Trong quá trình giải quyết ly hôn, vấn đề cấp dưỡng nuôi con luôn được xem là một trong những nội dung quan trọng nhằm đảm bảo quyền lợi cho con chưa thành niên. Tuy nhiên, sau khi bản án hoặc quyết định của Tòa án có hiệu lực, không ít trường hợp người cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cố tình trốn tránh trách nhiệm, gây khó khăn cho người trực tiếp nuôi con. Trước thực trạng đó, pháp luật đã quy định rõ quyền khởi kiện để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Với vai trò là đơn vị tư vấn pháp lý chuyên nghiệp, Luật Việt An xin gửi đến Quý khách hàng bài viết hướng dẫn chi tiết thủ tục khởi kiện không cấp dưỡng nuôi con theo quy định pháp luật hiện hành.
Quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ
Căn cứ quy định tại khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định.
Theo khoản 2 Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có trách nhiệm cấp dưỡng cho con. Đồng thời, tại Điều 7 Nghị quyết số: 01/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Toà án Nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình có quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con như sau:
Đối tượng cấp dưỡng:
Con chưa thành niên;
Con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Phạm vi cấp dưỡng: Tiền cấp dưỡng cho con là toàn bộ chi phí cho việc nuôi dưỡng, học tập của con.
Mức cấp dưỡng: Mức cấp dưỡng sẽ do các bên thoả thuận. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì Tòa án quyết định mức cấp dưỡng nhưng không thấp hơn một nửa tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người cấp dưỡng đang cư trú cho mỗi tháng đối với mỗi người con.
Phương thức cấp dưỡng: Theo thoả thuận của cha, mẹ. Nếu không thoả thuận được, Toà án sẽ quyết định phương thức cấp dưỡng phù hợp với nhu cầu, lợi ích của của con và điều kiện kinh tế của người cấp dưỡng.
Thời điểm phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng: Kể từ thời điểm cha, mẹ không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.
Quyền khởi kiện trong trường hợp không cấp dưỡng nuôi con
Căn cứ quy định tại Điều 119 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, những cá nhân, tổ chức sau đây có quyền khởi kiện trong trường hợp không cấp dưỡng nuôi con:
Cha, mẹ (người đang trực tiếp nuôi con chưa thành niên) hoặc người giám hộ của con;
Người thân thích;
Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
Hội liên hiệp phụ nữ.
Ngoài ra, những người được cấp dưỡng đều là những bên yếu thế, vì vậy, để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của họ, điều luật này đã quy định rằng, các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức nêu trên yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.
Thủ tục khởi kiện không cấp dưỡng nuôi con
Tại Điều 186 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định rằng cá nhân, tổ chức có quyền khởi kiện đến Toà án nhân dân có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm.
Việc cha hoặc mẹ không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con được coi là hành vi xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của con. Vì vậy, người đại diện của con có quyền khởi kiện để yêu cầu cấp dưỡng.
Hồ sơ khởi kiện
Người khởi kiện không cấp dưỡng cho con cần chuẩn bị hồ sơ, tài liệu cơ bản như sau:
Đơn khởi kiện;
Giấy tờ về tư cách pháp lý của người khởi kiện: Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân hoặc hộ chiếu;
Giấy tờ về quan hệ nhân thân giữa người cấp dưỡng và người yêu cầu cấp dưỡng: Giấy khai sinh, Trích lục khai sinh, …
Giấy tờ, tài liệu chứng minh nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ. Ví dụ: Quyết định/Bản án giải quyết ly hôn của Toà án, …
Thẩm quyền giải quyết của Toà án
Căn cứ khoản 5 Điều 28 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, tranh chấp về nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con là một trong những tranh chấp thuộc thẩm quyền của Toà án.
Căn cứ Điều 35, Điều 37 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Toà án cấp huyện có thẩm quyền giải quyết tranh chấp này, trừ trường hợp vụ việc có yếu tố nước ngoài (như: cha, mẹ là người nước ngoài, hoặc đang định cư/cư trú ở nước ngoài, …).
Căn cứ Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Toà án nơi bị đơn cư trú có thẩm quyền giải quyết tranh chấp cấp dưỡng nuôi con.
Như vậy, thông thường, người khởi kiện yêu cầu cấp dưỡng nuôi con sẽ nộp hồ sơ khởi kiện tại Toà án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú để được giải quyết.
Các bước tiến hành:
Để khởi kiện không cấp dưỡng nuôi con, người khởi kiện cần thực hiện theo các bước cơ bản như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ
Người khởi kiện chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ tại Toà án có thẩm quyền theo hướng dẫn nêu trên.
Bước 2: Toà án tiếp nhận và xử lý hồ sơ
Trong thời hạn 08 ngày làm việc, kể từ ngày Toà án tiếp nhận hồ sơ khởi kiện, Thẩm phán được phân công giải quyết đơn khởi kiện cần ra một trong những quyết định như sau:
Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015;
Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Bước 3: Nộp tiền tạm ứng án phí
Trong trường hợp hồ sơ khởi kiện hợp lệ, đủ điều kiện thụ lý, Toà án ra thông báo cho người khởi kiện nộp tiền tạm ứng án phí.
Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận thông báo nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện có trách nhiệm nộp tiền tạm ứng án phí lại cơ quan thi hành án.
Sau khi nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện nộp lại biên lai (bản chính) cho Toà án.
Bước 4: Toà án thụ lý vụ án
Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho nguyên đơn, bị đơn, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án.
Hy vọng bài viết trên đã giúp Quý khách hàng nắm rõ trình tự, thủ tục khởi kiện khi không được cấp dưỡng nuôi con. Nếu cần hỗ trợ pháp lý cụ thể, Quý khách hàng hãy liên hệ với Luật Việt An để được tư vấn kịp thời và hiệu quả.