Khu công nghệ cao là khu kinh tế – kỹ thuật đa chức năng, có ranh giới xác định, do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, nhằm nghiên cứu – phát triển và ứng dụng công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao và sản xuất, kinh doanh sản phẩm công nghệ cao. Trong Khu công nghệ cao có thể có khu chế xuất, kho ngoại quan, khu bảo thuế và khu nhà ở. Theo quy định Luật Công nghệ cao 2008 và Quyết định 27/2006/QĐ- BKHCN thì dự án đầu tư vào khu công nghệ cao cần đáp ứng những tiêu chuẩn sau:
Lĩnh vực hoạt động của dự án phải thuộc các lĩnh vực công nghệ cao được khuyến khích đầu tư theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 99/2003/NĐ-CP ngày 28/8/2003 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế Khu Công nghệ cao, bao gồm:
Công nghệ thông tin, truyền thông và công nghệ phần mềm tin học;
Công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, thủy sản và y tế;
Công nghệ vi điện tử, cơ khí chính xác, cơ – điện tử, quang – điện tử và tự động hóa;
Công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano;
Công nghệ môi trường, công nghệ năng lượng mới;
Một số công nghệ đặc biệt khác.
Sản phẩm của dự án được sản xuất tại Khu công nghệ cao phải thuộc Danh mục các sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích đầu tư sản xuất do Ban quản lý Khu công nghệ cao công bố.
Chi cho nghiên cứu – phát triển của dự án
Tổng chi cho nghiên cứu – phát triển được thực hiện tại Việt Nam chiếm tỷ lệ không dưới 5% tổng doanh thu hàng năm hoặc chi hoạt động nghiên cứu – phát triển thực hiện tại Việt Nam chiếm tỷ lệ không dưới 1% tổng doanh thu hàng năm.
Nội dung chi nghiên cứu – phát triển và nội dung chi hoạt động nghiên cứu – phát triển được quy định tại Phụ lục 1 kèm theo.
Số lao động có bằng đại học trở lên trực tiếp tham gia nghiên cứu – phát triển của dự án phải đạt ít nhất 5% tổng số lao động của dự án.
Dây chuyền công nghệ của dự án phải đạt trình độ tiên tiến, đảm bảo các yêu cầu sau: sản xuất trên dây chuyền được chuyên môn hóa và tổ chức theo phương pháp tự động hóa, trong đó có ít nhất 1/3 (một phần ba) số lượng thiết bị tự động được điều khiển theo chương trình; được bố trí trong không gian làm việc đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh công nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Hệ thống quản lý chất lượng của dự án phải đạt các tiêu chuẩn quốc tế chuyên ngành (ví dụ như ISO 9000/2001, CMM hoặc GMP, v.v.); phải áp dụng hệ thống quản lý doanh nghiệp bằng máy tính.
Dự án phải tuân thủ các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trong lĩnh vực hoạt động của dự án theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khuyến khích dự án đạt được các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường như ISO 14000 hoặc tiêu chuẩn tương đương.
Danh mục lĩnh vực và sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên phát triển được quy định chi tiết tại Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg ngày 25/11/2014 của Thủ tướng. Đối với các công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao không nằm trong Danh mục ban hành kèm theo Quyết định này nhưng thuộc trường hợp cấp thiết phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội thì Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối họp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.