Tổng hợp văn bản pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là vấn đề nhận được sự quan tâm từ đông đảo người dân. Do đó, pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm được xây dựng tương đối chặt chẽ và được sửa đổi, bổ sung thường xuyên để đảm bảo hoạt động giám sát, áp dụng có hiệu quả. Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình cũng như có thể hạn chế việc vi phạm, bị áp dụng các chế tài xử lý thì các cá nhân, tổ chức cần cập nhật pháp luật vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong bài viết dưới đây, Luật Việt An sẽ cung cấp cho quý khách hàng tổng hợp văn bản pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm vànhững tư vấn pháp lý khái quát về vấn đề này.
Vệ sinh an toàn thực phẩm là gì?
Vệ sinh an toàn thực phẩm là đảm bảo cho thực phẩm luôn sạch, đảm bảo vệ sinh cho người sử dụng. Những thực phẩm đảm bảo vệ sinh cần được kiểm nghiệm và trải qua quá trình công bố sản phẩm nghiêm ngặt, có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền, bảo đảm để thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người.
Các ngành nghề đối tượng phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Cơ sở kinh doanh, dịch vụ, phục vụ ăn uống cố định là bất cứ một gian nhà, toà nhà nằm trong mặt phố, dùng để kinh doanh thực phẩm.
Cơ sở dịch vụ ăn uống là các cơ sở chế biến, xử lý thực phẩm để bán cho khách ăn uống ngay tại chỗ.
Cơ sở bán thực phẩm là các cơ sở chỉ để bán thực phẩm (còn gọi là cửa hàng thực phẩm) không có dịch vụ ăn uống tại chỗ.
Cửa hàng ăn hay còn gọi là tiệm ăn là các cơ sở dịch vụ ăn uống cố định tại chỗ bảo đảm cùng lúc cho số lượng người ăn khoảng dưới 50 người (cửa hàng cơm bình dân, phở, bún, miến, cháo…).
Nhà hàng ăn uống là các cơ sở ăn uống, thường có từ 50 người ăn đồng thời một lúc.
Quán ăn là các cơ sở ăn uống nhỏ, thường chỉ có một vài nhân viên phục vụ, có tính bán cơ động, thường được bố trí ở dọc đường, trên hè phố, những nơi công cộng.
Căng tin là cơ sở bán quà bánh, hàng điểm tâm giải khát và ăn uống trong tập thể nội bộ cơ quan.
Chợ là nơi để mọi người đến mua, bán theo những ngày, buổi nhất định.
Nhà ăn tập thể hay bếp ăn tập thể là nhà dùng làm chỗ ăn uống cho tập thể, bao gồm cả chế biến, nấu nướng tại chỗ.
Siêu thị là các cửa hàng rất lớn, bán thực phẩm và hàng hoá đủ loại.
Hội chợ là nơi tổ chức trưng bày, giới thiệu, thi, đánh giá chất lượng hàng hoá.
Điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm
Các điều kiện đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở chế biến thức ăn
Bếp ăn được bố trí bảo đảm không nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến.
Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh.
Có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải bảo đảm vệ sinh.
Cống rãnh ở khu vực cửa hàng, nhà bếp phải thông thoát, không ứ đọng.
Nhà ăn phải thoáng, mát, đủ ánh sáng, duy trì chế độ vệ sinh sạch sẽ, có biện pháp để ngăn ngừa côn trùng và động vật gây hại.
Có thiết bị bảo quản thực phẩm, nhà vệ sinh, rửa tay và thu dọn chất thải, rác thải hàng ngày sạch sẽ.
Người đứng đầu đơn vị có bếp ăn tập thể có trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm.
Có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Các điều kiện đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm
Có địa điểm, diện tích thích hợp, có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm và các yếu tố gây hại khác;
Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
Có đủ trang thiết bị phù hợp để xử lý nguyên liệu, chế biến, đóng gói, bảo quản và vận chuyển các loại thực phẩm khác nhau; có đủ trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện rửa và khử trùng, nước sát trùng, thiết bị phòng, chống côn trùng và động vật gây hại;
Có hệ thống xử lý chất thải và được vận hành thường xuyên theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
Duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm và các tài liệu khác về toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
Tuân thủ quy định về sức khoẻ, kiến thức và thực hành của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Tổng hợp văn bản pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm
Hệ thống các Luật về vệ sinh an toàn thực phẩm
Luật An Toàn thực phẩm 2010
Nội dung: Luật an toàn thực phẩm quy định về quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong đảm bảo an toàn thực phẩm, điều kiện đảm bảo an toàn đối với thực phẩm, sản xuất, kinh doanh thực phẩm , xuất khẩu và nhập khẩu thực phẩm, quảng cáo, ghi nhãn thực phẩm; kiểm nghiệm thực phẩm; phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm; phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Ngày ban hành: 17/06/2010
Ngày có hiệu lực: 01/07/2011
Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006
Nội dung: Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật quy định về hoạt động xây dựng, công bố và áp dụng tiêu chuẩn; xây dựng, ban hành và áp dụng quy chuẩn kỹ thuật; đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; phân công thẩm quyền, trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức minh bạch, phù hợp với quy định WTO và thông lệ quốc tế.
