Các điểm mới của Luật Đầu tư 2024 về đầu tư theo phương thức PPP
Với mục tiêu thúc đẩy phát triển hạ tầng và thu hút nguồn lực đầu tư hiệu quả, phương thức đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đã được Việt Nam áp dụng rộng rãi trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện, Luật Đầu tư 2024 đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng, đặc biệt là đối với các quy định về PPP. Những điểm mới này không chỉ tạo ra khung pháp lý rõ ràng hơn mà còn mở ra nhiều cơ hội cho cả khu vực công lẫn tư trong việc hợp tác triển khai các dự án. Bài viết dưới đây, Luật Việt An phân tích các điểm mới của Luật Đầu tư 2024 về đầu tư theo phương thức PPP và những tác động đối với sự phát triển của các dự án trong tương lai.
Đầu tư theo phương thức PPP là gì?
Căn cứ theo khoản 9, 10 Điều 3 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 quy định như sau:
Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Public Private Partnership – sau đây gọi là đầu tư theo phương thức PPP) là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án PPP.
Trong đó, dự án PPP là tập hợp các đề xuất có liên quan đến việc đầu tư để cung cấp sản phẩm, dịch vụ công thông qua việc thực hiện một hoặc các hoạt động sau đây:
Xây dựng, vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng;
Cải tạo, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa, vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có;
Vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có.
Các điểm mới của Luật Đầu tư 2024 về đầu tư theo phương thức PPP
Quy định các lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP và quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP
Các lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP bao gồm:
Giao thông vận tải;
Lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực 2004;
Thủy lợi; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải; phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước;
Y tế; giáo dục – đào tạo;
Hạ tầng công nghệ thông tin.
Quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án đầu tư PPP được quy định như sau:
Không thấp hơn 200 tỷ đồng đối với dự án thuộc lĩnh vực quy định tại các điểm (1), (2), (3) và (5); trường hợp thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư thì không thấp hơn 100 tỷ đồng;
Không thấp hơn 100 tỷ đồng đối với dự án thuộc lĩnh vực quy định tại điểm (4);
Quy định về quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu tại 02 điểm nêu trên không áp dụng đối với dự án theo loại hợp đồng O&M.
Quy định lại về lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP và phân loại dự án PPP
Căn cứ theo khoản 2 Điều 3 Luật sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu 2024 đã sửa đổi, bổ sung Điều 4 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 quy định như sau:
Dự án đầu tư theo phương thức PPP được thực hiện trong các ngành, lĩnh vực đầu tư công nhằm mục đích đầu tư, xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, trừ dự án thuộc trường hợp:
Dự án thuộc trường hợp độc quyền nhà nước theo quy định của pháp luật;
Dự án thuộc ngành, lĩnh vực quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Dự án PPP được phân loại theo thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư bao gồm:
Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội;
Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ;
Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020;
Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;
Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
Dự án không thuộc trường hợp phải quyết định chủ trương đầu tư, gồm các dự án quy định.
Quy định về quy trình dự án PPP
Căn cứ theo khoản 4 Điều 3 Luật sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu 2024 quy định về quy trình dự án PPP như sau
Đối với dự án PPP ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao, ứng dụng công nghệ mới theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ, quy trình dự án PPP:
Lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định chủ trương đầu tư, công bố dự án;
Lựa chọn nhà đầu tư;
Nhà đầu tư được lựa chọn lập báo cáo nghiên cứu khả thi;
Thành lập doanh nghiệp dự án PPP và ký kết hợp đồng dự án PPP;
Triển khai thực hiện hợp đồng dự án PPP.
Quy định về điều kiện lựa chọn dự án đầu tư theo phương thức PPP
Căn cứ theo khoản 7 Điều 3 Luật sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu 2024 Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 14 Luật đầu tư theo công tác công tư 2020 quy định về điều kiện lựa chọn dự án đầu tư theo phương thức PP bao gồm:
Sự cần thiết đầu tư;
Thuộc lĩnh vực quy định tại khoản 1 Điều 4 của Luật này và đáp ứng quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu quy định tại khoản 2 Điều 4 của Luật này;
Không trùng lặp với dự án PPP đã có quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định phê duyệt dự án;
Có lợi thế so với các hình thức đầu tư khác;
Có khả năng bố trí vốn nhà nước trong trường hợp có nhu cầu sử dụng vốn nhà nước.
Một số chuyển biến tích cực khi Luật Đầu tư 2024 về đầu tư theo phương thức PPP có hiệu lực
Trong 3 năm gần đâu có hơn 40 dự án mới được triển khai, chuẩn bị đầu tư theo phương thức PPP.
Đây đều là các dự án trọng điểm, quy mô lớn của quốc gia, địa phương với tổng mức đầu tư khoảng 380.000 tỷ đồng, nhu cầu sử dụng khoảng 190.000 tỷ đồng vốn nhà nước.
Các dự án PPP mới triển khai theo quy định của Luật PPP dự kiến sẽ hình thành khoảng 1.000 km đường cao tốc, 2 cảng hàng không tiêu chuẩn cấp 4C, 3 công trình xử lý chất thải rắn cấp đặc biệt, 3 nhà máy cung cấp nước sạch, góp phần mở rộng, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, kinh tế – xã hội của các địa phương.
Luật với nhiều điểm sửa đổi được kỳ vọng sẽ tạo ra những bước chuyển mới trong thu hút vốn tư nhân theo phương thức PPP. Theo đó:
Để mở rộng không gian thu hút đầu tư PPP, Luật khuyến khích thực hiện phương thức PPP đối với tất cả các dự án thuộc lĩnh vực đầu tư công nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, trừ các dự án thuộc lĩnh vực Nhà nước độc quyền hoặc dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội
Bãi bỏ hạn mức về quy mô vốn đầu tư tối thiểu để thực hiện dự án PPP
Luật Đầu tư 2024 cũng quy định áp dụng cơ chế linh hoạt trong việc bố trí nguồn vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP theo hướng tiếp tục quy định tỷ lệ vốn nhà nước ở mức 50% và giao Thủ tướng Chính phủ hoặc hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia cao hơn nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư đối với dự án
Luật quy định tiếp tục áp dụng loại hợp đồng BT thanh toán bằng tiền và thanh toán bằng quỹ đất theo hướng đổi mới toàn diện cách thức thực hiện và thanh toán cho nhà đầu tư, khắc phục tối đa các bất cập trong việc thực hiện loại hợp đồng này
Luật Đầu tư 2024 với những điểm mới về đầu tư theo phương thức PPP mang đến nhiều cơ hội phát triển cho các dự án hạ tầng công cộng, đồng thời tạo môi trường đầu tư minh bạch và thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư tư nhân. Những thay đổi này chắc chắn sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.
Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hay có nhu cầu tư vấn pháp lý liên quan, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.