Gạo là loại thực phẩm luôn có mặt trong mỗi bữa cơm gia đình Việt. Vì vậy, để sản phẩm đạt được chất lượng tốt và được tung ra ngoài thị trường, bắt buộc doanh nghiệp sản xuất gạo phải có đầy đủ giấy tờ pháp lý để thực hiện thủ tục tự công bố sản phẩm gạo của doanh nghiệp mình. Vậy tự công bố sản phẩm gạo phải trải qua các quy trình nào? Để giải đáp thắc mắc của quý khách hàng, công ty Luật Việt An đưa ra bài viết về tự công bố sản phẩm gạo dưới đây.
Căn cứ pháp lý
Luật An toàn thực phẩm năm 2010, sửa đổi bổ sung năm 2018.
Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 155/2018/NĐ-CP và Nghị định Nghị định 85/2019/NĐ-CP.
Nghị định số 119/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 126/2021/NĐ-CP.
Thông tư số 43/2018/TT-BCT quy định về quản lý an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 13/2020/TT-BCT.
Tại sao phải thực hiện công bố sản phẩm gạo
Công bố sản phẩm là hoạt động do doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm gạo tiến hành công bố với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định pháp luật hiện hành. Căn cứ vào Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định, bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục tự công bố sản phẩm gạo. Việc thực hiện công bố sản phẩm gạo không chỉ là hoạt động tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm gạo mà còn có ý nghĩa đối với người tiêu dùng.
Đối với cơ quan quản lý
Việc Nhà nước yêu cầu công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm gạo giúp hạn chế hàng hóa kém chất lượng, dễ dàng kiểm soát được sản phẩm tiêu dùng trong nước và sản phẩm gạo được xuất nhập khẩu.
Điều kiện để thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước phát triển cạnh tranh chất lượng.
Đối với doanh nghiệp
Tuân thủ quy định pháp luật liên quan đến quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Tự công bố chất lượng sản phẩm là một bước quan trọng để lưu hành sản phẩm trên thị trường.
Công bố chất lượng sản phẩm là căn cứ pháp lý để doanh nghiệp thực hiện kinh doanh, kiểm soát sản phẩm một cách cụ thể; dễ dàng theo tiêu chuẩn pháp luật quy định.
Khẳng định chất lượng sản phẩm gạo thông qua những thông tin được kiểm định an toàn, qua đó khẳng định thương hiệu, vị trí trên thị trường.
Tạo lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp đối với những doanh nghiệp chưa có giấy công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
Nhận được sự tin tưởng tư người tiêu dùng và đối tác kinh doanh.
Đối với người tiêu dùng
Biết được chất lượng sản phẩm, giúp lựa chọn sản phẩm gạo đảm bảo đúng tiêu chuẩn an toàn.
Điều kiện tự công bố sản phẩm gạo
Để thực hiện tự công bố sản phẩm gạo, các doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng đầy đủ những điều kiện sau:
Chỉ tiêu kiểm nghiệm đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm của sản phẩm gạo dựa vào:
Để có thể xuất khẩu hay công bố các chỉ tiêu kiểm nghiệm gạo, một doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam, cần phải đáp ứng một số yêu cầu về chất lượng sản phẩm được quy định trong TCVN 11888: 2017 thay thế cho TCVN 5644:2008 vì hiện tại chưa có QCVN về gạo.
Thông tư số 27/2012/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn quản lý phụ gia thực phẩm
Thông tư số 08/2015/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế bổ sung một số quy định cho Thông tư số 27/2012/TT-BYT
Thông tư số 50/2016/TT-BYT của Bộ trưởng bộ Y tế quy định giới hạn tối đa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm
Quyết định 46/2007/QĐ–BYT ngày 19/12/2007 (Quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hoá học trong thực phẩm).
QCVN 8-2:2011/BYT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm).
QCVN 8-1:2011/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm độc tố vi nấm trong thực phẩm.
Các chỉ tiêu cần phân tích sản phẩm gạo bao gồm:
Chỉ tiêu cảm quan: màu sắc, mùi vị, lượng tạp chất lạ và côn trùng, mức xát, độ ẩm trong gạo theo ISO 712…
Chỉ tiêu hóa lý: phân tích thành phần dinh dưỡng tinh bột; đường; chất béo; chất xơ…; phân tích các chỉ tiêu vitamin B1, B7,….
Chỉ tiêu vi sinh: Samollena, E.coli,….
Chỉ tiêu độc tố vi nấm: hàm lượng chất aflatoxin,…
Chỉ tiêu kim loại nặng: chì, cadmi….
