Thị trường ngày càng phát triển, vì vậy các hộ kinh doanh cũng phát sinh nhu cầu thay đổi ngành nghề kinh doanh để phù hợp với xu hướng. Pháp luật quy định về thủ tục thay đổi ngành nghề kinh doanh hộ kinh doanh thế nào? Để giúp doanh nghiệp nắm bắt rõ hơn quy định pháp luật về vấn đề này, Luật Việt An sẽ giải đáp những thắc mắc liên quan đến thay đổi ngành nghề đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh tại bài viết này.
Căn cứ pháp lý
Luật Đầu tư 2020;
Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về đăng kí doanh nghiệp;
Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư;
Thông tư85/2019/TT-BTChướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 106/2021/TT-BTC .
Điều kiện thay đổi ngành nghề đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh
Hiện nay, pháp luật về doanh nghiệp cho phép hộ kinh doanh thay đổi ngành nghề. Do đó, hộ cá thể có thể đăng ký thay đổi ngành nghề kinh doanh. Tuy nhiên, hộ kinh doanh chỉ được thay đổi ngành nghề kinh doanh nếu đáp ứng các điều kiện sau:
Không phải ngành nghề kinh doanh bị cấm;
Ngoài chứng chỉ hành nghề, hộ kinh doanh phải đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của pháp luật đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Thủ tục thay đổi ngành nghề đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh
Ngành, nghề kinh doanh là một trong những nội dung được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Vì vậy, theo quy định tại Khoản 1 Điều 90 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, chủ hộ kinh doanh phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh với Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi ngành nghề kinh doanh.
Để thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, hộ kinh doanh có thể chọn thực hiện đăng ký trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc thực hiện trực tuyến.
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ
Hộ kinh doanh gửi hồ sơ thông báo thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký.
Bước 2: Cơ quan đăng ký kinh doanh tiếp nhận và xử lý hồ sơ
Trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện sẽ kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ.
Hồ sơ hợp lệ: Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh mới cho hộ kinh doanh.
Hồ sơ không hợp lệ: Cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho hộ kinh doanh. Sau khi nhận thông báo sửa đổi, bổ sung hồ sơ, hộ kinh doanh thực hiện nộp lại hồ sơ.
Sau 03 ngày làm việc mà hộ kinh doanh không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì người đăng ký có quyền khiếu nại.
Bước 3: Hộ kinh doanh nộp lại Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cũ
Hộ kinh doanh phải nộp lại Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cũ cho Cơ quan đăng ký kinh doanh khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh mới.
Ngoài thủ tục thực hiện trực tiếp tại Bộ phận một cửa của Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở thì hộ kinh doanh cũng có thể đăng ký thành lập trực tuyến qua hệ thống Cổng dịch vụ công trực tuyến của Cơ quan đăng ký kinh doanh như sau:
Bước 1: Truy cập vào Cổng dịch vụ công trực tuyến và đăng nhập tài khoản;
Bước 2: Chọn đăng ký thay đổi và nhập nội dung thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;
Bước 3: Scan các hồ sơ, tài liệu liên quan;
Bước 4: Ký xác thực và nộp hồ sơ;
Bước 5: Cơ quan đăng ký kinh doanh tiếp nhận và xử lý hồ sơ.
Trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện sẽ kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ.
Trường hợp hồ sơ hợp lệ: Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh mới cho hộ kinh doanh.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ: Cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho hộ kinh doanh. Sau khi nhận thông báo sửa đổi, bổ sung hồ sơ, hộ kinh doanh thực hiện nộp lại hồ sơ.
Lưu ý:
Sau khi nộp hồ sơ trực tuyến thành công, người đăng ký chuẩn bị một bộ hồ sơ bản cứng để nộp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh;
Kết quả đăng ký trực tuyến sẽ được gửi vào tin nhắn số điện thoại đã nhập trong quá trình điền thông tin.
Hồ sơ thay đổi ngành nghề đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh
Hồ sơ đăng ký thay đổi ngành nghề gồm những thành phần sau:
Thông báo thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh có chữ ký xác nhận của chủ hộ kinh doanh;
Bản sao biên bản họp thành viên hộ kinh doanh về việc đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
Văn bản uỷ quyền, giấy tờ pháp lý cá nhân của người nhận uỷ quyền thực hiện thủ tục thay đổi đăng ký hộ kinh doanh.
Lệ phí thay đổi đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định theo quy định tại Thông tư 85/2019/TT-BTC. Thông thường, lệ phí giải quyết thay đổi đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh là 100.000 đồng/lần.
Thời gian giải quyết thay đổi ngành nghề kinh doanh hộ kinh doanh
Thời gian giải quyết thay đổi ngành nghề kinh doanh của hộ kinh doanh là trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (bao gồm hình thức nộp hồ sơ trực tiếp và nộp hồ sơ trực tuyến).
Hộ kinh doanh có thể đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh
Theo quy định, một kinh doanh có thể đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề kinh doanh. Tuy nhiên, cần lưu ý những ngành nghề được đăng ký không phải là ngành, nghề kinh doanh bị cấm theo quy định của pháp luật.
Nếu hộ kinh doanh kinh doanh những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Luật Đầu tư 2020 thì hộ kinh doanh phải đáp ứng các điều kiện nhất định theo quy định của Luật Đầu tư.
Hộ kinh doanh thay đổi ngành nghề kinh doanh không thực hiện đăng ký với Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ bị xử phạt theo quy định
Theo quy định tại Điều 63 Nghị định 122/2021/NĐ-CP, nếu hộ kinh doanh thay đổi ngành nghề kinh doanh nhưng không gửi thông báo đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở chính thì sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Đồng thời, hộ kinh doanh cũng sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện đối với hành vi vi phạm.
Vì vậy, khi có sự thay đổi về ngành nghề kinh doanh, hộ kinh doanh cần thực hiện việc đăng ký thay đổi với Cơ quan đăng ký kinh doanh để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh mới đồng thời tránh rủi ro có thể bị xử phạt hành chính do không tuân thủ quy định pháp luật.
Dịch vụ thay đổi ngành nghề kinh doanh hộ kinh doanh của Luật Việt An
Tư vấn các quy định liên quan đến thay đổi ngành nghề kinh doanh của hộ kinh doanh;
Hỗ trợ tư vấn các vấn đề phát sinh trong quá trình đăng ký thay đổi ngành nghề kinh doanh hộ kinh doanh;
Hỗ trợ soạn thảo hồ sơ đăng ký thay đổi ngành nghề kinh doanh của hộ kinh doanh;
Đại diện hộ kinh doanh thực hiện thủ thay đổi ngành nghề kinh doanh hộ kinh doanh tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
Hỗ trợ tư vấn các quy định liên quan đến hoạt động của hộ kinh doanh.
Quý khách hàng có thắc mắc liên quan đến thay đổi ngành nghề kinh doanh hộ kinh doanh, xin vui lòng liên hệ Công ty luật Việt An để được đội ngũ luật sư của chúng tôi hỗ trợ tốt nhất!