Hợp đồng thương mại là một văn bản pháp lý để các bên tham gia quan hệ pháp luật thương mại thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Nó cũng là cơ sở để giải quyết tranh chấp phát sinh. Tuy nhiên, không phải hợp đồng thương mại nào cũng đầy đủ các điều khoản chặt chẽ. Vì vậy, để Quý khách hàng có thể soạn thảo một hợp đồng thương mại chặt chẽ, bảo vệ đầy đủ quyền và nghĩa vụ các bên, Công ty luật Việt An xin tư vấn những điều khoản cơ bản và một số lưu ý khi soạn thảo hợp đồng thương mại.
Một bản hợp đồng thường được chia thành các điều khoản cụ thể. Đối với một hợp đồng thương mại, Quý khách hàng cần phải có các điều khoản cơ bản sau:
Điều khoản thông tin các bên
Đây thường là điều khoản đầu tiên và luôn phải có trong một hợp đồng thương mại. Cá nhân, tổ chức đều có quyền tham gia ký kết hợp đồng khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Vì vậy, ta cần phải xác định cụ thể cá nhân, tổ chức nào tham gia vào hợp đồng thương mại này.
Để xác định được tư cách chủ thể của các bên thì cần phải có các thông tin cơ bản sau:
Đối với cá nhân: Tên, số chứng minh thư và địa chỉ thường trú. Nội dung này ghi chính xác theo chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc hộ khẩu và cũng nên kiểm tra trước khi ký kết.
Đối với tổ chức, doanh nghiệp: Tên, Trụ sở, Giấy phép thành lập và người đại diện theo pháp luật. Các nội dung trên phải ghi chính xác theo Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép đầu tư của doanh nghiệp.
Điều khoản về đối tượng của hợp đồng
Hợp đồng thương mại là hợp đồng nói chung của rất nhiều hoạt động thương mại. Trên thực tế, đối với mỗi hoạt động thì tên hợp đồng được ghi cụ thể hơn. Ví dụ như hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng gia công hàng hóa… Do vậy, đối với mỗi loại hợp đồng thì đối tượng của nó là khác nhau.
Đối với hợp đồng dịch vụ hoặc gia công hàng hóa… đối tượng của nó là các công việc cụ thể. Những công việc này phải được xác định rõ ràng: Cách thức thực hiện, trình độ chuyên môn, người trực tiếp thực hiện, kết quả sau khi thực hiện.
Đối với hợp đồng mua bán hàng hóa: Đối tượng của hợp đồng là hàng hóa được mua bán. Khi soạn thảo, các bên phải xác định rõ tên hàng hóa, loại hàng hóa, chất lượng hàng hóa, số lượng hàng hóa… tất cả các yếu tố trên phải được xác định rõ ràng, cụ thể trong hợp đồng.
Điều khoản về giá cả
Các bên khi thoả thuận về giá cả cần đề cập các nội dung sau: Đơn giá, tổng giá trị và đồng tiền thanh toán. Về đơn giá có thể xác định giá cố định hoặc đưa ra cách xác định giá (giá di động). Thông thường quy định giá sẽ được điều chỉnh theo giá thị trường hoặc theo sự thay đổi của các yếu tố tác động đến giá sản phẩm.
Điều khoản thanh toán
Trong điều khoản này, các bên cần có thỏa thuận về phương thức thanh toán, đồng tiền thanh toán và thời hạn thanh toán.
Đối với phương thức thanh toán: Các bên có thể lựa chọn một trong các phương thức thanh toán phổ biến hiện nay: Thanh toán trực tiếp; Thanh toán thông qua chuyển khoản và thanh toán nhờ thu và tín dụng chứng từ L/C (thường được sử dụng đối với hợp đồng thương mại quốc tế).
Đối với đồng tiền thanh toán: Các bên thỏa thuận cụ thể đồng tiền thanh toán là Việt Nam đồng hoặc USD hay một đồng tiền khác tùy theo ý trí các bên. Tuy nhiên chỉ nên để một loại đồng tiền thanh toán duy nhất.
Đối với thời hạn thanh toán: Mặc dù pháp luật quy đinh các bên không thỏa thuận thời hạn thanh toán thì vẫn có phương thức xác định. Tuy nhiên, các bên vẫn nên thỏa thuận một thời hạn thanh toán cụ thể. Thời hạn thanh toán có thể là một lần hoặc nhiều lần theo tiến độ của hợp đồng.
Điều khoản về phạt vi phạm
Đây là điều khoản các bên tự thỏa thuận. Tuy nhiên nếu các bên không thỏa thuận điều khoản này thì khi xảy ra vi phạm, các bên sẽ không được phạt vi phạm hợp đồng. Do vậy, để đề phòng thì các bên nên quy thỏa thuận điều khoản này trong hợp đồng.
Các bên thỏa thuận cụ thể mức phạt vi phạm, nhưng không được vượt quá 8% giá trị hợp đồng.
Các bên có thể thỏa thuận cụ thể chỉ một số trường hợp vi phạm mới bị phạt vi phạm hoặc tất cả các vi phạm đều bị áp dụng.
Điều khoản quyền và nghĩa vụ các bên
Pháp luật có quy định các quyền và nghĩa vụ cơ bản cho các bên. Thực tế, các bên có thể thỏa thuận thêm một số quyền và nghĩa vụ khác phù hợp với giao dịch của mình để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp.
Điều khoản giải quyết tranh chấp
Riêng các giao dịch thương mại thì ngoài Tòa án còn có một thiết chế khác có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đó là Trọng tài thương mại. Vì vậy, các bên có thể thỏa thuận lựa chọn một trong hai cơ quan trên để giải quyết tranh chấp phát sinh.
Lưu ý, một số trường hợp tranh chấp chỉ được giải quyết bởi Tòa án mà Trọng tài thương mại không có thẩm quyền giải quyết.
Thỏa thuận trọng tài thương mại có thể được lập trước hoặc sau khi có tranh chấp phát sinh.
Đối với các hợp đồng thương mại giữa thương nhân Việt Nam với thương nhân nước ngoài thì các bên cần lưu ý thêm về Luật áp dụng khi giải quyết tranh chấp. Trường hợp các bên không thỏa thuận Luật áp dụng thì Luật áp dụng sẽ được xác định theo quy định của pháp luật cụ thể.
Các điều khoản khác
Bên cạnh các điều khoản cơ bản ở trên, các bên được tự do thỏa thuận các điều khoản khác phù hợp với giao dịch và quy định cảu pháp luật để chi tiết hơn.
Các bên cũng lưu ý nên ký kết hợp đồng bằng hình thức văn bản ngoài các trường hợp bắt buộc để đảm bảo hơn cho quá trình thực hiện giao dịch thương mại.
Quý khách hàng quan tâm có thể sử dụng dịch vụ tư vấn và soạn thảo hợp đồng thương mại của Công ty luật Việt An để có được một bản hợp đồng rõ ràng, chặt chẽ, đảm bảo được quyền lợi cho các bên.