AI có được coi là một chủ thể trong quan hệ pháp luật tại Việt Nam?
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, AI – trí tuệ nhân tạo ngày càng hoàn thiện và thậm chí có nhiều quan điểm cho rằng AI đã có khả năng thay thế con người trong nhiều lĩnh vực. Về mặt lập pháp, đã có nhiều ý kiến thắc mắc về vấn đề AI có được coi là một chủ thể trong quan hệ pháp luật tại Việt Nam hay không? Qua bài viết sau đây, Luật Việt An xin được chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này.
AI được hiểu như thế nào?
Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ hiện nay, “AI” hay trí tuệ nhân tạo đang trở thành một khái niệm không còn xa lạ đối với mọi người. AI được hiểu đơn giản là khả năng của máy tính hoặc máy móc thực hiện công việc mà trước đây chỉ có con người mới có thể thực hiện được.
AI được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như dự báo thời tiết, tư vấn tài chính, tự động hóa sản xuất và dịch thuật. Tính linh hoạt và khả năng hoạt động 24/7 của AI đã giúp tăng hiệu suất làm việc và giảm thời gian cho các công việc đơn giản, đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội mới cho sự phát triển của xã hội và kinh tế.
Quan hệ pháp luật là gì?
Quan hệ pháp luật là quan hệ xã hội được xác lập, tồn tại, phát triển và chấm dứt theo các quy định pháp luật. Ví dụ:
Quan hệ hôn nhân là quan hệ giữa người vợ và người chồng được điều chỉnh theo quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình.
Quan hệ mua bán là quan hệ giữa người mua và người bán được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự hoặc Luật Thương mại.
Vậy AI có được coi là một chủ thể trong quan hệ pháp luật tại Việt Nam?
Chủ thể trong quan hệ pháp luật được hiểu là cá nhân hay tổ chức có năng lực pháp luật và năng lực hành vi pháp luật, tham gia vào các quan hệ pháp luật, có quyền và nghĩa vụ pháp lý nhất định.
Tại Điều 1 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
“Bộ luật này quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm (sau đây gọi chung là quan hệ dân sự).”
Từ quy định trên có thể thấy, pháp luật hiện hành, cụ thể là Bộ luật Dân sự 2015 chỉ điều chỉnh các mối quan hệ giữa cá nhân, pháp nhân. Trong khi đó, như đã đề cập ở phần trên, chỉ có những mối quan hệ xã hội được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật thì mới được coi là quan hệ pháp luật.
Vì vậy, có thể thấy, hiện nay, chỉ có cá nhân, pháp nhân mới được coi là chủ thể trong quan hệ pháp luật tại Việt Nam. AI hiện nay vẫn chưa được coi là một chủ thể trong quan hệ pháp luật tại nước ta.
Hệ quả pháp lý khi AI chưa được công nhận là một chủ thể trong quan hệ pháp luật
Hiện nay, khi trí tuệ nhân tạo (AI) chưa được công nhận là một chủ thể pháp luật, các hệ quả pháp lý có thể được xác định như sau:
AI không có tư cách cá nhân, pháp nhân
AI không thể có các quyền và nghĩa vụ độc lập, như ký hợp đồng, sở hữu tài sản, chịu trách nhiệm dân sự hoặc hình sự. Tất cả hành động liên quan đến AI sẽ thuộc trách nhiệm của cá nhân hoặc tổ chức sở hữu, vận hành hoặc sử dụng nó.
AI không thể đứng tên trong giao dịch pháp lý như: giao dịch dân sự, giao dịch thương mại, …. Vì vậy, mọi giao dịch có sự tham gia của AI phải do con người hoặc tổ chức đại diện thực hiện.
AI không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Trong các trường hợp AI gây thiệt hại, cá nhân hoặc tổ chức sở hữu hoặc điều hành AI sẽ chịu trách nhiệm theo các quy định pháp luật hiện hành, như trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Các tình huống phức tạp có thể phát sinh khi AI hoạt động ngoài dự kiến hoặc vượt tầm kiểm soát của con người. Điều này có thể gây khó khăn trong việc xác định chính xác người chịu trách nhiệm.
Các vấn đề này nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng các khung pháp lý cụ thể để điều chỉnh các hoạt động của AI trong tương lai.
Hạn chế trong quan hệ lao động
AI không thể được coi là “người lao động” hay “người sử dụng lao động” theo quy định của Bộ luật Lao động. Do đó, AI không thể tham gia quan hệ lao động hoặc thực hiện các quyền và nghĩa vụ liên quan được pháp luật lao động quy định.
Xác định tác giả của tác phẩm do AI tạo ra như thế nào?
Việc xác định tác giả của tác phẩm do AI tạo ra hiện nay phụ thuộc vào các quy định pháp luật hiện hành và nguyên tắc pháp lý chung. Theo các quy định liên quan, đặc biệt trong Luật Sở hữu trí tuệ, tác giả thường được xác định là con người, cụ thể là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm. Do đó, AI không được công nhận là “tác giả” theo pháp luật hiện hành.
Khi AI tham gia tạo ra tác phẩm, vấn đề xác định tác giả có thể được xử lý như sau:
Người lập trình hoặc vận hành AI
Người lập trình AI có thể được coi là tác giả nếu tác phẩm của AI là kết quả trực tiếp từ sự sáng tạo ban đầu của người lập trình trong việc thiết kế thuật toán hoặc cài đặt hệ thống AI. Người vận hành AI có thể được coi là tác giả nếu họ đóng vai trò quyết định trong việc sử dụng AI để tạo ra tác phẩm, bao gồm việc cung cấp ý tưởng, điều chỉnh đầu vào hoặc chọn lựa kết quả.
