Chỉ dẫn địa lý là tài sản quốc gia và luôn gắn với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, sản xuất, đặc trưng về chất lượng và danh tiếng của sản phẩm. Đăng ký chỉ dẫn địa lý là phương thức để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý, đồng thời khai thác những giá trị mà tài sản trí tuệ này mang lại. Vậy khi đăng ký chỉ dẫn địa lý, nếu bên thứ ba có ý kiến phản đối đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý thì cần lưu ý vấn đề gì? Sau đây, Luật Việt An phân tích các quy định pháp luật liên quan đến thời hạn phản đối đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý.
Căn cứ pháp lý
Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009, 2019, 2022;
Nghị định 65/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ;
Thông tư 23/2023/TT-BKHCN hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định 65/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp.
Khái niệm chỉ dẫn địa lý
Theo Khoản 22 Điều 4 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung 2009, 2019, 2022 thì chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ nguồn gốc địa lý của sản phẩm từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia cụ thể.
Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 đã chỉnh sửa về kỹ thuật khái niệm chỉ dẫn địa lý. So với định nghĩa cũ “chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể”, định nghĩa mới đã bảo đảm sự hợp lý hơn về cách diễn đạt mà không thay đổi nội hàm của quy định.
Điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia tương ứng với chỉ dẫn địa lý;
Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.
Đăng ký chỉ dẫn địa lý
Đăng ký chỉ dẫn địa lý là thủ tục hành chính được tiến hành tại Cục Sở hữu trí tuệ, nói cách khác đây chính là việc chủ sở hữu tiến hành nộp đơn đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ để được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam thuộc về Nhà nước. Nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tổ chức tập thể đại diện cho các tổ chức, cá nhân đó hoặc cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý.
Đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý phải đáp ứng các yêu cầu chung quy định tại Điều 100, 101, 106 của Luật Sở hữu trí tuệ, Phụ lục I của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP và hướng dẫn tại Điều 28 của Thông tư 23/2023/TT-BKHCN.
Thời hạn phản đối đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý
Tại Điều 112 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009, 2019, 2022 quy định, trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, trong thời hạn ba (03) tháng kể từ ngày đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý được công bố, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền phản đối việc cấp văn bằng bảo hộ.
Thời hạn phản đối đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý ít hơn đáng kể so với thời hạn phản đối đơn đăng ký của các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp khác do tính chất đặc thù của đối tượng này, cụ thể:
Ba tháng kể từ ngày đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý được công bố
Quyền phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp nói chung và phản đối đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý nói riêng là một điểm mới trong Luật Sở hữu trí tuệ đã được sửa đổi vào năm 2022. Theo đó, bất kỳ bên thứ ba nào cũng có quyền này với điều kiện đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý đó đã được đăng trên công báo sở hữu công nghiệp và việc phản đổi phải trong khoảng thời gian luật định kể từ ngày đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được công bố.
Hình thức phản đối đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý
Khi nhận thấy đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý đã được nộp vào Cục Sở hữu trí tuệ có dấu hiệu xâm phạm, bất kỳ bên thứ ba nào cũng có quyền gửi ý kiến phản đối của mình tới Cục Sở hữu trí tuệ về việc cấp hoặc không cấp đối với đơn đăng ký đó.
Ý kiến phản đối phải được lập thành văn bản kèm theo tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh và phải nộp phí, lệ phí.
Ngôn ngữ của hồ sơ phản đối làm bằng tiếng Việt. Tài liệu kèm theo ý kiến phản đối có thể được làm bằng ngôn ngữ khác nhưng phải được dịch ra tiếng Việt khi Cục Sở hữu trí tuệ yêu cầu.
Hồ sơ cần cung cấp để phản đối đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý
Văn bản thể hiện ý kiến phản đối;
Tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh ý kiến phản đối;
Giấy ủy quyền (nếu nộp đơn thông qua đại diện);
Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).
Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
Trình tự, thủ tục phản đối đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý
Theo quy định tại Điều 11 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN, quy trình xử lý ý kiến phản đối đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý được thực hiện tại Cục Sở hữu trí tuệ theo trình tự như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ phản đối
Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ phản đối đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý đến Cục Sở hữu trí tuệ bằng hình thức:
Trực tuyến qua Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Khoa học và Công nghệ;
Trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Bước 2: Thẩm định đơn phản đối
Cục Sở hữu trí tuệ kiểm tra tính hợp lệ về yêu cầu của hình thức đơn và thời hạn của ý kiến phản đối. Trường hợp đơn phản đối được nộp quá thời hạn phản đối theo quy định, Cục Sở hữu trí tuệ từ chối chấp nhận đơn ngay tại thời điểm tiếp nhận đơn.
Sau khi đáp ứng yêu cầu, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận và thông báo về ý kiến đó cho người nộp đơn, trong đó ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo để người nộp đơn trả lời bằng văn bản, trừ trường hợp ý kiến của người phản đối liên quan đến quyền đăng ký, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo để người phản đối nộp đơn khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền theo quy định pháp luật.
Trong trường hợp ý kiến của người phản đối liên quan đến quyền đăng ký, Cục Sở hữu trí tuệ thông báo để người phản đối nộp đơn khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, trừ trường hợp có cơ sở rõ ràng để xác định mà không cần khởi kiện. Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo này mà người phản đối không gửi cho Cục Sở hữu trí tuệ bản sao thông báo thụ lý vụ án của Tòa án thì Cục Sở hữu trí tuệ coi như người phản đối rút bỏ ý kiến phản đối và tiếp tục xử lý đơn như không có ý kiến phản đối.
Bước 3: Thông báo ý kiến cho người phản đối
Sau khi nhận được ý kiến phản hồi của người nộp đơn trong thời hạn quy định, nếu xét thấy cần thiết, Cục Sở hữu trí tuệ thông báo về ý kiến phản hồi cho người phản đối và ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo để người phản đối trả lời bằng văn bản về ý kiến phản hồi đó.
Bước 4: Đối thoại trực tiếp
Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người phản đối và người nộp đơn để làm rõ hơn vấn đề có ý kiến phản đối nếu xét thấy cần thiết hoặc có yêu cầu của cả hai bên.
Bước 5: Xử lý ý kiến phản đối
Trên cơ sở thông tin, chứng cứ, lập luận do các bên cung cấp (nếu có) hoặc/và kết quả đối thoại giữa các bên, Cục Sở hữu trí tuệ xử lý ý kiến phản đối và thông báo kết quả xử lý ý kiến phản đối cùng với kết quả thẩm định nội dung đơn tương ứng cho người phản đối và ấn định thời hạn 02 tháng để người phản đối phản hồi lại.
Lưu ý:
Thời hạn dành cho người nộp đơn trả lời ý kiến phản đối của người phản đối và thời hạn dành cho người phản đối phản hồi ý kiến của người nộp không tính vào thời hạn dành cho Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện các thủ tục liên quan theo quy định.
Thời hạn giải quyết yêu cầu phản đối tùy thuộc vào thời hạn ra kết quả thẩm định nội dung đơn tương ứng.
Dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp của Đại diện Sở hữu trí tuệ Luật Việt An
Đại diện chủ đơn tiến hành đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Theo dõi tiến trình đăng ký, phản hồi và phúc đáp khi cần thiết.
Đại diện khách hàng phản đối đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý của bên thứ ba khi có đủ căn cứ xác định xâm phạm quyền.
Tư vấn, hỗ trợ khách hàng trao đổi, giải quyết thủ tục phản đối tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Đại diện khách hàng khởi kiện ra Tòa án liên quan đến quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý.
Quý khách hàng có thắc mắc hay có nhu cầu tư vấn các dịch vụ pháp lý liên quan về phản đối đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý, đăng ký chỉ dẫn địa lý, xin vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!