Hiện nay, nhu cầu xây dựng ngày càng phát triển. Khi một doanh nghiệp tiến hành xây dựng công trình nhất định thì phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng về công trình đó. Sau đây, Luật Việt An sẽ cung cấp những thông tin liên quan đến dịch vụ xin giấy phép xây dựng cho doanh nghiệp ở Việt Nam theo quy định pháp luật hiện hành.
Cơ sở pháp lý
Luật Xây dựng năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2016, 2018, 2019, 2020;
Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 35/2023/NĐ-CP;
Thông tư số 06/2021/TT-BXD quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng;
Thông tư 85/2019/TT-BTC hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 106/2021/TT-BTC.
Giấy phép xây dựng là gì?
Theo Khoản 17 Điều 3 Luật Xây dựng, giấy phép xây dựng là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình.
Giấy phép xây dựng gồm:
Giấy phép xây dựng mới;
Giấy phép sửa chữa, cải tạo;
Giấy phép di dời công trình;
Giấy phép xây dựng có thời hạn: là giấy phép xây dựng cấp cho xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ được sử dụng trong thời hạn nhất định theo kế hoạch thực hiện quy hoạch xây dựng.
Khi nào doanh nghiệp cần xin giấy phép xây dựng
Theo Khoản 1 Điều 89 Luật Xây dựng, công trình xây dựng phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư, trừ các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng quy định tại Khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng.
Các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng như:
Công trình xây dựng tạm;
Công trình quảng cáo không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về quảng cáo;
Công trình xây dựng nằm trên địa bàn hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên, công trình xây dựng theo tuyến ngoài đô thị phù hợp với quy hoạch xây dựng;
Nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 07 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Hiện nay, điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với các trường hợp cụ thể được quy định tại các Điều 91, 92, 93 và Điều 94 của Luật Xây dựng.
Thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng
Theo Điều 103 Luật Xây dựng, thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng bao gồm:
Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp III, cấp IV và nhà ở riêng lẻ trên địa bàn quản lý.
UBND cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với công trình thuộc đối tượng có yêu cầu phải cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh, trừ công trình quy định thuộc thẩm quyền của UBND huyện. UBND cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền cho Sở Xây dựng, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép xây dựng thuộc chức năng và phạm vi quản lý của cơ quan này.
Lưu ý, hiện nay phân cấp công trình xây dựng cấp I, cấp II được quy định cụ thể tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 06/2021/TT-BXD.
Hồ sơ xin giấy phép xây dựng
Tùy từng loại hình công trình xây dựng mà pháp luật quy định hồ sơ xin giấy phép xây dựng khác nhau, cụ thể:
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng mới theo quy định tại Điều 95 Luật Xây dựng và Điều 43 Nghị định 15/2021/NĐ-CP;
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp sửa chữa, cải tạo công trình theo quy định tại Điều 96 Luật Xây dựng và Điều 47 Nghị định 15/2021/NĐ-CP;
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp di dời công trình theo quy định tại Điều 96 Luật Xây dựng và Điều 48 Nghị định 15/2021/NĐ-CP;
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo giai đoạn theo quy định tại Điều 44 Nghị định 15/2021/NĐ-CP;
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng cho dự án, nhóm công trình thuộc dự án theo quy định tại Điều 44 Nghị định 15/2021/NĐ-CP;
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ theo quy định tại Điều 46 Nghị định 15/2021/NĐ-CP.
Một số lưu ý về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng:
Các văn bản, giấy tờ, bản vẽ thiết kế trong hồ sơ đề nghị cấp phép xây dựng là bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử.
Khi nộp hồ sơ dưới dạng bản sao điện tử, chủ đầu tư chỉ cần nộp 01 bộ hồ sơ bản vẽ thiết kế xây dựng.
Thủ tục thực hiện xin cấp giấy phép xây dựng
Bước 1: Nộp hồ sơ
Chủ đầu tư nộp 02 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng, điều chỉnh giấy phép xây dựng cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng.
