Căn cứ giải quyết tranh chấp đất đai

Hiện nay, những vấn đề liên quan đến đất đai đang ngày càng trở lên phổ biến. Điều đáng quan tâm là các tranh chấp liên quan đến đất đai có dấu hiệu gia tăng trong thời gian gần đây. Tranh chấp đất đai là một trong những tranh chấp phức tạp, tốn nhiều thời gian và tiền bạc. Vì vậy, chúng ta cần có những hiểu biết cơ bản về những trường hợp tranh chấp đất đai thường hay xảy ra. Trong bài viết này, Luật Việt An sẽ cung cấp cho quý khách các căn cứ để giải quyết tranh chấp đất đai.

Tranh chấp đất đai

Căn cứ pháp lý

  • Luật Đất đai 2013;
  • Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, sửa đổi bổ sung tại thời thời điểm.

Tranh chấp đất đai là gì?

Theo quy định tại khoản 24 điều 1 Luật Đất đai 2013:

“Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai”.

Như vậy, tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất của các bên trong quan hệ đất đai. Hay nói cụ thể, đó là tranh chấp về nội dung về chủ thể quyền sử dụng đất.

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai

Trường hợp tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ minh chứng cho quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất sẽ do Tòa án nhân dân giải quyết.

Trường hợp tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

  • Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 203 Luật Đất đai;
  • Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Căn cứ giải quyết tranh chấp đất đai

Căn cứ giải quyết tranh chấp đất đai trong trường hợp tranh chấp quyền sử dụng đất

Đây là trường hợp tranh chấp giữa các chủ sử dụng với nhau về ranh giới đất, có thể là tranh chấp về ranh giới đất liền kề, lối đi,… Tranh chấp kiểu này thường do một bên tự ý thay đổi ranh giới hoặc các bên không có khả năng xác định ranh giới, có trường hợp còn chiếm dụng diện tích đất của người khác.

Đối với trường hợp này, Tòa án sẽ dựa trên các căn cứ sau để xác định ai là người có quyền sử dụng đất:

  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (nếu có);
  • Giấy tờ chứng minh quyền sở dụng đất theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai;
  • Trường hợp không có các giấy tờ chứng minh thì theo quy định tại Khoản 1 Điều 91 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP các căn cứ để giải quyết bao gồm:
    • Chứng cứ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất do các bên tranh chấp đất đai đưa ra;
    • Thực tế diện tích đất mà các bên tranh chấp đang sử dụng ngoài diện tích đất đang có tranh chấp và bình quân diện tích đất cho một nhân khẩu tại địa phương;
    • Sự phù hợp của hiện trạng sử dụng thửa đất đang có tranh chấp với quy hoạch; kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
    • Chính sách ưu đãi người có công của Nhà nước;
    • Quy định của pháp luật về giao đất; cho thuê đất; công nhận quyền sử dụng đất.

Căn cứ giải quyết tranh chấp đất đai trong trường hợp tranh chấp về quyền và nghĩa vụ trong quá trình sử dụng đất

Bản chất tranh chấp đất đai trong trường hợp này là tranh chấp hợp đồng dân sự. Các tranh chấp này có thể là yêu cầu thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, công nhận hiệu lực hợp đồng, tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu,…

Đối với tranh chấp thuộc trường hợp này, các căn cứ để giải quyết tranh chấp bao gồm:

  • Hợp đồng giao dịch của các bên;
  • Minh chứng chứng minh việc thực hiện hợp đồng giao dịch;
  • Minh chứng về khả năng tạo lập và thực hiện hợp đồng giao dịch.

Căn cứ giải quyết tranh chấp đất đai trong trường hợp tranh chấp quyền sử dụng đất khi vợ chồng ly hôn

Trường hợp tranh chấp đất đai, tài sản liên quan đến quyền sử dụng đất xảy ra khi vợ chồng ly hôn. Tranh chấp có thể phát sinh giữa vợ và chồng, giữa một bên ly hôn với gia đình vợ hoặc chồng khi cha mẹ đòi lại đất đã cho con cái.

Căn cứ để giải quyết tranh chấp trong trường hợp này bao gồm:

  • Hợp đồng thừa kế, tặng, cho quyền sử dụng đất;
  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
  • Văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực pháp luật;
  • Văn bản thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.

Căn cứ giải quyết tranh chấp đất đai trong trường hợp tranh chấp quyền thừa kế sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất

Trường hợp này là dạng tranh chấp về việc người có quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất chết mà không lập di chúc hoặc để lại di chúc không phù hợp với pháp luật, những người thừa kế không thỏa thuận được với nhau về việc phân chia tài sản hoặc không hiểu pháp luật dẫn đến tranh chấp.

