Hiện nay, các vấn đề liên quan đến sức khỏe cũng như tính mạng càng được người dân quan tâm. Một trong những phương án được lựa chọn hàng đầu đó là tham gia bảo hiểm. Do đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo hiểm ngày càng nhiều. Trong bài viết này, Luật Việt An xin hướng dẫn quý khách hàng các điều kiện cũng như quy trình thành lập một doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm theo pháp luật hiện hành.
Cơ sở pháp lý
Biểu mẫu Cam kết về việc gia nhập WTO của Việt Nam;
Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022;
Nghị định 46/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm;
Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm là gì?
Hoạt động kinh doanh bảo hiểm bao gồm kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm và các hoạt động có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm bao gồm đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm gồm doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp tái bảo hiểm.
Theo Điều 62 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm được tổ chức hoạt động dưới các hình thức:
Công ty cổ phần.
Công ty trách nhiệm hữu hạn.
Hiện nay ở Việt Nam có thể kể đến một số doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phổ biến như:
Điều kiện về tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài
Theo cam kết gia nhập WTO của Việt Nam và quy định tại Điều 68 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, không có quy định hạn chế tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài về kinh doanh bảo hiểm. Hiện này, nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu cổ phần, phần vốn góp đến 100% vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm tại Việt Nam.
Điều kiện về cổ đông, thành viên góp vốn thành lập
Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định tại Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020;
Tổ chức có tư cách pháp nhân, đang hoạt động hợp pháp; trường hợp tham gia góp từ 10% vốn điều lệ trở lên thì phải kinh doanh có lãi trong 03 năm tài chính liên tục gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép và đáp ứng các điều kiện về tài chính theo quy định tại Điều 11 Nghị định 46/2023/NĐ-CP;
Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm đã được cấp giấy phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm mới phải kinh doanh có lãi trong 03 năm tài chính liên tục gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép và đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định.
Tổ chức nước ngoài góp vốn thành lập công ty kinh doanh bảo hiểm ở Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 65, 66 Luật Kinh doanh bảo hiểm về lĩnh vực kinh doanh, tổng tài sản, năm hoạt động của tổ chức tại nước ngoài và các cam kết khác để được cấp phép tại Việt Nam.
Điều kiện về vốn
Vốn điều lệ được góp bằng Đồng Việt Nam và không thấp hơn mức tối thiểu theo quy định tại Điều 35 Nghị định 46/2023/NĐ-CP;
Cổ đông, thành viên góp vốn thành lập không được sử dụng vốn vay, nguồn vốn ủy thác đầu tư của tổ chức, cá nhân khác để tham gia góp vốn.
Điều kiện về nhân sự
Có Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật, Chuyên gia tính toán dự kiến đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn về năng lực quản lý, kinh nghiệm và chuyên môn nghiệp vụ quy định tại Điều 81 của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022.
Thủ tục xin Giấy phép thành lập và hoạt động
Để được hoạt động hợp pháp, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phải có Giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm. Thủ tục cấp Giấy phép thành lập và hoạt động được quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 và hướng dẫn tại Nghị định 46/2023/NĐ-CP, cụ thể:
Thành phần hồ sơ
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh bảo hiểm bao gồm:
Văn bản đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động;
Dự thảo điều lệ đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm; dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động đối với chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam;
Phương án hoạt động 05 năm đầu;
Sơ yếu lý lịch, Phiếu lý lịch tư pháp, bản sao các văn bằng, chứng chỉ chứng minh năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người dự kiến được bổ nhiệm là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật, Chuyên gia tính toán;
Mức vốn góp và phương thức góp vốn;
Danh sách các chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm.
Danh sách thành viên góp vốn và các giấy tờ kèm theo như Bản sao quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc tài liệu tương đương khác; Bản sao Điều lệ công ty; Văn bản của cấp có thẩm quyền của tổ chức góp vốn quyết định việc tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm;…
Biên bản họp của các thành viên góp vốn (đối với hồ sơ đề nghị thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên) về việc nhất trí góp vốn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn tái bảo hiểm, kèm theo danh sách các thành viên góp vốn.
Đối với công ty cổ phần bảo hiểm, công ty cổ phần tái bảo hiểm thì còn phải bao gồm những giấy tờ sau theo quy định cụ thể tại Điều 13 Nghị định 46/2023/NĐ-CP:
Hồ sơ của cổ đông góp vốn thành lập là cá nhân, hồ sơ của cổ đông từ 10% vốn điều lệ trở lên là tổ chức, hồ sơ của cổ đông góp vốn dưới 10% là tổ chức.
