Thủ tục xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh bảo hiểm
Hiện nay, bên cạnh các loại bảo hiểm bắt buộc của nhà nước thì người dân còn có xu hướng sử dụng các loại bảo hiểm dịch vụ khác như bảo hiểm tài sản, bảo hiểm nhân thọ… Để đáp ứng nhu cầu trên, các công ty kinh doanh bảo hiểm được thành lập nhiều hơn. Tuy nhiên, công ty bảo hiểm muốn được thành lập và hoạt động thì phải có Giấy phép thành lập và hoạt động. Sau đây, Luật Việt An sẽ tư vấn các vấn đề liên quan đến thủ tục xin cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh bảo hiểm theo pháp luật hiện hành.
Căn cứ pháp lý
Biểu mẫu Cam kết về việc gia nhập WTO của Việt Nam;
Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022;
Luật Doanh nghiệp 2020;
Nghị định 46/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm;
Hoạt động kinh doanh bảo hiểm là gì?
Theo Khoản 1 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, hoạt động kinh doanh bảo hiểm bao gồm kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm và các hoạt động có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm bao gồm đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.
Theo đó, các hình thức tổ chức hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm bao gồm:
Công ty cổ phần;
Công ty trách nhiệm hữu hạn.
Thẩm quyền cấp Giấy phép
Theo Điều 74 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, Bộ Tài chính là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam.
Thủ tục xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh bảo hiểm
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động cần chuẩn bị hồ sơ theo quy định tại Điều 69 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, bao gồm:
Văn bản đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động;
Dự thảo điều lệ đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm; dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động đối với chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam;
Phương án hoạt động 05 năm đầu;
Sơ yếu lý lịch, Phiếu lý lịch tư pháp, bản sao các văn bằng, chứng chỉ chứng minh năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người dự kiến được bổ nhiệm là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật, Chuyên gia tính toán;
Mức vốn góp và phương thức góp vốn, danh sách những tổ chức, cá nhân sáng lập hoặc thành viên, cổ đông dự kiến góp từ 10% số vốn điều lệ trở lên và các tài liệu chứng minh việc đáp ứng điều kiện tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam;
Danh sách các chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm.
Lưu ý:
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của công ty cổ phần bảo hiểm, công ty cổ phần tái bảo hiểm phải bao gồm nội dung theo quy định tại Điều 13 Nghị định 46/2023/NĐ-CP;
Tổ chức đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ Tài chính hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến nếu đủ điều kiện áp dụng.
Hồ sơ, tài liệu đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động nộp Bộ Tài chính phải được lập thành 02 bộ trong đó có 01 bộ là bản chính, 01 bộ là bản sao.
Bước 3: Bộ Tài chính tiếp nhận và giải quyết hồ sơ
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, nếu hồ sơ chưa đầy đủ và hợp lệ, Bộ Tài chính (Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm) xem xét thẩm định và thông báo bằng văn bản yêu cầu bổ sung, sửa đổi hồ sơ (nếu có).
Thời hạn bổ sung, sửa đổi hồ sơ của chủ đầu tư tối đa là 06 tháng kể từ ngày ra thông báo.
Trường hợp chủ đầu tư không bổ sung, sửa đổi hồ sơ theo đúng thời hạn quy định, Bộ Tài chính từ chối xem xét cấp Giấy phép.
Tổng thời gian để tổ chức, cá nhân bổ sung, sửa đổi hồ sơ tối đa là 12 tháng kể từ ngày Bộ Tài chính thông báo lần đầu. Quá thời hạn trên, tổ chức, cá nhân không hoàn thiện hồ sơ, tài liệu, Bộ Tài chính có quyền từ chối xem xét cấp Giấy phép.
Bước 4: Cấp Giấy phép thành lập và hoạt động
Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính cấp Giấy phép thành lập và hoạt động cho doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm.
Trường hợp từ chối cấp Giấy phép, Bộ Tài chính có văn bản giải thích rõ lý do. Bộ Tài chính chỉ được từ chối cấp Giấy phép khi tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn hoặc doanh nghiệp bảo hiểm dự kiến thành lập không đáp ứng đủ điều kiện, hồ sơ cấp Giấy phép hoặc tổ chức, cá nhân gian lận, giả mạo các giấy tờ, tài liệu.
Sau khi cấp giấy phép thành lập và hoạt động, Bộ Tài chính có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm để cập nhật vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Bước 5: Công bố nội dung Giấy phép
Bộ Tài chính có trách nhiệm công bố các nội dung của giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cấp giấy phép.
