Dịch vụ tư vấn sau thành lập công ty tại Campuchia
Sau khi công ty được thành lập tại Campuchia, doanh nghiệp cần tiến hành một loạt các thủ tục pháp lý sau thành lập để đảm bảo hoạt động kinh doanh diễn ra suôn sẻ, tuân thủ pháp luật và cũng là tiền đề để phát triển công ty. Quá trình này không chỉ đơn thuần là hoàn tất các giấy tờ hành chính mà còn là bước đệm quan trọng để doanh nghiệp hội nhập hiệu quả vào môi trường kinh doanh tại Campuchia. Luật Việt An xin hướng dẫn quý khách hàng một số thủ tục sau thành lập công ty tại Campuchia qua bài viết dưới đây.
Định dạng: Con dấu công ty phải tuân theo định dạng được quy định bởi Bộ Thương mại (MOC). Thông thường, con dấu có hình tròn, chứa tên công ty bằng tiếng Khmer và tiếng Anh, cùng với logo (nếu có).
Đăng ký: Sau khi đăng ký thành lập công ty, doanh nghiệp phải làm con dấu tại một nhà sản xuất con dấu được cấp phép và sau đó đăng ký con dấu này với Bộ Thương mại.
Thủ tục làm và đăng ký con dấu
Lựa chọn nhà sản xuất con dấu: Doanh nghiệp cần lựa chọn một nhà sản xuất con dấu uy tín và được cấp phép hoạt động.
Thiết kế con dấu: Con dấu cần được thiết kế theo đúng định dạng quy định của Bộ Thương mại.
Làm con dấu: Nhà sản xuất sẽ tiến hành làm con dấu theo thiết kế đã được duyệt.
Đăng ký con dấu: Doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký con dấu tại Bộ Thương mại. Hồ sơ thường bao gồm:
Đơn đăng ký con dấu (theo mẫu).
Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Mẫu con dấu.
Các giấy tờ liên quan khác (nếu có).
Nhận giấy chứng nhận đăng ký con dấu: Sau khi hồ sơ được duyệt, Bộ Thương mại sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký con dấu cho doanh nghiệp.
Đăng ký thuế sau thành lập công ty tại Campuchia
Đăng ký thuế là một bước quan trọng không thể thiếu đối với bất kỳ doanh nghiệp nào hoạt động tại Campuchia. Cơ quan quản lý thuế tại Campuchia sẽ là Tổng cục Thuế (General Department of Taxation – GDT).
Các loại thuế chính mà một doanh nghiệp sẽ phải kê khai bao gồm
Thuế Thu nhập Doanh nghiệp (Corporate Income Tax – CIT)
Thuế Giá trị Gia tăng (Value Added Tax – VAT)
Thuế Thu nhập Cá nhân (Personal Income Tax – PIT)
Thuế Tài sản (Property Tax)
Quy trình đăng ký thuế
Để đăng ký thuế tại Campuchia, doanh nghiệp cần thực hiện các bước sau:
Truy cập trang web đăng ký: Doanh nghiệp cần truy cập trang web dịch vụ đăng ký của Tổng cục Thuế để lấy mẫu đơn đăng ký và tìm hiểu thông tin chi tiết về quy trình qua đường dẫn sau: https://www.tax.gov.kh/en/
Hoàn thành đơn đăng ký: Doanh nghiệp cần điền đầy đủ và chính xác thông tin vào đơn đăng ký.
Chuẩn bị hồ sơ: Hồ sơ đăng ký thuế thường bao gồm các giấy tờ sau:
Đơn đăng ký thuế (theo mẫu).
Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Bằng chứng nộp thuế tài sản hoặc thông tin tài sản của doanh nghiệp.
Thông tin tài khoản ngân hàng (phải được cung cấp ở dạng kỹ thuật số trong vòng 15 ngày làm việc sau khi đăng ký thuế).
Các giấy tờ liên quan khác (nếu có).
Nộp hồ sơ: Doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký thuế tại Tổng cục Thuế hoặc thông qua hình thức trực tuyến.
Nhận giấy chứng nhận đăng ký thuế: Sau khi hồ sơ được duyệt, Tổng cục Thuế sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế cho doanh nghiệp.
Mở tài khoản ngân hàng doanh nghiệp sau khi thành lập công ty tại Campuchia
Việc mở tài khoản ngân hàng doanh nghiệp là một bước bắt buộc sau khi thành lập công ty tại Campuchia. Công ty cần mở tài khoản ngân hàng và nộp vốn điều lệ vào tài khoản này. Trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty phải nộp sao kê ngân hàng chứng minh việc đã nộp vốn cho hệ thống đăng ký trực tuyến. Dưới đây là một số ngân hàng hoạt động tại Campuchia:
ACLEDA Bank
Canadia Bank
Foreign Trade Bank of Cambodia (FTB)
Union Commercial Bank (UCB)
ANZ Royal
Vattanac Bank
Maybank Cambodia
Advanced Bank of Asia Limited (ABA Bank)
Thông báo cho Bộ Lao động và Đào tạo nghề
Trước khi chính thức đi vào hoạt động, tất cả các công ty đều phải gửi văn bản thông báo đến Bộ Lao động và Đào tạo nghề.
Đối với các công ty có từ tám nhân viên trở lên, việc xây dựng nội quy lao động là bắt buộc. Nội quy này cần tuân thủ các quy định chung của luật lao động, bao gồm các nội dung về tuyển dụng, trả lương, phúc lợi, thời giờ làm việc, các biện pháp an toàn vệ sinh lao động và chế độ nghỉ phép. Nội quy lao động này phải được nộp cho Bộ trong vòng ba tháng kể từ ngày công ty được thành lập.
Đăng ký Quỹ Bảo hiểm xã hội quốc gia (NSSF)
Việc đăng ký Quỹ Bảo hiểm Xã hội Quốc gia (NSSF) là bắt buộc đối với tất cả các chủ lao động có ít nhất một nhân viên tại Campuchia. NSSF là đơn vị cung cấp các loại bảo hiểm xã hội, bao gồm bảo hiểm tai nạn lao động, bảo hiểm y tế và bảo hiểm hưu trí, nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết về quy trình đăng ký NSSF:
Danh mục tài liệu các giấy tờ cần chuẩn bị để đăng ký NSSF
Mẫu “Đăng ký Doanh nghiệp”: Mẫu này cung cấp thông tin về doanh nghiệp, bao gồm tên công ty, địa chỉ, loại hình kinh doanh, thông tin người đại diện pháp luật, v.v.
Mẫu “Đăng ký Nhân viên”: Mẫu này cung cấp thông tin về từng nhân viên, bao gồm họ tên, ngày sinh, giới tính, quốc tịch, vị trí công việc, mức lương, v.v.
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (hoặc giấy phép kinh doanh): Bản sao công chứng.
Giấy chứng nhận nộp thuế môn bài (nếu có): Bản sao công chứng.
Danh sách nhân viên: Danh sách này cần liệt kê đầy đủ thông tin của tất cả nhân viên đang làm việc tại công ty.
Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người đại diện pháp luật của công ty: Bản sao công chứng.
Đóng góp NSSF hàng tháng
Sau khi hoàn tất đăng ký, chủ lao động có nghĩa vụ nộp tiền đóng góp NSSF hàng tháng cho từng nhân viên. Mức đóng góp được tính dựa trên mức lương của nhân viên và tỷ lệ do NSSF quy định. Việc nộp tiền đóng góp phải được thực hiện chậm nhất là vào ngày 15 của tháng đó.