Cung ứng lao động hay còn gọi là hoạt động cho thuê lại lao động (theo thuật ngữ pháp lý) là hoạt động một doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh cho thuê lại lao động, ký hợp đồng với người lao động nhưng không trực tiếp sử dụng mà cho doanh nghiệp khác thuê lại. Người lao động vẫn duy trì quan hệ lao động với người sử dụng lao động nhưng làm việc cho doanh nghiệp thuê lại và chịu sự quản lý của doanh nghiệp đó. Sau đây, Luật Việt An sẽ phân tích về thành lập công ty cung ứng lao động theo quy định pháp luật.
Căn cứ pháp lý
Luật Doanh nghiệp 2020;
Bộ luật Lao động 2019;
Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
Nghị định số 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật lao động, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 35/2022/NĐ-CP, Nghị định 10/2024/NĐ-CP.
Cung ứng lao động là gì?
Theo Khoản 1 Điều 52 Bộ luật lao động 2019, cung ứng lao động là một hoạt động cho thuê lại lao động, theo đó người lao động giao kết hợp đồng lao động với một người sử dụng lao động là doanh nghiệp cho thuê lại lao động, sau đó người lao động được chuyển sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác mà vẫn duy trì quan hệ lao động với người sử dụng lao động đã giao kết hợp đồng lao động.
Hoạt động cho thuê lại lao động là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, chỉ được thực hiện bởi các doanh nghiệp có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động và áp dụng đối với một số công việc nhất định.
Điều kiện kinh doanh dịch vụ cung ứng lao động
Ngoài các điều kiện về tên công ty, trụ sở, chủ thể thành lập, người đại diện theo pháp luật theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, công ty cung ứng lao động phải đáp ứng các điều kiện để được cấp giấy phép cho thuế lại lao động để được tiến hành hoạt động này ở Việt Nam, bao gồm:
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải là người không có án tích và đã có thời gian trực tiếp làm chuyên môn hoặc quản lý về cho thuê lại lao động hoặc cung ứng lao động từ đủ 03 năm (36 tháng) trở lên trong thời hạn 05 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép.
Thực hiện nghĩa vụ ký quỹ 2.000.000.000 đồng (hai tỷ đồng) theo quy định tại Khoản 2 Điều 21 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
Lưu ý:
Ngành nghề cho thuê lao động phải được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
Phạm vi hoạt động cho thuê lao động phải tuân theo quy định của pháp luật, tức là chỉ được tiến hành ngành nghề này đối với một số công việc nhất định được quy định cụ thể tại Phụ lục II của Nghị định 145/2020/NĐ-CP như Phiên dịch/Biên dịch/Tốc ký; Thư ký/Trợ lý hành chính; Lễ tân; Hướng dẫn du lịch; Lái xe;…
Như vậy, khi thành lập công ty kinh doanh cung ứng lao động, cần lưu ý thủ tục thành lập công ty theo Luật Doanh nghiệp 2020 để tiến hành cung ứng lao động và thủ tục ký quỹ, xin Giấy phép cho thuê lại lao động.
Thủ tục thành lập công ty cung ứng lao động
Công ty cung ứng lao động có thể được thành lập dưới một trong các hình thức của Luật Doanh nghiệp 2020 như công ty cổ phần, công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên trở lên, doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh. Khi thành lập, công ty cần tiến hành thủ tục đăng ký doanh nghiệp để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Hồ sơ thành lập công ty
Hồ sơ thành lập công ty bao gồm một số giấy tờ theo quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP. Cụ thể:
Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
Điều lệ công ty;
Danh sách thành viên đối với công ty TNHH hoặc danh sách cổ đông sáng lập công ty đối với công ty cổ phần;
Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực:
Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên/cổ đông/chủ sở hữu công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên/cổ đông/chủ sở hữu công ty là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.
Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài;
Trình tự thực hiện
Bước 1: Nộp hồ sơ
Tổ chức, cá nhân thành lập công ty cung ứng lao đọng tiến hành nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được tiếp nhận để nhập thông tin vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ.
