Hợp đồng vận chuyển tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản đến địa điểm đã định theo thỏa thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận, bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển. Ngày nay, với nhu cầu mua săm trên mạng tăng cao, dịch vụ vận chuyển tài sản được con người sử dụng phổ biến hơn rất nhiều. Để giúp các bên tham gia vào giao dịch vận chuyển tài sản được đảm bảo nhất, Công ty luật Việt An xin tư vấn về cách thức và những lưu ý khi soạn thảo hợp đồng vận chuyển tài sản như sau:
Căn cứ pháp lý
Bộ luật dân sự năm 2015.
Luật thương mại 2005;
Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/06/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện;
Nghị định số 43/2009/NĐ-CP ngày 07/05/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh của Nghị định 59/2006/NĐ-CP;
Hình thức hợp đồng
Hợp đồng vận chuyển tài sản được giao kết bằng văn bản, bằng lời nói hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.
Tuy nhiên, để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của các Bên tham gia giao dịch và tránh các rủi ro, xung đột phát sinh thì các bên nên xác lập hợp đồng vận chuyển tài sản bằng hình thức văn bản.
Lưu ý: Trong trường hợp các bên không xác lập hợp đồng vận chuyển tài sản bằng văn bản, Vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương khác là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng giữa các bên.
Nội dung cơ bản của hợp đồng
Thông tin các bên
Các bên trong hợp đồng vận chuyển tài sản bao gồm: Bên thuê vận chuyển, bên vận chuyển và bên nhận tài sản.
Các bên cần cung cấp chính xác thông tin các bên theo các tiêu chí sau: Họ tên, thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại (hoặc phương thức liên lạc khác như email, fax…)
Tài sản được vận chuyển (đối tượng của hợp đồng)
Bên thuê vận chuyển cung cấp về tài sản được vận chuyển là gì; Thông tin liên quan đến tài sản đươc vận chuyển như: Loại, số lượng, chất lượng tài sản.
Các bên lưu ý một số tài sản bị pháp luật cấm vận chuyển hoặc cấm lưu thông trên thị trường thì không được là đối tượng của hợp đồng vận chuyển tài sản.
Thời gian và phương thức vận chuyển tài sản
Các bên thống nhất thời gian bắt đầu và kết thúc vận chuyển tài sản; thời điểm bên thuê vận chuyển giao tài sản cho bên vận chuyển; Thời gian bên vận chuyển giao tài sản cho bên nhận tài sản.
Phương thức vận chuyển có thể là: Đường bộ, đường hàng không hoặc đường thủy.
Địa điểm nhận tài sản
Thông thường địa điểm nhận tài sản thường là địa chỉ của bên nhận tài sản. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp phải thuê kho bãi … thì các bên thỏa thuận cụ thể địa điểm nhận tài sản.
Cước phí vận chuyển
Các bên thỏa thuận mức cước phí vận chuyển tài sản và bên thanh toán cước phí vận chuyển.
Lưu ý: Nếu pháp luật có quy định về mức cước phí vận chuyển thì áp dụng mức cước phí đó.
Thông thường bên thuê vận chuyển phải thanh toán đủ cước phí vận chuyển sau khi tài sản được chuyển lên phương tiện vận chuyển, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Quyền và nghĩa vụ của các bên
Các bên thỏa thuận quyền và nghĩa vụ của từng bên tham gia hợp đồng trên cơ sở quy định của pháp luật dân sự và thương mại. Cụ thể Bộ luật dân sự năm 2015 quy định một số quyền và nghãi vụ cơ bản của từng bên tại các Điều từ Điều 534 đến Điều 540.
Một số thỏa thuận khác
Các bên có thể thỏa thuận một số điều khoản khác để đảm bảo hơn quyền và lợi ích của mình như:
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại;
Các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng hợp pháp;
Các trường hợp chấm dứt hợp đồng;
Tranh châp và giải quyết tranh chấp;
Phạt vi phạm hợp đồng;
Điều khoản bất khả kháng;
Điều khoản chung và thi hành.
Qúy khách hàng quan tâm hoặc có thắc mắc về vấn đề hợp đồng xin vui lòng liên hệ trực tiếp đến Công ty luật Việt An qua email info@luatvietan.vn hoặc hotline để được hỗ trợ kịp thời.