Hiện nay, bên cạnh các bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa thì bệnh viện răng hàm mặt ngày càng được phát triển. Để được thành lập và hoạt động hợp pháp, bệnh viện răng hàm mặt cần đáp ứng những điều kiện theo quy định pháp luật. Sau đây, Luật Việt An sẽ phân tích điều kiện thành lập bệnh viện răng hàm mặt.
Thông tư số 59/2023/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực y tế.
Bệnh viện răng hàm mặt là gì?
Theo Điều 39 của Nghị định 96/2023/NĐ-CP, cùng với bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện y học cổ truyền thì bệnh viện răng hàm mặt là một trong những hình thức tổ chức của loại hình bệnh viện.
Bệnh viện răng hàm mặt có chức năng khám và điều trị các bệnh lý về răng hàm mặt như điều trị răng, tẩy trắng răng, cấy ghép, phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ hàm mặt,…
Theo Đièu 49 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, để được hoạt động, bệnh viện răng hàm mặt phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động và phải bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng cơ bản quy định tại điểm a khoản 1 Điều 57 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 trong quá trình hoạt động.
Điều kiện về tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài
Theo Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO, dịch vụ bệnh viện thuộc CPC 9311. Nhà đầu tư nước ngoài cần phải đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường sau:
Nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được cung cấp dịch vụ thông qua thành lập bệnh viện 100% vốn đầu tư nước ngoài, liên doanh với đối tác Việt Nam hoặc thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Vốn đầu tư tối thiểu cho một bệnh viện là 20 triệu đô la Mỹ, bệnh xá đa khoa (policlinic) là 2 triệu đô la Mỹ và cơ sở điều trị chuyên khoa là 200 nghìn đô la Mỹ.
Điều kiện liên quan đến người hành nghề
Để được hành nghề răng hàm mặt, cá nhân cần đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Mục 1 Chương III Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, cụ thể:
Có giấy phép hành nghề đang còn hiệu lực;
Đã đăng ký hành nghề
Đáp ứng yêu cầu về sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 21 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023;
Có đủ sức khỏe để hành nghề theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
Không thuộc trường hợp bị cấm hành nghề theo quy định tại Điều 20 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.
Lưu ý, những đối tượng sau cần phải có Giấy phép hành nghề: Bác sỹ, Y sỹ, Điều dưỡng, Hộ sinh, Kỹ thuật y, Dinh dưỡng lâm sàng, Cấp cứu viên ngoại viện, Tâm lý lâm sàng, Lương y.
Điều kiện để được cấp Giấy phép hoạt động
Để được cấp Giấy phép hoạt động, bệnh viện răng hàm mặt phải đáp ứng những điều kiện chung đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và những điều kiện cụ thể đối với bệnh viện theo quy định tại Điều 40, Điều 41 Nghị định 96/2023/NĐ-CP, cụ thể:
Điều kiện về quy mô
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có quy mô phù hợp với từng hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Theo điểm a Khoản 1 Điều 41 Nghị định 96/2023/NĐ-CP, bệnh viện răng hàm mặt phải đảm bảo tối thiểu 20 giường bệnh.
Điều kiện về cơ sở vật chất
Có địa điểm cố định đáp ứng các quy định của pháp luật về: an toàn chịu lực, phòng cháy và chữa cháy, kiểm soát nhiễm khuẩn, bảo vệ môi trường, an toàn bức xạ (nếu có); bảo đảm đủ điện, nước phục vụ hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
Có biển hiệu, có sơ đồ và biển chỉ dẫn đến các khoa, phòng, bộ phận chuyên môn, hành chính;
Bố trí các bộ phận chuyên môn phù hợp chức năng của từng bộ phận, thuận tiện cho việc khám bệnh, chữa bệnh;
Đáp ứng các yêu cầu về xây dựng theo quy định của pháp luật, trong đó: bảo đảm diện tích sàn xây dựng tối thiểu 50 m2/giường bệnh; chiều rộng mặt trước (mặt tiền) bệnh viện phải đạt tối thiểu 10 m, bảo đảm lối đi cho xe cứu thương ra vào khu vực cấp cứu.
Điều kiện về thiết bị y tế và phương tiện vận chuyển
Bệnh viện răng hàm mặt phải có thiết bị y tế phù hợp với danh mục chuyên môn kỹ thuật và phạm vi hoạt động đăng ký. Có hộp cấp cứu phản vệ và đủ thuốc cấp cứu chuyên khoa phù hợp với các chuyên khoa thuộc phạm vi hoạt động chuyên môn.