Ít nhất 30 ngày trước ngày chính thức hoạt động, doanh nghiệp bảo hiểm đã được cấp giấy phép thành lập và hoạt động phải công bố các nội dung của giấy phép và ngày dự kiến chính thức hoạt động trên 01 tờ báo in trong 03 số liên tiếp hoặc trên báo điện tử của Việt Nam.
Điều kiện cấp Giấy phép
Để được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh bảo hiểm, cần đáp ứng những điều kiện chung theo quy định tại Điều 64 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 và các điều kiện riêng liên quan. Trong phạm vi bài viết, để khái quát về các điều kiện kinh doanh bảo hiểm mà doanh nghiệp cần đáp ứng khi thành lập, Luật Việt An sẽ trình bày những điều kiện chung để cấp giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm. Cụ thể:
Điều kiện về tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài
Theo cam kết gia nhập WTO của Việt Nam và quy định tại Điều 68 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, không có quy định hạn chế tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài về kinh doanh bảo hiểm. Nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu cổ phần, phần vốn góp đến 100% vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm.
Điều kiện hình thức tổ chức
Có hình thức tổ chức hoạt động dưới dạng công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn và có dự thảo điều lệ phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp.
Điều kiện về cổ đông, thành viên góp vốn thành lập
Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định tại Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020;
Tổ chức có tư cách pháp nhân, đang hoạt động hợp pháp; trường hợp tham gia góp từ 10% vốn điều lệ trở lên thì phải kinh doanh có lãi trong 03 năm tài chính liên tục gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép và đáp ứng các điều kiện về tài chính theo quy định tại Điều 11 Nghị định 46/2023/NĐ-CP;
Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm đã được cấp giấy phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm mới phải kinh doanh có lãi trong 03 năm tài chính liên tục gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép và đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định.
Điều kiện về vốn
Vốn điều lệ được góp bằng Đồng Việt Nam và không thấp hơn mức tối thiểu theo quy định tại Điều 35 Nghị định 46/2023/NĐ-CP;
Cổ đông, thành viên góp vốn thành lập không được sử dụng vốn vay, nguồn vốn ủy thác đầu tư của tổ chức, cá nhân khác để tham gia góp vốn.
Điều kiện về nhân sự
Có Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật, Chuyên gia tính toán dự kiến đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn về năng lực quản lý, kinh nghiệm và chuyên môn nghiệp vụ quy định tại Điều 81 của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022.
Lưu ý về thủ tục xin giấy phép kinh doanh bảo hiểm dành cho doanh nghiệp
Nơi tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép?
Bộ Tài chính có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam.
Giấy phép thành lập và hoạt động có phải là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không?
Theo Khoản 1 Điều 71 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, Giấy phép thành lập và hoạt động đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Lưu ý về hồ sơ, tài liệu cấp Giấy phép?
Các tài liệu có chữ ký, chức danh và con dấu nước ngoài của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại hồ sơ đề nghị phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật trong thời hạn 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ đề nghị, trừ các tài liệu sau đây: Văn bản đề nghị cấp Giấy phép; bản sao thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu; văn bản của cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp; văn bản ủy quyền; văn bản cam kết;
Trường hợp hồ sơ có tài liệu là bản sao thì phải là bản sao từ sổ gốc hoặc được chứng thực;
Đối với hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức, cá nhân nước ngoài, mỗi bộ gồm 01 bản bằng tiếng Việt và 01 bản bằng tiếng Anh, trừ các văn bản tiếng Việt là bản gốc (hoặc sao từ bản gốc tiếng Việt) được lập tại Việt Nam;
Sơ yếu lý lịch phải được lập trước ngày nộp hồ sơ đề nghị không quá 06 tháng;
Trong mỗi bộ hồ sơ phải có danh mục tài liệu.
Lệ phí cấp Giấy phép?
Theo quy định tại Thông tư 110/2002/TT-BTC, lệ phí cấp Giấy phép bao gồm:
140 triệu đồng đối với công ty bảo hiểm nhân thọ,
70 triệu đồng đối với công ty bảo hiểm phi nhân thọ.
Dịch vụ cấp giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Luật Việt An
Tư vấn pháp luật về điều kiện, hồ sơ, thủ tục, Giấy phép thành lập vả hoạt động kinh doanh bảo hiểm;
Soạn thảo văn bản, hồ sơ, Giấy tờ cho khách hàng theo yêu cầu;
Đại diện cho khách hàng, tiến hành các thủ tục tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và trả lời phúc đáp;
Tư vấn pháp lý thường xuyên cho chi nhánh sau khi được thành lập.
Qúy khách hàng có thắc mắc liên quan hoặc có nhu cầu hỗ trợ pháp lý vềthủ tục xin Giấy phép thành lập vàhoạt động kinh doanh bảo hiểm, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.