Hiện nay, ngành du lịch Việt Nam là một ngành nghề được đánh giá với tiềm năng phát triển lớn, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Việc xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch ngày càng nhận được sự quan tâm từ khách du lịch trong và ngoài nước bởi việc xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ và thu hút du khách. Trong bài viết dưới đây, Luật Việt An sẽ cung cấp cho khách hàng những thông tin về thẩm quyền công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch.
Việc công nhận hạng cơ sở lưu trú được quy định tại đâu?
Căn cứ theo các văn bản pháp lý:
Luật Du lịch 2017;
Nghị định 168/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch;
Nghị định 45/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch;
Thông tư 34/2018/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý phí thẩm định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Theo đó:
Cơ sở lưu trú du lịch là nơi cung cấp dịch vụ phục vụ nhu cầu lưu trú của khách du lịch. Cụ thể, lưu trú được hiểu là việc công dân đến ở tại nơi không phải là địa chỉ thường trú, tạm trú trong một khoảng thời gian ngắn; khách du lịch là người đi du lịch hoặc kết hợp đi du lịch, trừ trường hợp đi học, làm việc để nhận thu nhập ở nơi đến.
Việc công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch là quá trình đánh giá, xếp loại các cơ sở lưu trú du lịch theo các tiêu chuẩn được quy định. Các tiêu chí phân loại và xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch bao gồm vị trí cảnh quan, cơ sở vật chất, dịch vụ, quản lý, an toàn vệ sinh môi trường.
Phân loại cơ sở lưu trú du lịch
Căn cứ Điều 48 Luật Du lịch 2017 và Điều 21 Nghị định 168/2017/NĐ-CP, các loại hình cơ sở lưu trú du lịch bao gồm:
Khách sạn
Là cơ sở lưu trú du lịch bảo đảm chất lượng về cơ sở vật chất, trang thiết bị và dịch vụ cần thiết phục vụ khách du lịch.
Khách sạn nghỉ dưỡng: Cơ sở lưu trú du lịch được xây dựng thành khối hoặc thành quần thể các biệt thự, nhà thấp tầng, căn hộ, ở khu vực có cảnh quan thiên nhiên đẹp;
Khách sạn bên đường: Cơ sở lưu trú du lịch gần đường giao thông, có bãi đỗ xe nhằm phục vụ nhu cầu lưu trú của khách sử dụng phương tiện giao thông đường bộ (xe máy, ô tô) đi du lịch hoặc nghỉ ngơi giữa những chặng đường dài;
Khách sạn nổi: Cơ sở lưu trú du lịch neo đậu trên mặt nước và có thể di chuyển khi cần thiết;
Khách sạn thành phố: Cơ sở lưu trú du lịch được xây dựng tại các đô thị phục vụ khách du lịch.
Biệt thự du lịch
Biệt thự có trang thiết bị, tiện nghi cho khách du lịch thuê và có thể tự phục vụ trong thời gian lưu trú.
Căn hộ du lịch
Căn hộ có trang thiết bị, dịch vụ cần thiết phục vụ khách du lịch. Khách có thể tự phục vụ trong thời gian lưu trú.
Tàu thủy lưu trú du lịch
Phương tiện vận tải thủy có phòng ngủ phục vụ nhu cầu lưu trú của khách du lịch.
Nhà nghỉ du lịch
Cơ sở lưu trú có trang thiết bị, tiện nghi cần thiết phục vụ khách du lịch.
Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê
Nhà ở có khu vực được bố trí trang thiết bị, tiện nghi cho khách du lịch thuê lưu trú;
Khách cùng sinh hoạt với gia đình chủ nhà.
Bãi cắm trại du lịch
Khu vực được quy hoạch ở nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp, có kết cấu hạ tầng, có cơ sở vật chất và dịch vụ cần thiết phục vụ khách cắm trại.
Trong đó, các đối tượng cơ sở lưu trú được xếp hạng theo tiêu chuẩn quốc gia về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch bao gồm khách sạn, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch.
Thẩm quyền công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch
Theo quy định tại khoản 3 điều 50 Luật du lịch 2017, pháp luật hiện hành trao thẩm quyền thẩm định, công nhận cơ sở lưu trú du lịch cho Tổng cục Du lịch (nay là Cục Du lịch theo Quyết định số 1536/QĐ-BVHTTDL năm 2023) và các cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh tùy thuộc vào xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch.
Cục Du lịch
Vụ Khách sạn thuộc Cục Du lịch quốc gia Việt Nam thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ đề nghị công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch đối với cơ sở lưu trú du lịch hạng 04 sao và 05 sao. Theo đó, khi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch nộp hồ sơ cùng các tài liệu đến Cục Du lịch quốc gia Việt Nam tại địa chỉ: Số 80 Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam (SĐT: (84-24) 3 942 3760).
