Quy trình xử lý vi phạm báo cáo giám sát đầu tư công ty nước ngoài
Việc các nhà đầu tư nước ngoài thành lập công ty ở Việt Nam và thực hiện các dự án của họ ở Việt Nam ngày càng trở nên phổ biến. Để kiểm soát và điều chỉnh các hoạt động kinh doanh trên thị trường, pháp luật quy định đối với các dự án được thực hiện bởi các công ty nước ngoài phải có hoạt động giám sát và báo cáo giám sát đi kèm. Công ty nước ngoài không thực hiện đúng và đủ các yêu cầu về giám sát sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định. Trong bài viết sau đây, Luật Việt An sẽ cung cấp các thông tin đến quy trình lý vi phạm báo cáo giám sát đầu tư công ty nước ngoài.
Căn cứ pháp lý
Luật Đầu tư năm 2020;
Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi bổ sung năm 2020, 2022.
Nghị định số 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Nghị định số 29/2021/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư.
Thông tư số 02/2022/TT-BKHĐT hướng dẫn về công tác giám sát, đánh giá đầu tư đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Thông tư 05/2023/TT-BKHĐT quy định về mẫu báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư; chế độ báo cáo trực tuyến và quản lý vận hành hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước
Báo cáo giám sát đầu tư nước ngoài là gì?
Căn cứ Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP quy định: “Giám sát đầu tư là hoạt động theo dõi, kiểm tra đầu tư. Giám sát đầu tư gồm giám sát chương trình, dự án đầu tư và giám sát tổng thể đầu tư.”
Như vậy, có thể hiểu báo cáo giám sát đầu tư nước ngoài là việc các chủ thể được giao nhiệm vụ giám sát dự án đầu tư thực hiện các hoạt động theo dõi, quản lý, kiểm tra đầu tư, xác định mức độ đạt được theo mục tiêu của dự án. Sau đó, có trách nhiệm lập bản báo cáo về tình hình thực hiện dự án đầu tư đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Quy định về báo cáo giám sát, đánh giá thực hiện đầu tư
Chế độ báo cáo
Điều 100 Nghị định 29/2021/NĐ-CP quy định nhà đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn khác lập và gửi cơ quan đăng ký đầu tư và cơ quan đầu mối thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư của địa phương nơi thực hiện dự án đầu tư các loại báo cáo sau:
Báo cáo giám sát, đánh giá định kỳ: 6 tháng và cả năm
Báo cáo giám sát, đánh giá trước khi điều chỉnh dự án;
Báo cáo đánh giá kết thúc (nếu có).
Báo cáo đánh giá chương trình, dự án đầu tư do mình tổ chức thực hiện;
Báo cáo tổng hợp công tác giám sát, đánh giá hàng năm các chương trình, dự án đầu tư do mình quản lý
Thời hạn báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư
Chủ chương trình, chủ đầu tư và nhà đầu tư:
Gửi báo cáo 6 tháng trước ngày 10 tháng 7 của năm báo cáo;
Gửi báo cáo hàng năm trước ngày 10 tháng 02 năm sau;
Gửi báo cáo trước khi trình điều chỉnh chương trình dự án.
Mẫu báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư
Các mẫu giám sát, đánh giá đầu tư được quy định tại mục 1: mẫu báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư và dưới dạng mẫu báo cáo cụ thể tại phần phụ lục của Thông tư 05/2023/TT-BKHĐT.
Quý khách có thể liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ liên quan đến mẫu báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư.
Thẩm quyền xử lý vi phạm báo cáo giám sát đầu tư công ty nước ngoài
Việc báo cáo giám sát đầu tư của công ty nước ngoài phải được đúng theo quy định của pháp luật về trình tự, cách thức, nội dung báo cáo và thời gian thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Các hành vi vi phạm sẽ bị xử phạm vi phạm hành chính đã được nêu rõ trong Luật xử lý vi phạm hành chính.
Đối với lĩnh vực đầu tư, theo quy định tại Điều 77 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP các chủ thể có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm trong hoạt động báo cáo, giám sát đầu tư của công ty nước ngoài là:
Chánh thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư;
Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở; Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Chánh thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; cấp tỉnh
Một số chủ thể khác theo quy định của pháp luật.