Hồ sơ đề nghị cấp phép xây dựng được gửi trực tiếp đến cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoặc thông qua cổng dịch vụ công trực tuyến theo quy định.
Bước 2: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ
Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp đề nghị cấp giấy phép xây dựng; kiểm tra hồ sơ; ghi giấy biên nhận đối với trường hợp hồ sơ đáp ứng theo quy định hoặc hướng dẫn để chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ đối với trường hợp hồ sơ không đáp ứng theo quy định.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải tổ chức thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực địa.
Khi thẩm định hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải xác định tài liệu còn thiếu, tài liệu không đúng theo quy định hoặc không đúng với thực tế để thông báo một lần bằng văn bản cho chủ đầu tư bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.
Trường hợp hồ sơ bổ sung chưa đáp ứng được yêu cầu theo văn bản thông báo thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo bằng văn bản hướng dẫn cho chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện hồ sơ.
Chủ đầu tư có trách nhiệm bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo văn bản thông báo. Trường hợp việc bổ sung hồ sơ vẫn không đáp ứng được các nội dung theo thông báo thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo đến chủ đầu tư về lý do không cấp giấy phép;
Bước 3: Cấp giấy phép xây dựng
Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải xem xét hồ sơ để cấp giấy phép trong thời gian 20 ngày đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng công trình, bao gồm cả giấy phép xây dựng có thời hạn, giấy phép xây dựng điều chỉnh, giấy phép di dời và trong thời gian 15 ngày đối với nhà ở riêng lẻ.
Trường hợp đến thời hạn cấp giấy phép nhưng cần phải xem xét thêm thì cơ quan cấp giấy phép xây dựng phải thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư biết lý do, đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý trực tiếp xem xét và chỉ đạo thực hiện, nhưng không được quá 10 ngày kể từ ngày hết hạn theo quy định.
Lệ phí cấp giấy phép xây dựng
Theo Thông tư 85/2019/TT-BTC, được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 106/2021/TT-BTC thì lệ phí cấp giấy phép xây dựng thuộc khoản lệ phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Như vậy, từng tỉnh, thành phố mà Hội đồng nhân dân cấp tính sẽ có quy định khác nhau về lệ phí này.
Lệ phí ở Hà Nội
Hiện nay, lệ phí cấp giấy phép xây dựng ở thành phố Hà Nội được quy định tại Nghị quyết 06/2020/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị quyết 13/2021/NQ-HĐND. Cụ thể:
TT
Nội dung thu
Mức thu lệ phí
1
Cấp mới đối với nhà ở riêng lẻ của nhân dân (thuộc đối tượng phải có giấy phép)
75.000
2
Cấp mới đối với công trình khác
150.000
3
Gia hạn giấy phép xây dựng
15.000
Lệ phí ở Hồ Chí Minh
Hiện nay, lệ phí cấp giấy phép xây dựng ở thành phố Hồ Chí Minh được quy định tại Nghị quyết 18/2017/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể:
Cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ: 75.000 đồng/giấy phép;
Cấp giấy phép xây dựng các công trình khác: 150.000 đồng/giấy phép.
Dịch vụ xin giấy phép xây dựng của Luật Việt An
Tư vấn pháp luật về hồ sơ, thủ tục, điều kiện xin giấy phép xây dựng cho doanh nghiệp;
Hỗ trợ soạn thảo văn bản, thu thập tài liệu, tổng hợp hồ sơ xin giấy phép theo quy định;
Đại diện cho khách hàng tiến hành thủ tục tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, giải quyết phúc đáp trong quá trình thực hiện thủ tục;
Tư vấn pháp lý thường xuyên cho doanh nghiệp sau khi được cấp giấy phép xây dựng.
Qúy khách hàng có thắc mắc liên quan hay có nhu cầu hỗ trợ dịch vụ xin giấy phép xây dựng cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.