Đây là trường hợp chia thừa kế theo pháp luật, những người thừa kế trong cùng hàng thừa kế sẽ được hưởng phần di sản như nhau. Việc phân chia quyền sử dụng đất cũng như vậy: dựa trên số người được nhận di sản thừa kế để phân chia quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thành các phần bằng nhau.

Căn cứ để phân chia quyền sử dụng đất trong trường hợp này bao gồm:

  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất;
  • Giấy chứng tử của người để lại di sản;
  • Căn cước công dân hoặc hộ chiếu, hộ khẩu của những người được thừa kế;
  • Giấy tờ chứng minh mối quan hệ của những người được thừa kế theo pháp luật với người chết.

Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai

Đối với trường hợp lựa chọn giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì thủ tục giải quyết được Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định như sau:

Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh

Bước 1: Người có đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai nộp đơn tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền.

Bước 2: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giao trách nhiệm cơ quan tham mưu giải quyết.

Bước 3: Cơ quan tham mưu có nhiệm vụ thẩm tra, xác minh vụ việc, tổ chức hòa giải giữa các bên tranh chấp, tổ chức cuộc họp các ban, ngành có liên quan để tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai (nếu cần thiết) và hoàn chỉnh hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp ban hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai. Hồ sơ giải quyết tranh chấp đất đai bao gồm:

  • Đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai;
  • Biên bản hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã; biên bản làm việc với các bên tranh chấp và người có liên quan; biên bản kiểm tra hiện trạng đất tranh chấp; biên bản cuộc họp các ban, ngành có liên quan để tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai đối với trường hợp hòa giải không thành; biên bản hòa giải trong quá trình giải quyết tranh chấp;
  • Trích lục bản đồ, hồ sơ địa chính qua các thời kỳ liên quan đến diện tích đất tranh chấp và các tài liệu làm chứng cứ, chứng minh trong quá trình giải quyết tranh chấp;
  • Báo cáo đề xuất và dự thảo quyết định giải quyết tranh chấp hoặc dự thảo quyết định công nhận hòa giải thành.

Bước 4: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết tranh chấp hoặc quyết định công nhận hòa giải thành, gửi cho các bên tranh chấp, các tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bước 1: Người có đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai gửi đơn đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bước 2: Sau khi nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phân công đơn vị có chức năng tham mưu giải quyết. Đơn vị được phân công giải quyết tiến hành thu thập, nghiên cứu hồ sơ; tổ chức hòa giải giữa các bên tranh chấp; trường hợp cần thiết trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định thành lập đoàn công tác để tiến hành thẩm tra, xác minh vụ việc tại địa phương; hoàn chỉnh hồ sơ trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai.

Bước 3: Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai hoặc quyết định công nhận hòa giải thành được gửi cho các bên tranh chấp, các tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai, tư vấn pháp luật đất đai xin vui lòng liên hệ đến Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!

Mục lục

Bài viết liên quan

Mục lục
Ẩn

    Dịch vụ tư vấn pháp luật đất đai

    Dịch vụ tư vấn pháp luật đất đai

    Văn bản pháp luật

    Văn bản pháp luật

    Tư vấn pháp luật

    Tư vấn luật

    LIÊN HỆ CÔNG TY LUẬT VIỆT AN

    Tư vấn doanh nghiệp: 09 79 05 77 68
    Tư vấn doanh nghiệp
    Tư vấn sở hữu trí tuệ: 0976 18 66 08
    Tư vấn sở hữu trí tuệ
    Tư vấn đầu tư: 09 13 380 750
    Tư vấn đầu tư

    TỔNG ĐÀI PHÍA BẮC

    Hotline: 09 61 37 18 18
    (Whatsapp, Zalo, Viber) hanoi@vietanlaw.vn Skype IconSkype Chat
    Tư vấn kế toán - thuế: 09 888 567 08
    Dịch vụ kế toán thuế
    Tư vấn giấy phép: 0966 83 66 08
    Tư vấn giấy phép
    Tư vấn hợp đồng: 0913 380 750
    Tư vấn hợp đồng

    TỔNG ĐÀI PHÍA NAM

    Hotline: 09 61 57 18 18

    (Whatsapp, Zalo, Viber)
    hcm@vietanlaw.vn
    Skype IconSkype Chat

    Liên hệ tư vấn
    Cảnh báo lừa đảo
    CẢNH BÁO MẠO DANH CÔNG TY LUẬT VIỆT AN LỪA ĐẢO