Biên bản họp của các cổ đông về việc nhất trí góp vốn thành lập công ty cổ phần bảo hiểm, công ty cổ phần tái bảo hiểm kèm theo danh sách các cổ đông và cổ đông sáng lập.
Thẩm quyền cấp Giấy phép
Theo Điều 74 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, Bộ Tài chính là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm.
Thủ tục thực hiện
Bước 1: Nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.
Tổ chức đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ Tài chính hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến nếu đủ điều kiện áp dụng. Tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình lập hồ sơ, tài liệu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực và đầy đủ của hồ sơ, tài liệu.
Lưu ý tiêu chuẩn về nộp hồ sơ, tài liệu:
Hồ sơ, tài liệu đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động nộp Bộ Tài chính phải được lập thành 02 bộ trong đó có 01 bộ là bản chính, 01 bộ là bản sao.
Đối với hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức, cá nhân nước ngoài, mỗi bộ gồm 01 bản bằng tiếng Việt và 01 bản bằng tiếng Anh, trừ các văn bản tiếng Việt là bản gốc (hoặc sao từ bản gốc tiếng Việt) được lập tại Việt Nam;
Tài liệu được lập bằng tiếng nước ngoài phải được gửi kèm bản dịch chứng thực sang tiếng Việt bởi cơ quan có thẩm quyền. Bản dịch các báo cáo tài chính phải được xác nhận của tổ chức, cá nhân được phép hành nghề dịch thuật theo quy định của pháp luật;
Sơ yếu lý lịch phải được lập trước ngày nộp hồ sơ đề nghị không quá 06 tháng;
Trong mỗi bộ hồ sơ phải có danh mục tài liệu.
Bước 2: Bộ Tài chính tiếp nhận và giải quyết hồ sơ.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, nếu hồ sơ chưa đầy đủ và hợp lệ, Bộ Tài chính thông báo bằng văn bản yêu cầu bổ sung, sửa đổi hồ sơ.
Thời hạn bổ sung, sửa đổi hồ sơ của chủ đầu tư tối đa là 06 tháng kể từ ngày ra thông báo. Trường hợp chủ đầu tư không bổ sung, sửa đổi hồ sơ theo đúng thời hạn quy định, Bộ Tài chính từ chối xem xét cấp Giấy phép.
Tổng thời gian để tổ chức, cá nhân bổ sung, sửa đổi hồ sơ tối đa là 12 tháng kể từ ngày Bộ Tài chính thông báo lần đầu. Quá thời hạn trên, tổ chức, cá nhân không hoàn thiện hồ sơ, tài liệu, Bộ Tài chính có quyền từ chối xem xét cấp Giấy phép.
Bước 3: Bộ Tài chính cấp Giấy phép.
Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính cấp Giấy phép thành lập và hoạt động cho doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam.
Trường hợp từ chối cấp Giấy phép, Bộ Tài chính có văn bản giải thích rõ lý do. Bộ Tài chính chỉ được từ chối cấp Giấy phép khi tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn hoặc doanh nghiệp bảo hiểm dự kiến thành lập không đáp ứng đủ điều kiện, hồ sơ cấp Giấy phép hoặc tổ chức, cá nhân gian lận, giả mạo các giấy tờ, tài liệu.
Bước 4: Công bố nội dung Giấy phép.
Bộ Tài chính có trách nhiệm công bố các nội dung của giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cấp giấy phép.
Ít nhất 30 ngày trước ngày chính thức hoạt động, doanh nghiệp bảo hiểm đã được cấp giấy phép thành lập và hoạt động phải công bố các nội dung của giấy phép và ngày dự kiến chính thức hoạt động trên 01 tờ báo in trong 03 số liên tiếp hoặc trên báo điện tử của Việt Nam.
Dịch vụ thành lập doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm của Luật Việt An
Tư vấn pháp luật về điều kiện, hồ sơ, thủ tục, Giấy phép thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần kinh doanh bảo hiểm;
Soạn thảo văn bản, tài liệu, tư vấn bộ hồ sơ liên quan đến Giấy phép thành lập cho khách hàng theo yêu cầu;
Đại diện cho khách hàng, tiến hành các thủ tục tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và trả lời phúc đáp;
Tư vấn pháp lý thường xuyên cho doanh nghiệp bảo hiểm sau khi được thành lập.
Qúy khách hàng có thắc mắc liên quan hoặc có nhu cầu hỗ trợ pháp lý vềthành lập doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.