Tư cách pháp nhân của đối tác nước ngoài trong giải quyết tranh chấp trọng tài
Hiện nay, quy định của pháp luật cho phép sử dụng nhiều phương thức giải quyết tranh chấp khác nhau như hòa giải, thương lượng, tòa án, trọng tài. Trong đó, giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài ngày càng trở nên phổ biến nhờ những ưu điểm của chính mình. Song việc xác định tư cách pháp nhân trong quá trình giải quyết tranh chấp trọng tài luôn là vấn đề quan trọng, đặc biệt là việc xác định tư cách pháp nhân của đối tác nước ngoài. Trong bài viết sau đây, Luật Việt An sẽ tổng hợp những quy định giúp xác định tư cách pháp nhân của đối tác nước ngoài trong giải quyết tranh chấp trọng tài.
Cơ sở pháp lý
Bộ luật Dân sự 2015;
Luật Trọng tài thương mại 2010;
Nghị định 138/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành các quy định của Bộ luật Dân sự 2005 về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.
Phương thức giải quyết tranh chấp trọng tài được quy định như thế nào
Căn cứ theo quy định tài Khoản 1 Điều 3 Luật trọng tài thương mại 2010 quy định Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của luật này.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Luật trọng tài thương mại 2010 có thể xác định đối tác nước ngoài tham gia giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài sẽ tham gia tố tụng với tư cách nguyên đơn, bị đơn.
Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
Theo quy định tại Điều 4 Luật trọng tài thương mại 2010 thì nguyên tắc giải quyết trọng tài được quy định như sau:
Trọng tài viên phải tôn trọng thoả thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội.
Trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật.
Các bên tranh chấp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Hội đồng trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.
Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Phán quyết trọng tài là chung thẩm.
Tại sao nên giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
Phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được sử dụng rộng rãi chính vì có nhiều thuận lợi trong quá trình áp dụng giải quyết. Một số ưu điểm của trọng tài thương mại như sau:
Thứ nhất, thủ tục trọng tài tiện lợi, nhanh chóng, thể hiện tính chất mềm đơn giản, linh hoạt và mêm dẻo về mặt tố tụng. Các bên có thể chủ động về thời gian, địa điểm giải quyết tranh chấp, không trải qua nhiều cấp xét xử như ở toà án, cho nên hạn chế tốn kém về thời gian và tiền bạc cho các chủ thể tranh chấp.
Thứ hai, khả năng chỉ định trọng tài viên thành lập Hội đồng trọng tài giải quyết vụ việc giúp các bên lựa chọn được trọng tài viên giỏi, nhiều kinh nghiệm, am hiểu sâu sắc vấn đề đang tranh chấp để từ đó họ có thể giải quyết tranh chấp nhanh chóng, chính xác.
Thứ ba, nguyên tắc trọng tài xét xử không công khai, phần nào giúp các bên giữ được uy tín trên thương trường. Đây được coi là ưu điểm được các bên tranh chấp ưa chộng nhất.
Thứ tư, các bên tranh chấp có khả năng tác động đến quá trình trọng tài, kiểm soát được việc cung cấp chứng cứ của mình và điều này giúp các bên giữ được bí quyết kinh doanh.
Thứ năm, trọng tài khi giải quyết tranh chấp nhân danh ý chí của các bên, không nhân danh quyền lực tự pháp của nhà nước, nên rất phù hợp để giải quyết các tranh chấp có yếu tố nước ngoài.
Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
Theo quy định tại Điều 5 Luật trọng tài 2010 quy định những điều kiện cần đáp ứng để có thể giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài bào gồm:
Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.
Trường hợp một bên tham gia thoả thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi, thoả thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Quy định về tư cách pháp nhân của đối tác nước ngoài khi tham gia giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
Thế nào là pháp nhân
Pháp nhân được quy định tại Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015 có thể đưa ra một số đặc điểm về pháp nhân như sau:
Pháp nhân là một tổ chức (một chủ thể pháp luật) có tư cách pháp lý độc lập, có thể tham gia vào các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội… theo quy định của pháp luật. Đây là một khái niệm trong luật học dùng để phân biệt với thể nhân (cá nhân) và các tổ chức khác.
Nếu một tổ chức có “tư cách pháp nhân” thì tổ chức đó có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của một pháp nhân mà luật đã quy định.
Điều kiện để có tư cách pháp nhân tại Việt Nam
Căn cứ theo điều 74 Bộ luật Dân sự 2015 quy định một tổ chức được công nhận là có tư cách pháp nhân khi đủ 4 điều kiện:
Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;
Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;
Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Địa vị pháp lý của pháp nhân nước ngoài
Khoản 5 Điều 3 Nghị định 138/2006/NĐ-CP quy định “Pháp nhân nước ngoài” là pháp nhân được thành lập theo pháp luật nước ngoài. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 676 Bộ luật Dân sự 2015 về pháp nhân thì quốc tịch của pháp nhân được xác định theo pháp luật của nước nơi pháp nhân thành lập.
Căn cứ quy định tại Điều 10 Nghị định 138/2006/NĐ-CP và Bộ luật Dân sự quy định: Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân nước ngoài là khả năng do pháp luật quy định của pháp nhân nước ngoài có quyền và nghĩa vụ dân sự phù hợp với mục đích hoạt động của mình. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân nước ngoài được xác định theo pháp luật của nhà nước mà pháp nhân đó có quốc tịch.
Tư cách pháp nhân của đối tác nước ngoài trong giải quyết tranh chấp trọng tài
Đối chiếu với những căn cứ pháp lý trên có thể xác định những điều kiện để đối tác nước ngoài có tư cách pháp nhân trong giải quyết tranh chấp bằng trọng tài như sau:
Đối tác nước ngoài tham gia tranh chấp trọng tài phải là một tổ chức, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại nước sở tại thành lập hoặc cho phép thành lập. Vì thế tổ chức đó được công nhận là có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận thành lập.
Tổ chức của đối tác nước ngoài phải có cơ cấu tổ chức chặt chẽ tương ứng với quy định tại Điều 83 Bộ luật dân sự 2015.
Pháp nhân là tổ chức độc lập để xác lập quyền và nghĩa vụ trong hoạt động của nó, nên bắt buộc phải có tài sản độc lập. Do đó, đối tác nước ngoài cần có tài sản độc lập mới có thể tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình đối với các giao dịch, quyền và nghĩa vụ mà nó xác lập.
Đối tác nước ngoài này cần có quyền nhân danh mình tham gia vào các quan hệ pháp luật thông qua người đại diện theo pháp luật.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn hay tìm hiểu kỹ hơn về tư cách pháp nhân của đối tác nước ngoài trong giải quyết tranh chấp trọng tài riêng và việc xác định tư cách pháp nhân nói chung, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài xin vui lòng liên hệ Công ty luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.