Các doanh nghiệp tùy vào chi phí và mục đích sử dụng của sản phẩm để đưa ra chỉ tiêu kiểm nghiệm sao cho phù hợp với tình hình doanh nghiệp.
Hồ sơ tự công bố sản phẩm gạo
Để thực hiện việc tự công bố sản phẩm gạo, doanh nghiệp cần phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP. Trong đó, hồ sơ tự công bố sản phẩm gạo bao gồm:
Bản tự công bố tiêu chuẩn chất lượng gạo theo mẫu số 01 Nghị định 15/2018/NĐ-CP
Phiếu kiểm nghiệm tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm gạo còn thời hạn 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ. Lưu ý: Kết quả kiểm nghiệm phải được cấp từ các phòng kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO 17025 do Bộ Y tế quy định và phải đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu kiểm nghiệm theo yêu cầu đối với sản phẩm gạo.
Mẫu sản phẩm và nhãn sản phẩm gạo của doanh nghiệp. Lưu ý với nhãn có nội dung tiếng nước ngoài thì phải dịch thuật công chứng sang tiếng Việt.
Bản sao giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm phù hợp với mặt hàng sản xuất gạo hoặc có 01 trong các loại giấy tờ sau: thực hành sản xuất tốt (GMP), hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000)
Trình tự thực hiện công bố chất lượng sản phẩm gạo
Căn cứ Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện tự công bố chất lượng đối với sản phẩm trước khi kinh doanh ngoài thị trường. Doanh nghiệp sẽ phải thực hiện các bước sau khi muốn công bố chất lượng gạo:
Bước 1: Thực hiện kiểm nghiệm sản phẩm và hoàn thiện hồ sơ tự công bố sản phẩm theo đúng quy định pháp luật
Lên chỉ tiêu kiểm nghiệm dựa vào quy chuẩn của sản phẩm theo quy định.
Mang mẫu sản phẩm đến các trung tâm được Bộ Y Tế công nhận/chỉ định để tiến hành kiểm nghiệm.
Thời gian kiểm nghiệm sản phẩm: từ 05 đến 07 ngày làm việc tính từ ngày gửi mẫu đến trung tâm kiểm nghiệm.
Nhận kết quả kiểm nghiệm để tiến hành thực hiện công bố chất lượng sản phẩm.
Bước 2: Thực hiện công bố sản phẩm gạo
Thứ nhất, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký bản tự công bố chất lượng sản phẩm tại:
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả – Ban Quản lý an toàn thực phẩm nếu cơ sở kinh doanh có địa điểm tại trụ sở thành phố Hồ Chí Minh
Chi cục an toàn thực phẩm đối với các tỉnh thành trên cả nước.
Trong vòng 5-7 ngày làm việc, nếu hồ sơ hợp lệ giấy tự công bố chất lượng gạo của doanh nghiệp sẽ được đăng tải công khai trên website của cơ quan tiếp nhận.
Thứ hai, ngay sau khi thực hiện công bố sản phẩm thì doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm và chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn của sản phẩm gạo.
Lưu ý trong quá trình tự công bố sản phẩm gạo
Thứ nhất, các tài liệu trong hồ sơ đăng ký tự công bố chất lượng sản phẩm gạo phải được thể hiện bằng tiếng Việt; trường hợp có tài liệu bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch sang tiếng Việt và được công chứng. Tài liệu phải còn hiệu lực tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm.
Thứ hai, trong trường hợp tổ chức, cá nhân có từ 2 cơ sở sản xuất trwor lên cùng sản xuất một sản phẩm là gạo thì tổ chức, cá nhân chỉ làm thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm tại một cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương có cơ sở sản xuất do tổ chức cá nhân có quyền lựa chọn(trừ những sản phẩm đăng ký tại Bộ Y tế). Khi đã lựa chọn cơ quan quản lý nhà nước để đăng ký thì các lần đăng ký tiếp theo tổ chức, cá nhân phải đăng ký tại cơ quan đã lựa chọn. Đồng thời, khi nộp hồ sơ tại cơ quan quản lý nhà nước đã lựa chọn trước đó thì các lần tiếp theo phải nộp hồ sơ tại cơ quan đó.
Thứ ba, trường hợp sản phẩm có sự thay đổi về tên sản phẩm, xuất xứ, thành phần cấu tạo thì tổ chức, cá nhân phải công bố lại sản phẩm. Các thay đổi khác có thể thông báo bằng văn bản gửi lên cơ quan quản lý nhà nước.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn về thủ tục tự công bố sản phẩm gạo xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.