Sau khi trao Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ, Phòng Đăng ký kinh doanh nhập đầy đủ, chính xác thông tin trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và tải các văn bản đã được số hóa trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Bước 3: Xử lý hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ hoặc tên doanh nghiệp yêu cầu đăng ký không đúng theo quy định, Phòng Đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.
Công ty cung ứng lao động được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Doanh nghiệp 2020.
Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp
Doanh nghiệp sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được công khai. Thông tin công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp được đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Doanh nghiệp nộp phí và gửi Giấy đề nghị công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp tới Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký.
Về công bố mẫu dấu
Lưu ý, Luật Doanh nghiệp 2020 thay thế cho Luật doanh nghiệp 2014 đã bỏ quy định về thủ tục công bố mẫu dấu doanh nghiệp. Do đó, hiện nay, thành lập công ty không cần phải công bố mẫu dấu trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia. Theo khoản 5 Điều 4 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, doanh nghiệp không bắt buộc phải đóng dấu trong giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, thông báo thay đổi nội dung đăng lý doanh nghiệp, nghị quyết, quyết định, biên bản họp trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
Thực hiện ký quỹ
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty cung ứng lao động cần thực hiện ký quỹ. Đây là một trong những điều kiện để công ty cung ứng lao động được cấp Giấy phép cho thuê lại lao động. Theo Điều 15 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp thực hiện nộp tiền ký quỹ theo mức 2 tỷ đồng tại ngân hàng thương mại của Việt Nam hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Doanh nghiệp cho thuê lại được hưởng lãi suất từ tiền ký quỹ theo thỏa thuận với ngân hàng nhận ký quỹ và phù hợp quy định của pháp luật.
Xin Giấy phép cho thuê lại lao động
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và thực hiện nghĩa vụ ký quỹ, để tiến hành hoạt động cung ứng lao động, công ty cần tiến hành thủ tục xin Giấy phép cho thuê lại lao động.
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép
Văn bản đề nghị cấp giấy phép của doanh nghiệp;
Bản lý lịch tự thuật của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
Phiếu lý lịch tư pháp số 1 theo quy định pháp luật về lý lịch tư pháp của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
Văn bản chứng minh thời gian trực tiếp làm chuyên môn hoặc quản lý về cho thuê lại lao động hoặc cung ứng lao động của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
Giấy chứng nhận tiền ký quỹ hoạt động cho thuê lại lao động.
Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép
Doanh nghiệp gửi một bộ hồ sơ đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để đề nghị cấp giấy phép.
Sau khi kiểm tra đủ giấy tờ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp giấy biên nhận ghi rõ ngày, tháng, năm nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy phép.
Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ bảo đảm theo quy định, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thẩm tra, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép đối với doanh nghiệp.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ trình của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, cấp giấy phép đối với doanh nghiệp; trường hợp không cấp giấy phép thì có văn bản trả lời doanh nghiệp trong đó nêu rõ lý do không cấp giấy phép.
Dịch vụ của Luật Việt An về cung ứng lao động
Tư vấn pháp luật về điều kiện, thủ tục thành lập công ty kinh doanh dịch vụ cung ứng lao động;
Tư vấn hồ sơ Giấy phép cho thuê lại lao động, Giấy phép thành lập doanh nghiệp;
Hỗ trợ soạn thảo, tài liệu, hoàn thiện hồ sơ pháp lý cũng như giải đáp thắc mắc;
Đại diện cho khách hàng nộp hồ sơ, tiến hành các thủ tục pháp lý về thành lập công ty cung ứng lao động;
Tư vấn những vấn đề pháp lý trong quá trình hoạt động cung ứng lao động.
Trên đây tư vấn pháp luật về thành lập công ty cung ứng lao động. Qúy khách hàng có thắc mắc liên quan hay có nhu cầu tư vấn pháp luật về cung ứng lao động, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.