Cung ứng lao động hay còn gọi là cho thuê lại lao động (theo thuật ngữ pháp lý) là một hoạt động kinh doanh, được thực hiện bởi người cho thuê lao động qua việc cung ứng nguồn lao động cho bên thuê lại lao động. Đây là hoạt động có sự tham gia của ba bên: doanh nghiệp cho thuê lại lao động, bên thuê lại lao động và người lao động thuê lại. Để tiến hành hoạt động cho thuê lại lao động, doanh nghiệp cần đáp ứng những điều kiện cần thiết. Sau đây, Luật Việt An sẽ phân tích điều kiện thành lập công ty cung ứng lao động theo quy định pháp luật.
Căn cứ pháp lý
Luật Doanh nghiệp 2020;
Bộ luật Lao động 2019;
Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
Nghị định số 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 35/2022/NĐ-CP, Nghị định 10/2024/NĐ-CP.
Cung ứng lao động là gì?
Theo Khoản 1 Điều 52 Bộ luật Lao động 2019, cho thuê lại lao động (cung ứng lao động) là việc người lao động giao kết hợp đồng lao động với một người sử dụng lao động là doanh nghiệp cho thuê lại lao động, sau đó người lao động được chuyển sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác mà vẫn duy trì quan hệ lao động với người sử dụng lao động đã giao kết hợp đồng lao động.
Điều kiện kinh doanh cho thuê lại lao động
Hoạt động cho thuê lại lao động là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, chỉ được thực hiện bởi các doanh nghiệp có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động và áp dụng đối với một số công việc nhất định.
Theo Điều 12 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân muốn kinh doanh dịch vụ cung ứng lao động phải đáp ứng điều kiện:
Doanh nghiệp cung ứng lao động thành lập công ty theo quy định của Luật Doanh nghiệp và phải đăng ký ngành nghề cung ứng lao động;
Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động.
Như vậy để thành lập công ty cung ứng lao động. doanh nghiệp cần phải đáp ứng các điều kiện theo pháp luật lao động và pháp luật doanh nghiệp.
Điều kiện thành lập công ty cung ứng lao động
Điều kiện về Giấy phép cho thuê lại lao động
Hoạt động cho thuê lại lao động là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, chỉ được thực hiện bởi các doanh nghiệp có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động. Theo đó, trước khi tiến hành cho thuê lại lao động, doanh nghiệp gửi hồ sơ theo quy định tại Điều 24 Nghị định 145/2020/NĐ-CP đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để đề nghị cấp giấy phép.
Thời hạn giấy phép tối đa là 60 tháng.
Giấy phép được gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn tối đa là 60 tháng.
Theo đó các điều kiện bên dưới đây đều nhằm đáp ứng các điều kiện luật định để cấp Giấy phép cho thuê lại lao động.
Điều kiện về chủ thể
Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập công ty cung ứng lao động, trừ một số trường hợp không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp theo Khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020.
Ngoài ra, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thực hiện hoạt động cho thuê lại lao động phải bảo đảm điều kiện theo Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP:
Là người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp;
Không có án tích;
Kinh nghiệm: có thời gian trực tiếp làm chuyên môn hoặc quản lý về cho thuê lại lao động hoặc cung ứng lao động từ đủ 03 năm (36 tháng) trở lên trong thời hạn 05 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép.
Điều kiện về ký quỹ
Để được cấp Giấy phép cho thuê lại lao động cũng như để được tiến hành hoạt động cho thuê lại lao động, doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ ký quỹ. Đây là một trong những biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động.
Mức ký quỹ: 2.000.000.000 VND (hai tỷ đồng).
Căn cứ pháp lý: Khoản 2 Điều 21 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
Doanh nghiệp thực hiện ký quỹ tại ngân hàng thương mại của Việt Nam hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
Tiền ký quỹ được sử dụng vào mục đích thanh toán tiền lương, chế độ bảo hiểm và các chế độ khác đối với người lao động thuê lại trong trường hợp doanh nghiệp cho thuê lại vi phạm hợp đồng lao động với người lao động thuê lại hoặc gây thiệt hại cho người lao động thuê lại do không bảo đảm về quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thuê lại.