Chủ sở hữu AI
Trong một số trường hợp, nếu không thể xác định ai đóng vai trò sáng tạo chính, chủ sở hữu AI có thể được coi là bên có quyền sở hữu đối với tác phẩm do AI tạo ra. Tuy nhiên, điều này thường dựa trên hợp đồng hoặc các quy định pháp lý cụ thể về quyền sở hữu tài sản trí tuệ.
Không công nhận quyền tác giả
Một số hệ thống pháp luật quốc tế không công nhận quyền tác giả đối với các tác phẩm do AI tạo ra. Thay vào đó, tác phẩm có thể được xem là tài sản công hoặc thuộc về người vận hành hoặc tổ chức sử dụng AI, tùy theo luật áp dụng.
Hợp đồng thỏa thuận
Trong thực tế, các bên có thể ký hợp đồng xác định quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm do AI tạo ra, tránh các tranh chấp về quyền lợi.
Cách xác định trách nhiệm pháp lý của hành vi do AI tạo ra hiện nay
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về việc xác định trách nhiệm pháp lý của hành vi do AI tạo ra. Thực tế cho thấy, đây là vấn đề mới mẻ và phức tạp trong bối cảnh pháp lý hiện nay. Điều này liên quan đến các câu hỏi về trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hình sự, và các nghĩa vụ pháp lý khác.
Như trên đã đề cập, AI không được công nhận là chủ thể trong quan hệ pháp luật tại Việt Nam, do đó, AI sẽ không chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi do AI tạo ra. Theo nguyên tắc chung của pháp luật Việt Nam, việc xác định trách nhiệm pháp lý sẽ dựa trên yếu tố “lỗi” của cá nhân, pháp luật trong việc AI thực hiện các hành vi.
Các vấn đề cần giải quyết để xác định trách nhiệm pháp lý của hành vi do AI tạo ra hiện nay là:
AI có hoạt động đúng như thiết kế không? Nếu AI hoạt động không đúng như thiết kế ban đầu, nhà sản xuất hoặc lập trình viên có thể phải chịu trách nhiệm.
Có yếu tố con người can thiệp không? Nếu hành vi sai trái là kết quả của việc người dùng cung cấp dữ liệu sai hoặc sử dụng không đúng, trách nhiệm có thể thuộc về người dùng?
Do đo, trách nhiệm thường rơi vào các bên liên quan như:
Người lập trình hoặc nhà phát triển AI: Nếu lỗi phát sinh từ thiết kế hoặc lập trình.
Chủ sở hữu hoặc người vận hành AI: Nếu họ sử dụng AI sai cách hoặc không giám sát đúng mức.
Người sử dụng AI: Nếu hành vi vi phạm phát sinh do người dùng chỉ đạo hoặc sử dụng không đúng.
Ví dụ: Nếu một AI tự hành gây tai nạn, trách nhiệm có thể thuộc về nhà sản xuất hoặc người sử dụng, tùy thuộc vào nguyên nhân của tai nạn.
Có nên công nhận AI là chủ thể trong quan hệ pháp luật không?
Hiện nay, việc công nhận AI là chủ thể trong quan hệ pháp luật còn gây nhiều tranh cãi. Theo quan điểm của Luật Việt An thì việc công nhận AI là chủ thể trong quan hệ pháp luật là chưa phù hợp trong bối cảnh hiện tại vì những lý do sau đây.
Thứ nhất, AI là sản phẩm từ trí tuệ con người
Biểu hiện của quan hệ xã hội là các chủ thể thực hiện các hành vi đối với nhau. Mặc dù AI có thể tự thực hiện hành vi tương tác với con người. Tuy nhiên, hành vi này không xuất phát từ “ý thức” của AI mà dựa trên sự lập trình sẵn từ con người. Hay nói cách khác, hành vi mà AI thực hiện là do sự tác động của con người, là sản phẩm mà con người tạo ra.
Thứ hai, AI không năng lực chịu trách nhiệm về hành vi mà mình thực hiện
Như trên đã phân tích, AI là sản phẩm trí tuệ từ con người. Do đó, AI hoàn toàn không có năng lực chịu trách nhiệm về hành vi mà mình thực hiện. Ví dụ đơn giản như trong trường hợp AI thực hiện hành vi vi phạm quy định pháp luật thì phải xử lý như thế nào? Việc xử lý này có đảm bảo tính răn đe, giáo dục (một trong những ý nghĩa quan trọng khi đặt ra các biện pháp chế tài).
Hoặc, giả sử đặt ra việc truy cứu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm của AI thì liệu có đảm bảo nguyên tắc “đúng người – đúng tội” trong khi hành vi mà AI thực hiện xuất phát từ sự “điều khiển” của con người.
Như vậy, có thể thấy, việc công nhận AI là một chủ thể trong quan hệ pháp luật nói chung và quan hệ pháp luật tại Việt Nam nói riêng còn nhiều bất cập và có nhiều rào cản pháp lý.
Qua bài viết trên, Luật Việt An đã cung cấp các thông tin pháp lý về vấn đề AI có được coi là một chủ thể trong quan hệ pháp luật tại Việt Nam. Nếu còn vướng mắc hoặc có nhu cầu hỗ trợ các vấn đề pháp lý khác, Quý khách hàng vui lòng liên hệ tới Luật Việt An để được hỗ trợ kịp thời.