Quy trình xử lý vi phạm báo cáo giám sát đầu tư công ty nước ngoài
Theo mức phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động này nêu trên thì theo quy định tại Điều 56, 57 của Luật Xử lý vi phạm hành chính:
“Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.”
Như vậy, với quy định mức xử phạt như trên đối với hành vi vi phạm báo cáo giám sát đầu tư của công ty nước ngoài thì theo quy định của pháp luật đây sẽ là các trường hợp phải lập biên bản xử phạt.
Theo quy định tại Điều 57 Luật Xử lý vi phạm hành chính, quy trình xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm báo cáo giám sát đầu tư của công ty nước ngoài sẽ được thực hiện theo thủ tục hành chính như sau:
Bước 1: Gửi thông báo vi phạm
Khi công ty nước ngoài không thực hiện đúng việc báo cáo giám sát đầu tư, cơ quan nhà nước có thẩm quyền gửi thông báo tới công ty về hành vi vi phạm.
Bước 2: Lập biên bản vi phạm hành chính
Chủ thể có thẩm quyền: Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính.
Thời gian thực hiện:
Biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính;
Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc có phạm vi rộng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, thì biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính.
Địa điểm thực hiện:
Biên bản vi phạm hành chính phải được lập tại nơi xảy ra hành vi vi phạm hành chính.
Trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền lập biên bản hoặc địa điểm khác thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Bước 3: Tiến hành xác minh tình tiết vụ việc vi phạm
Trong trường hợp cần xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt.
Thời gian thực hiện: Biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh tình tiết liên quan.
Bước 4: Giải trình (bằng văn bản hoặc giải trình trực tiếp)
Theo quy định của pháp luật, đối với hành vi vi phạm hành chính mà pháp luật có quy định hình thức xử phạt tiền trong đó, mức tối đa của khung tiền từ 30.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức thì cá nhân. Tổ chức vi phạm có quyền giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xem xét ý kiến giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm
Công ty sẽ thực hiện việc giải trình nếu hành vi vi phạm là:
Lập báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư không đúng thời hạn hoặc không đầy đủ nội dung theo quy định;
Không cập nhật Báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư lên Cổng thông tin quốc gia về giám sát và đánh giá đầu tư.
Bước 5: Xác định đúng phạm vi xử lý
Cơ quan có thẩm quyền chỉ ra quyết định xử lý vi phạm hành chính nếu không có dấu hiệu tội phạm.
Thời hạn ra quyết định xử phạt: 07 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.
Vụ việc thuộc trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn ra quyết định xử phạt: 10 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.
Đối với vụ việc mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan thì thời hạn ra quyết định xử phạt: 01 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính
Chủ thể ra quyết định xử phạt: Tùy thuộc vào mức vi phạm của công ty trong hoạt động báo cáo, giám sát hoạt động đầu tư, chủ thể có thẩm quyền ra quyết định xử phạt là khác nhau.
Bước 6: Chấp hành quyết định xử phạt
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
Trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.
Bước 7: Cưỡng chế thi hành
Trường hợp công ty không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì tiến hành cưỡng chế thi hành xuyết định xử phạt.
Quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư
Theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư:
Chủ đầu tư, chủ chương trình và nhà đầu tư sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm hoạt động báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư sau:
Lập báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư không đúng thời hạn hoặc không đầy đủ nội dung theo quy định;
Không cập nhật Báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư lên Cổng thông tin quốc gia về giám sát và đánh giá đầu tư.
Mức phạt tiền được nâng lên từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
Không thực hiện chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư định kỳ theo quy định;
Lập báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư không trung thực, không chính xác.
Bên cạnh biện pháp xử lý chính là phạt tiền, nhà đầu tư, người có nhiệm vụ thực hiện hoạt động báo cáo giám sát, đánh giá còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả sau:
Buộc bổ sung các nội dung còn thiếu trong trường hợp báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư không đầy đủ nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP;
Buộc cập nhật Báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư lên Cổng thông tin quốc gia về giám sát và đánh giá đầu tư đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP ;
Buộc thực hiện chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư định kỳ theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều 10 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn về quy trình xử lý vi phạm báo cáo giám sát đầu tư công ty nước ngoài, xin vui lòng liên hệ đến dịch vụ của Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!