi tên trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
Công ty điều hành được sử dụng giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để phục vụ các hoạt động liên quan đến triển khai dự án dầu khí.
Như vậy, nếu như Nghị định 124/2017/NĐ-CP cho phép công ty điều hành và nhà đầu tư sẽ được ghi tên trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài khi nhà đầu tư quyết định thành lập công ty điều hành nhằm mục đích thay mặt nhà đầu tư tham gia hoặc triển khai dự án dầu khí ở nước ngoài thì theo Nghị định 132/2024/NĐ-CP, chỉ có công ty điều hành sẽ được ghi tên trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
Trình tự, thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài
Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài đối với dự án dầu khí thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài: Điều 8;
Hồ sơ, trình tự, thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài đối với dự án dầu khí thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài: Điều 9;
Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài đối với dự án dầu khí không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài: Điều 10;
Hồ sơ, trình tự, thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài đối với dự án dầu khí không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài: Điều 11;
Quy định mới này nhằm phù hợp với các quy định mới về cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài tại Luật Đầu tư 2020 và tại Nghị định 31/2021/NĐ-CP.
Lưu ý đối với tài liệu xác định địa điểm thực hiện dự án dầu khí ở nước ngoài phải thuộc một trong các loại giấy tờ sau, trong đó có nội dung xác định địa điểm:
Giấy phép hoặc văn bản có giá trị tương đương của nước tiếp nhận đầu tư;
Hợp đồng dầu khí hoặc văn bản thỏa thuận đầu tư với đối tác nước ngoài hoặc văn bản thỏa thuận về việc nhận chuyển nhượng quyền lợi tham gia hoặc nhận chuyển nhượng một phần hay toàn bộ vốn góp của tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động dầu khí ở nước ngoài;
Hợp đồng giao đất, cho thuê đất hoặc quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tại nước tiếp nhận đầu tư;
Thông báo trúng thầu tham gia dự án dầu khí ở nước ngoài hoặc văn bản có giá trị tương đương của nước tiếp nhận đầu tư.
Thủ tục mới khi chuyển nhượng dự án dầu khí
Nhà đầu tư được chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án dầu khí ở nước ngoài phù hợp quy định của hợp đồng dầu khí, thỏa thuận, giấy phép liên quan, pháp luật nước tiếp nhận đầu tư và các quốc gia có liên quan.
Tuy nhiên, nếu như trước đây, pháp luật quy định trường hợp chuyển nhượng toàn bộ dự án dầu khí, nhà đầu tư thực hiện thủ tục chấm dứt và thanh lý dự án đầu tư ra nước ngoài thì theo quy định mới tại Điều 19 Nghị định 132/2024/NĐ-CP đã nêu rõ 2 trường hợp nhà đầu tư cần phải tiến hành thủ tục sau:
Trường hợp chuyển nhượng toàn bộ dự án dầu khí ở nước ngoài cho nhà đầu tư trong nước: Thực hiện thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Điều 63 Luật Đầu tư 2020.
Trường hợp chuyển nhượng toàn bộ dự án dầu khí ở nước ngoài cho nhà đầu tư nước ngoài: Thực hiện thủ tục chấm dứt hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Điều 64 Luật Đầu tư 2020.
Chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài để thực hiện hoạt động dầu khí
Nhà đầu tư được chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài để thực hiện hoạt động dầu khí ở nước ngoài khi đáp ứng các điều kiện tại Điều 66 Luật Đầu tư 2020. Ngoài ra, cần lưu ý những quy định mới sau:
Hạn mức chuyển ngoại tệ nước ngoài
Nếu như Nghị định 124/2017/NĐ-CP quy định hạn mức chuyển ngoại tệ nhỏ hơn hoặc bằng 500.000 (năm trăm nghìn) Đô la Mỹ thì tại Khoản 3 Điều 13 Nghị định 132/2024/NĐ-CP, hạn mức chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để đáp ứng các chi phí cho hoạt động hình thành dự án dầu khí ở nước ngoài có thể là không vượt quá 500.000 đô la Mỹ hoặc không vượt quá 2 triệu đô la Mỹ. Cụ thể:
Hạn mức không vượt quá 500.000 đô la Mỹ trong các trường hợp chuyển ngoại tệ để đáp ứng các chi phí sau:
Nghiên cứu thị trường và cơ hội đầu tư;
Khảo sát thực địa;
Nghiên cứu tài liệu;
Thu thập và mua tài liệu, thông tin có liên quan đến lựa chọn dự án;
Tổng hợp, đánh giá, thẩm định, kể cả việc lựa chọn và thuê chuyên gia, tư vấn để tiếp cận, đánh giá, thẩm định dự án;
Tổ chức hội thảo, hội nghị khoa học;
Thành lập và hoạt động của văn phòng liên lạc ở nước ngoài liên quan đến việc hình thành dự án;
Đàm phán hợp đồng;
Mua hoặc thuê tài sản, dịch vụ hỗ trợ cho việc hình thành dự án.
Hạn mức không vượt quá 2 triệu đô la Mỹ trong các trường hợp:
Tham gia đấu thầu quốc tế, đặt cọc, ký quỹ hoặc các hình thức bảo lãnh tài chính khác, thanh toán chi phí, lệ phí theo yêu cầu của bên mời thầu, nước tiếp nhận đầu tư liên quan đến điều kiện tham gia đấu thầu, điều kiện thực hiện dự án;
Tham gia mua bán, sáp nhập công ty, đặt cọc, ký quỹ hoặc các hình thức bảo lãnh tài chính khác, thanh toán chi phí, lệ phí theo yêu cầu của bên bán công ty hoặc theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.
Thủ tục liên quan đến chuyển ngoại tệ ra nước ngoài
Số ngoại tệ chuyển ra nước ngoài trước khi cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài phải được thực hiện thông qua một tài khoản ngoại tệ trước đầu tư tại một tổ chức tín dụng được phép tại Việt Nam.
Sau khi dự án dầu khí được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, tài khoản ngoại tệ trước đầu tư được sử dụng là tài khoản vốn đầu tư và phải đăng ký với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Điều 15 Nghị định 132/2024/NĐ-CP.
Thu hồi vốn từ dự án dầu khí ở nước ngoài về Việt Nam
Theo Điều 18 Nghị định 132/2024/NĐ-CP, nhà đầu tư có trách nhiệm chuyển khoản thu hồi vốn (chi phí) từ dự án dầu khí ở nước ngoài về Việt Nam trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày có báo cáo quyết toán thuế hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.
Điểm mới của Nghị định 132/2024/NĐ-CP về thu hồi vốn từ dự án dầu khí ở nước ngoài, đó là:
Quy định mới trường hợp ngoại lệ không phải chuyển khoản thu hồi vốn nếu tổng vốn đầu tư ra nước ngoài chưa đạt so với vốn đăng ký hoặc trong trường hợp tăng vốn đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư được giữ lại các khoản thu hồi vốn (chi phí) để đầu tư cho dự án đó.
Bổ sung trách nhiệm thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Cơ quan đại diện chủ sở hữu trong trường hợp không chuyển khoản thu hồi vốn từ dự án dầu khí ở nước ngoài về Việt Nam trong thời hạn quy định (trước đó chỉ quy định báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).
Trên đây là một số quy định mới về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí theo Nghị định 132/2024/NĐ-CP. Quý khách hàng có thắc mắc liên quan, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được tư vấn hỗ trợ tốt nhất!