Có phương tiện vận chuyển cấp cứu trong và ngoài bệnh viện. Trường hợp không có phương tiện cấp cứu ngoài bệnh viện, phải có hợp đồng với cơ sở trên địa bàn có chức năng cung cấp dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh.
Điều kiện về nhân sự
Có đủ người hành nghề theo quy mô, danh mục kỹ thuật và đạt tỷ lệ người hành nghề theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
Số lượng người hành nghề toàn thời gian trong từng khoa phải đạt tỷ lệ tối thiểu 70% trên tổng số người hành nghề trong khoa;
Trưởng các bộ phận chuyên môn của bệnh viện phải là người hành nghề toàn thời gian của bệnh viện và có giấy phép hành nghề phù hợp với chuyên khoa của bộ phận chuyên môn được giao phụ trách, có thời gian hành nghề về chuyên khoa đó tối thiểu 36 tháng. Trường hợp người hành nghề là giảng viên của cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe đồng thời làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là cơ sở thực hành của cơ sở đào tạo đó thì được kiêm nhiệm lãnh đạo khoa của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
Bệnh viện phải thực hiện điều trị nội trú, tổ chức trực chuyên môn 24/24 giờ của tất cả các ngày;
Lưu ý, các đối tượng khác tham gia vào quá trình khám bệnh, chữa bệnh nhưng không cần phải cấp giấy phép hành nghề (kỹ sư vật lý y học, kỹ sư xạ trị, kỹ sư công nghệ sinh học, cử nhân công nghệ sinh học và các đối tượng khác, sau đây gọi là người làm việc) được phép thực hiện các hoạt động chuyên môn theo phân công của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, việc phân công phải phù hợp với văn bằng chuyên môn và khả năng của người đó;
Điều kiện về tổ chức
Cơ cấu tổ chức của bênh viện răng hàm mặt phải bao gồm:
Ban lãnh đạo, quản lý bệnh viện.
Các bộ phận chuyên môn.
Các phòng, bộ phận để thực hiện các chức năng về kế hoạch tổng hợp, tổ chức nhân sự, quản lý chất lượng, điều dưỡng, tài chính kế toán, công nghệ thông tin, thiết bị y tế và các chức năng cần thiết khác.
Bệnh viện được tổ chức theo các bộ phận chuyên môn về khám bệnh, lâm sàng, cận lâm sàng, khoa dược và phụ trợ.
Lưu ý, đối với khoa lâm sàng, phải có tối thiểu một khoa lâm sàng phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn đối với bệnh viện răng hàm mặt.
Một số câu hỏi liên quan
Có cần tiến hành thành lập công ty kinh doanh dịch vụ bệnh viện răng hàm mặt không?
Theo Điều 60 của Nghị định 96/2023/NĐ-CP, một trong những giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động đối với bệnh viện răng hàm mặt là bản sao hợp lệ quyết định thành lập hoặc văn bản có tên của bệnh viện đa khoa của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với bệnh viện đa khoa của Nhà nước hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với bệnh viện đa khoa tư nhân hoặc giấy chứng nhận đầu tư đối với bệnh viện đa khoa có vốn đầu tư nước ngoài.
Như vậy, nếu bệnh viện răng hàm mặt do tư nhân thành lập, cần tiến hành thành lập doanh nghiệp để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và cần lưu ý những điều kiện thành lập doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Bệnh viện răng hàm mặt có phải tổ chức trực 24/24 giờ không?
Theo Nghị định 96/2023/NĐ-CP, bệnh viên răng hàm mặt cũng như các hình thức bệnh viện khác phải thực hiện điều trị nội trú, tổ chức trực chuyên môn 24/24 giờ của tất cả các ngày. Đây là quy định mới so với quy định tại Nghị định 155/2018/NĐ-CP.
Lệ phí cấp Giấy phép hoạt động bệnh viện răng hàm mặt là bao nhiêu?
Theo Thông tư 59/2023/TT-BTC thì lệ phí thẩm định Giấy phép hoạt động bệnh viện là 10.500.000 đồng.
Dịch vụ của Luật Việt An liên quan đến thành lập bệnh viện
Tư vấn pháp luật về các điều kiện, thủ tục thành lập bệnh viện;
Hướng dẫn trình tự, thủ tục thành lập bệnh viện;
Soạn thảo văn bản, tổng hợp hồ sơ thành lập;
Đại diện khách hàng tiến hành thủ tục tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tư vấn những vấn đề pháp lý sau khi được thành lập.
Quý khách hàng có nhu cầu hỗ trợ pháp lý về thành lập bệnh viện răng hàm mặt cũng như các cơ sở khám chữa bệnh khác, xin vui lòng liên hệ dịch vụ tư vấn của Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!