Ngày 23/8/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 108/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.
Nghị định đã thay đổi, bổ sung một số điều về đăng kí doanh nghiệp, chủ yếu là tiếp tục tinh gọn các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy việc thành lập doanh nghiệp, thay thế các quy định còn bất cập khi thi hành và bổ sung các quy định mới.
Nghị định này có hiệu lực từ 10/10/2018 đổi mới những nội dung sau:
Đơn giản hóa thủ tục đăng ký doanh nghiệp:
Doanh nghiệp không bắt buộc phải đóng dấu: giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp; thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp; nghị quyết, quyết định, biên bản trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp;
Không bắt buộc phải công chứng, chứng thực giấy ủy quyền đăng ký thành lập doanh nghiệp;
Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, không yêu cầu phải nộp bản sao Điều lệ hoặc tương đương khác của chủ sở công ty trong trường chủ sở hữu công ty là tổ chức;
Doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký để nộp hồ sơ qua đường bưu điện. Đây là tiện ích mới đồng bộ cả quá trình nộp hồ sơ và nhận kết quả người đăng ký doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ và nhận két quả thanh toán chi phí qua đường bưu điện;
Về thủ tục thông báo mẫu dấu qua mạng điện tử: doanh nghiệp không phải nộp hồ sơ thông báo mẫu dấu bằng bản giấy đến Phòng Đăng ký kinh doanh.
Đây là quy định hoàn toàn mới, giảm thiểu những chi tiết trong thủ tục đăng ký doanh nghiệp, tăng những tiện ích trong hoạt động đăng ký doanh nghiệp, đáp ứng tiêu chí: gọn nhẹ – nhanh – hiệu quả.
Bổ sung các quy định về chuyển đổi doanh nghiệp:
Doanh nghiệp có thể đăng ký chuyển đổi loại hình doanh nghiệp đồng thời đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp khác, trừ trường hợp đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật. Như vậy, trong cùng một lần, cá nhân/tổ chức có thể thực hiện nhiều thủ tục, rút ngắn rất nhiều thời gian và chi phí;
Bổ sung thành lập doanh nghiệp trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh. Đây là một quy định hoàn thiện khi mà trước đây chỉ có quy định chuyển đổi công ty THNN 1 thành viên sang công ty THNN 2 thành viên và ngược lại; công ty tư nhân thành công ty TNHH; công ty cổ phần thành công ty TNHH và ngược lại.
Hiện nay nhu cầu chuyển đổi từ các hộ kinh doanh nhỏ lẻ manh mún thành các doanh nghiệp là một xu hướng ưa chuộng, việc quy định này tạo điều kiện pháp lý để việc chuyển đổi diễn ra nhanh gọn hơn.
Về thành lập địa điểm kinh doanh:
Bỏ quy định chỉ được lập địa điểm kinh doanh tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh. Với quy định trước đây khá cản trở việc thành lập địa điểm kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Sự ưu việt của địa điểm kinh doanh là: địa điểm kinh doanh với chủ yếu là trung gian buôn bán; thuế doanh nghiệp, và thủ tục thành lập lại khá đơn giản so với thành lập chi nhánh và công ty con; cho nên nhiều doanh nghiệp có nhu cầu thành lập địa điểm kinh doanh;
Trước đây, với mục tiêu, yêu cầu của doanh nghiệp thì địa điểm kinh doanh là đủ đáp ứng rồi, tuy nhiên do quy định cũ của pháp luật mà họ phải tính đến phương án lập chi nhánh hoặc công ty con.
Cùng với quy định mới về địa điểm kinh doanh đã mở ra cánh cửa cho các doanh nghiệp có nhiều sự lựa chọn.
Bên cạnh đó, nghị định còn tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định về trình tự thủ tục đăng kí chữ kí số công cộng/ tài khoản đăng ký kinh doanh; đăng ký thay đổi điều lệ, tăng/giảm vốn điều lệ,…
Với việc ban hành Nghị định mới với nhiều quy định ưu việt, dễ dàng cho người thực hiện đã thể hiện sự mục tiêu thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp của Nhà nước. Hy vọng nghị định này sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp tại Việt nam.