Giấy phép lao động đối với người nước ngoài có vợ, chồng người Việt
Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải xin giấy phép này. Vậy người nước ngoài có vợ, chồng người Việt có phải xin giấy phép lao động không? Trong bài viết sau đây, Luật Việt An sẽ tư vấn về giấy phép lao động đối với người nước ngoài có vợ, chồng người Việt theo quy định pháp luật lao động hiện hành.
Người nước ngoài có vợ, chồng người Việt có phải xin giấy phép lao động không?
Theo Khoản 8 Điều 154 Bộ luật Lao động năm 2019, người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam và sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam thuộc trường hợp người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
Như vậy, người nước ngoài có vợ, chồng người Việt thuộc trường hợp được miễn xin Giấy phép lao động. Tuy nhiên, để được miễn giấy phép này, cần phải đáp ứng hai điều kiện sau:
Người nước ngoài kết hôn hợp pháp với người Việt Nam: thể hiện qua Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.
Người nước ngoài phải sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.
Phải tiến hành thủ tục xin xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định hiện hành.
Thủ tục xin xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định hiện hành
Theo quy định hiện hành năm 2024, thì người sử dụng lao động sử dụng lao động nước ngoài có vợ chồng người Việt cần tiến hành thủ tục xin xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động trước ít nhất 10 ngày, kể từ ngày người lao động nước ngoài bắt đầu làm việc.
Đây là quy định mới tại Nghị định 70/2023/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung Khoản 2 Điều 8 Nghị định 152/2020/NĐ-CP. Cụ thể có một số điểm khác như sau:
Trường hợp nào cần xin xác nhận ở Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội?
Căn cứ điểm a Khoản 1 Điều 30 Nghị định 152/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung Nghị định 70/2023/NĐ-CP, trường hợp xin xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động tại Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, bao gồm:
Làm việc cho người sử dụng lao động là các tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cho phép thành lập, bao gồm:
Văn phòng đại diện, chi nhánh của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập;
Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp;
Tổ chức sự nghiệp, cơ sở giáo dục được thành lập theo quy định của pháp luật;
Làm việc cho một người sử dụng lao động tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Như vậy, loại trừ các trường hợp trên thuộc trách nhiệm thi hành của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, thủ tục xác nhận không thuộc diện cấp Giấy phép lao động sẽ được thực hiện tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người lao động làm việc.
Phí lệ phí xin xác nhận không thuộc diện cấp Giấy phép lao động
Hiện nay, người lao động nước ngoài không cần nộp lệ phí khi yêu cầu thực hiện thủ tục xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
Các bước xin xác nhận không thuộc diện cấp Giấy phép lao động
Theo Điều 8 Nghị định 152/2020/NĐ-CP, thủ tục xin xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động được khái quát như sau:
Người nước ngoài có vợ, chồng người Việt đã tiến hành thủ tục báo cáo trước đó thì xử lý như thế nào?
Quy định mới tại Nghị định 70/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 18 tháng 9 năm 2023. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, người nước ngoài có vợ, chồng người Việt chỉ thực hiện nghĩa vụ báo cáo theo quy định cũ tại Nghị định 152/2020/NĐ-CP.
Trong trường hợp này, theo quy định điều khoản chuyển tiếp tại Điều 3 Nghị định 70/2023/NĐ-CP, người nước ngoài có vợ, chồng người Việt đã tiến hành thủ tục báo cáo với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh trước ngày Nghị định 70/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (tức trước ngày 18/09/2023) thì áp dụng theo quy định tại Nghị định số 152/2020/NĐ-CP.
Như vậy, chỉ trong trường hợp người nước ngoài có vợ, chồng người Việt sau ngày 18/09/2023 mới phải tiến hành thủ tục xin xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
Giấy tờ cần chuẩn bị đối với người lao động có vợ chồng người Việt
Giấy tờ người lao động nước ngoài kết hôn ở Việt Nam cần chuẩn bị để xin cấp giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động bao gồm:
Giấy chứng nhận sức khỏe hoặc giấy khám sức khỏe do cơ quan, tổ chức y tế có thẩm quyền của nước ngoài hoặc của Việt Nam cấp có giá trị trong thời hạn 12 tháng.
Bản sao có chứng thực hộ chiếu còn giá trị.
Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.
Giấy tờ thông tin đơn vị sử dụng lao động nước ngoài: giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép đầu tư, giấy phép kinh doanh,…
Một số câu hỏi liên quan về giấy phép lao động
Trường hợp nào được miễn xin Giấy phép lao động và cũng không phải tiến hành thủ tục xin xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động?
Đó là hai trường hợp tại Khoản 4 và Khoản 6 Điều 154 Bộ luật Lao động 2019:
Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để thực hiện chào bán dịch vụ.
Là luật sư nước ngoài đã được cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của Luật Luật sư.
Tuy nhiên, hai trường hợp này cần phải báo cáo với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc thông tin: họ và tên, tuổi, quốc tịch, số hộ chiếu, tên người sử dụng lao động nước ngoài, ngày bắt đầu và ngày kết thúc làm việc.
Thời hạn xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động tối đa là bao lâu?
Thời hạn xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động tối đa là 02 năm và theo thời hạn của một trong các trường hợp quy định tại Điều 10 Nghị định 152/2020/NĐ-CP.
Trường hợp cấp lại xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động thì thời hạn tối đa là 02 năm.
Người sử dụng lao động có phải báo cáo định kỳ về việc sử dụng lao động nước ngoài không?
Có. Trước ngày 05 tháng 7 và ngày 05 tháng 01 của năm sau, người sử dụng lao động nước ngoài báo cáo 6 tháng đầu năm và hằng năm về tình hình sử dụng người lao động nước ngoài.
Thời gian chốt số liệu báo cáo 6 tháng đầu năm được tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 6 của kỳ báo cáo, thời gian chốt số liệu báo hằng năm tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 12 của kỳ báo cáo.
Dịch vụ tư vấn pháp lý về giấy phép lao động của Luật Việt An
Tư vấn các điều kiện cấp Giấy phép lao động;
Tư vấn hồ sơ, thủ tục xin Giấy phép lao động tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
Tư vấn hồ sơ thủ tục xin xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động;
Dịch vụ gia hạn, cấp lại giấy phép lao động;
Tư vấn cho doanh nghiệp về báo cáo tình hình sử dụng lao động nước ngoài;
Đại diện cho khách hàng bảo vệ quyền lợi giải quyết tranh chấp lao động;
Tư vấn pháp lý lao động thường xuyên cho doanh nghiệp.
Trên đây là tư vấn của Luật Việt An về Giấy phép lao động đối với người nước ngoài có vợ, chồng người Việt. Quý khách hàng có thắc mắc hay có nhu cầu tư vấn các dịch vụ pháp lý liên quan đến giấy phép lao động, xin vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!