Căn cứ theo Quyết định của Cục Du lịch quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Khách sạn, Vụ Khách sạn có nhiệm vụ:
Tiếp nhận hồ sơ, tổ chức thẩm định hồ sơ đề nghị thông qua việc tiến hành kiểm tra thực tế tại cơ sở lưu trú, xem xét tài liệu đăng ký và các thông tin liên quan;
Sau khi thẩm định, nếu hồ sơ hợp lệ, trình Cục trưởng Cục Du lịch quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch.
Cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh
Cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Du lịch tại địa phương, sẽ có thẩm quyền công nhận cơ sở lưu trú du lịch đối cơ sở lưu trú du lịch hạng 01 sao, hạng 02 sao và hạng 03 sao. Theo đó, khi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch nộp hồ sơ cùng các tài liệu đến Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Du lịch tại địa phương.
Căn cứ theo điểm e khoản 13 Điều 2 Thông tư 08/2021/TT-BVHTTDL có quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Sở Du lịch về thẩm định, công nhận cơ sở lưu trú du lịch hạng 01 sao, hạng 02 sao, hạng 03 sao. Thủ tục xét duyệt hồ sơ được tiến hành như sau:
Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính xem xét tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ không đạt yêu cầu thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân bổ sung theo đúng quy định.
Trường hợp hồ sơ đầy đủ, sau khi quét (scan) và cập nhật, lưu trữ hồ sơ vào phần mềm Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính chuyển hồ sơ cho Phòng Quản lý du lịch tổ chức thẩm định, xét duyệt hồ sơ đề nghị;
Sau khi thẩm định, nếu hồ sơ hợp lệ, Phòng Quản lý du lịch chuyển kèm văn bản đề nghị trình Ban lãnh đạo xem xét, quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch.
Một số câu hỏi liên quan
Phí, lệ phí cho việc công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch là bao nhiêu?
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Thông tư 34/2018/TT-BTC, mức thu phí thẩm định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch (bao gồm thẩm định, công nhận mới và thẩm định, công nhận lại) như sau:
Hạng 1 sao, 2 sao: 1.500.000VNĐ/hồ sơ;
Hạng 3 sao: 2.000.000VNĐ/hồ sơ;
Hạng 4 sao, 5 sao: 3.500.000VNĐ/hồ sơ.
Cơ sở lưu trú du lịch nếu nộp hồ sơ trực tiếp sẽ nộp phí trực tiếp tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền như Cục Du lịch hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại địa phương. Trường hợp cơ sở lưu trú du lịch nộp hồ sơ qua hệ thống trực tuyến sẽ nộp phí trực tuyến trên các trang web chính thức của Sở Du lịch hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Có bắt buộc phải thực hiện thủ tục đăng ký hạng cơ sở lưu trú du lịch không?
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 50 Luật Du lịch 2017, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch được tự nguyện đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bên cạnh đó tại Khoản 2 Điều 50 đã xác định rõ khách sạn, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch được xếp hạng theo tiêu chuẩn quốc gia về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch. Vì vậy không bắt buộc các cơ sở lưu trú du lịch đều phải tiến hành thủ tục đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch. Việc công nhận hạng chỉ mang tính chất khuyến khích, không hạn chế hoạt động kinh doanh của cơ sở lưu trú du lịch nếu không được công nhận.
Hiệu lực của Quyết định công nhận xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch sẽ kéo dài trong thời gian bao lâu?
Căn cứ theo Khoản 6 Điều 50 Luật Du lịch 2017, Quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch có thời hạn 05 năm. Sau khi hết thời hạn, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch có nhu cầu đăng ký xếp hạng lại cơ sở lưu trú du lịch thực hiện thủ tục như lần đăng ký đầu tiên. Tuy nhiên, nếu trong quá trình hoạt động, cơ sở lưu trú du lịch không duy trì chất lượng theo tiêu chuẩn đã được công nhận thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch thu hồi quyết định công nhận hạng đối với cơ sở lưu trú du lịch.
Điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch?
Để kinh doanh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, cá nhân, tổ chức phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật Du lịch 2017, cụ thể:
Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;
Đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch.
Xử phạt hành chính với các hành vi vi phạm liên quan đến thủ tục công nhận xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 và khoản 3 Điều 12 Nghị định 45/2019/NĐ-CP, tổ chức không gắn biển công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch khi được xếp hạng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 5 và khoản 4, khoản 6 Điều 12 Nghị định 45/2019/NĐ-CP, người kê khai không trung thực hồ sơ đăng ký công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Đồng thời quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch cũng sẽ bị buộc thu hồi.
Trên đây là tư vấn của Luật Việt An về thẩm quyền công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch. Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hay có nhu cầu hỗ trợ dịch vụ công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch, vui lòng liên hệ Luật Việt An để hỗ trợ tốt nhất!