Điều kiện về tên công ty
Công ty cung ứng lao động có thể được thành lập dưới hình thức công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân. Theo Điều 37 của Luật Doanh nghiệp 2020, tên công ty cung ứng lao động phải bao gồm hai thành tố loại hình công ty và tên riêng.
Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.
Tên công ty phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Tên công ty phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.
Không được đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần lưu ý nên đặt tên công ty liên quan đến dịch vụ, ngành nghề kinh doanh để dễ nhận diện và tìm kiếm. Ví dụ như Công ty TNHH cung ứng lao động VIỆT AN.
Điều kiện về trụ sở công ty
Trụ sở chính của doanh nghiệp đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).
Không được đăng ký địa chỉ trụ sở công ty tại chung cư, nhà tập thể hoặc những nơi chỉ có chức năng để ở theo quy định của Luật Nhà ở 2014. Doanh nghiệp cung ứng lao động nên lựa chọn địa chỉ nhà riêng (có sổ đỏ), địa chỉ của tòa nhà văn phòng và những nơi có chức năng kinh doanh thương mại.
Điều kiện về vốn pháp định
Nếu như theo quy định cũ tại Nghị định 55/2013/NĐ-CP, vốn pháp định đối với hoạt động cung ứng lao động là 2 tỷ đồng thì hiện nay, Luật doanh nghiệp năm 2020 cũng như Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn không quy định mức vốn điều lệ cụ thể đối với doanh nghiệp cung ứng lao động.
Tuy nhiên, công ty cung cứng lao động cần tùy vào khả năng tài chính, phạm vi, quy mô và chi phí của hoạt động để đăng ký mức vốn điều lệ phù hợp.
Điều kiện về ngành nghề kinh doanh
Quyết định 27/2018/QĐ-TTg, ngành nghề kinh doanh cung ứng lao động thuộc mã ngành 7820, 7830. Tuy nhiên đây là hai mã ngành nghề kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp chỉ được tiến hành ngành nghề này đối với một số công việc nhất định.
Danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động được quy định cụ thể tại Phụ lục II của Nghị định 145/2020/NĐ-CP, trong đó bao gồm một số công việc như Phiên dịch/Biên dịch/Tốc ký; Thư ký/Trợ lý hành chính; Lễ tân; Hướng dẫn du lịch; Lái xe;… Như vậy, nếu không thuộc những công việc này thì doanh nghiệp không được tiến hành cho thuê lại lao động.
Một số lưu ý
Để được thành lập công ty cung ứng lao động, cần tiến hành thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 2020 tùy từng loại hình doanh nghiệp.
Thời hạn cho thuê lại lao động đối với người lao động tối đa là 12 tháng.
Định kỳ 06 tháng và hằng năm, công ty cung ứng lao động phải báo cáo tình hình hoạt động cho thuê lại lao động gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Dịch vụ của Luật Việt An về cung ứng lao động
Tư vấn pháp luật về điều kiện, thủ tục thành lập công ty cung ứng lao động;
Tư vấn hồ sơ Giấy phép cho thuê lại lao động, Giấy phép thành lập doanh nghiệp;
Hỗ trợ soạn thảo, tài liệu, hoàn thiện hồ sơ pháp lý cũng như giải đáp thắc mắc;
Đại diện cho khách hàng nộp hồ sơ, tiến hành các thủ tục pháp lý về thành lập công ty cung ứng lao động;
Tư vấn những vấn đề pháp lý trong quá trình hoạt động cung ứng lao động.
Trên đây tư vấn pháp luật về điều kiện thành lập công ty cung ứng lao động. Qúy khách hàng có thắc mắc liên quan hay có nhu cầu tư vấn pháp luật về cung ứng lao động, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.