Bổ sung ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ
Việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đây là ngành nghề khá đặc thù ảnh hưởng đến trật tự xã hội và quản lý nhà nước với loại hình kinh doanh này chặt chẽ. Để bổ sung ngành nghề kinh doanh này, doanh nghiệp cần đáp ứng các yêu cầu sau:
Cơ sở pháp lý:
Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
Nghị định 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ
Điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ
Điều kiện về vốn
Mức vốn pháp định đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ là 2.000.000.000 (hai tỷ đồng).
Trong suốt quá trình hoạt động, công ty phải duy trì mức vốn điều lệ không được thấp hơn mức vốn pháp định.
Điều kiện về tiêu chuẩn đối với người quản lý và giám đốc chi nhánh
Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;
Có trình độ học vấn từ đại học trở lên thuộc một trong các ngành: kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh;
Không có tiền án;
Những người đã làm việc cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ khác đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phải thoả mãn thêm điều kiện: trong ba năm trước liền kề, không giữ chức danh quản lý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải là người có hộ khẩu thường trú ít nhất 05 năm tại quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi đăng ký đặt địa điểm hoạt động kinh doanh và trong thời gian 05 năm liền kề trước thời điểm đăng ký kinh doanh không bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi: Chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, cho vay lãi nặng, đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, làm nhục người khác.
Điều kiện về tiêu chuẩn đối với người lao động trong hoạt động dịch vụ đòi nợ
Người lao động được tuyển dụng theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có xác định thời hạn từ 06 tháng trở lên;
Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;
Có trình độ học vấn từ trung cấp trở lên thuộc một trong các ngành: kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh;
Không có tiền án.
Điều kiện về an ninh trật tự kinh doanh dịch vụ đòi nợ
Công an cấp quận/ huyện chịu trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và quản lý các cơ sở kinh doanh về dịch vụ đòi nợ.
Trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ
Ngoài các điều kiện phải đáp ứng để được hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ, theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP, các chủ thể khi kinh doạch dịch vụ này còn phải có các trách nhiệm sau:
Tuyển chọn, sử dụng nhân viên dịch vụ đòi nợ phải là người không có tiền án về các tội giết người, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, làm nhục người khác và các tội xâm phạm sở hữu.
Chỉ được hoạt động dịch vụ đòi nợ trong phạm vi pháp luật cho phép và phải có hợp đồng ủy quyền của chủ nợ.
Trong thời hạn 03 ngày trước khi thực hiện hợp đồng đòi nợ, phải có văn bản thông báo cho Công an xã, phường, thị trấn nơi tiến hành đòi nợ.
Khi thực hiện đòi nợ không được sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực và không được sử dụng các phương tiện làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng.
Không sử dụng những người không phải là nhân viên của cơ sở kinh doanh thực hiện việc đòi nợ.
Ngoài trách nhiệm được quy định riêng đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ, các chủ thể kinh doanh còn phải tuân thủ các trách nhiệm chung của cơ sở kinh doanh các ngành nghề có điều kiện về an ninh trật tự quy định tại Điều 25 Nghị định 96/2016/NĐ-CP.
Thủ tục bổ sung ngành nghề kinh doanh đòi nợ
Mã ngành đăng ký:
Tên ngành nghề kinh doanh
Mã ngành
Hoạt động dịch vụ hỗ trợ thanh toán, tín dụng.
Chi tiết: Kinh doanh dịch vụ đòi nợ
8291
Hồ sơ cần chuẩn bị:
Thông báo thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh (Phụ lục II-1 Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp)
Biên bản họp đại hội đồng cổ đông/ Biên bản họp hội đồng thành viên;
Quyết định của đại hội đồng cổ đông/Quyết định của hội đồng thành viên/ Quyết định của chủ sở hữu công ty TNHH 1 thành viên.
Giấy uỷ quyền cho cá nhân nộp hồ sơ, Hợp đồng dịch vụ với tổ chức được uỷ quyền nộp hồ sơ (Trường hợp người đại diện theo pháp luật trực tiếp nộp hồ sơ thì không cần uỷ quyền nộp hồ sơ).
Cơ quan tiếp nhận: Phòng đăng ký kinh doanh – Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở
Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ thông báo về tính hợp lệ hoặc yêu cầu sửa đổi/bổ sung hồ sơ.
Mọi thông tin chi tiết liên quan đến thủ tục thay đổi ngành nghề đăng ký kinh doanh cũng như bất kỳ yêu cầu tư vấn pháp lý nào, Quý khách hàng vui lòng liên hệ công ty Luật Việt An để được hỗ trợ nhanh chóng nhất.