Ngày ban hành: 29/06/2006
Ngày có hiệu lực: 01/01/2007
Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá 2007
Nội dung: Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa và tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa; quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Ngày ban hành: 21/11/2007
Ngày có hiệu lực: 01/07/2008
Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020
Nội dung: Luật Xử lý vi phạm hành chính và văn bản sửa đổi bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp xử lý hành chính.
Ngày ban hành: 20/06/2012 (Luật sửa đổi ban hành ngày 13/11/2020)
Ngày có hiệu lực: 01/07/2013 trừ các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định thì có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2014 (Luật sửa đổi có hiệu lực ngày 01/01/2022)
Hệ thống các Nghị định về vệ sinh an toàn thực phẩm
Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm 2010
Nội dung: Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm về:
Thủ tục tự công bố sản phẩm.
Thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm.
Bảo đảm an toàn thực phẩm biến đổi gen.
Cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu.
Ghi nhãn thực phẩm.
Quảng cáo thực phẩm.
Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm.
Truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Ngày ban hành: 02/02/2018
Ngày có hiệu lực: 02/02/2018
Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định về nhãn hàng hóa; Nghị định 111/2021/NĐ-CP ngày 09/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 43/2017/NĐ-CP
Nội dung: Nghị định này quy định nội dung, cách ghi và quản lý nhà nước về nhãn đối với hàng hóa lưu thông tại Việt Nam, hàng hóa nhập khẩu.
Ngày ban hành: 14/04/2017 (Luật sửa đổi ban hành ngày 09/12/2021)
Ngày có hiệu lực: 02/02/2018 (Luật sửa đổi có hiệu lực ngày 01/01/2022)
Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh rượu
Nội dung: Nghị định này quy định về hoạt động kinh doanh rượu, bao gồm: Hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu; hoạt động bán rượu tiêu dùng tại chỗ.
Ngày ban hành: 14/09/2017
Ngày có hiệu lực: 01/11/2017
Bên cạnh những Nghị định trên, trong hệ thống Nghị định về vệ sinh an toàn thực phẩm còn một số Nghị định khác, ví dụ như các Nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực:
Nghị định 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định về hành vi, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 126/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021.
Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cầm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022.
Nghị định 31/2016/NĐ-CP ngày 06/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo kiểm dịch thực vật; sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 04/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020.
Nghị định 14/2021/NĐ-CP ngày 01/3/2021 Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực chăn nuôi.
Hệ thống các Thông tư về vệ sinh an toàn thực phẩm
Thông tư số 17/2023/TT-BYT cập nhật văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm
Nội dung: Thông tư được ra đời với mục đích nhằm sửa đổi, bãi bỏ các văn bản, quy định không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật giúp tiết kiệm thời gian, công sức, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý. Các văn bản được sửa đổi bao gồm:
Thông tư 24/2019/TT-BYT quy định việc quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm.
Quyết định 46/2007/QĐ-BYT: sửa đổi Quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hoá học trong thực phẩm.
Thông tư 18/2019/TT-BYT hướng dẫn Thực hành sản xuất tốt (GMP) trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Thông tư 43/2014/TT-BYT quy định về quản lý thực phẩm chức năng.
Thông tư 48/2015/TT-BYT quy định hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.
Thông tư 49/2015/TT-BYT quy định về công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định đối với thuốc lá.
Đáng chú ý, Thông tư này có bổ sung các danh mục về hương liệu được dùng trong thực phẩm và 18 chất phụ gia thực phẩm bị khống chế hạn mức sử dụng tối đa.
Ngày ban hành: 25/09/2023.
Ngày có hiệu lực: 09/11/2023.
Thông tư số 31/2023/TT-BYT quy định về thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
Nội dung: Thông tư quy định về thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, căn cứ thu hồi. Việc thu hồi sẽ được tiến hành khi cơ sở không có đủ điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc giấy chứng nhận đã hết hạn như pháp luật quy định.
Ngày ban hành: 30/12/2023.
Ngày có hiệu lực: 15/02/2024.
Bên cạnh đó, trong hệ thống Thông tư còn rất nhiều các Thông tư được các Bộ có thẩm quyền quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm ban hành điều chỉnh, hướng dẫn các vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trên đây là phân tích về tổng hợp văn bản pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm. Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hay có nhu cầu tư vấn các quy định của pháp luật, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!