Quy định về thủ tục đăng ký tài sản gắn liền với đất vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Đất đai, nhà ở và tài sản trên đất là những tài sản có giá trị lớn, do vậy việc đăng ký những tài sản này tại cơ quan thẩm quyền có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc chứng minh người có quyền sở hữu tài sản, người có quyền sử dụng tài sản. Để hiểu hơn về thủ tục đăng ký tài sản trên đất, Luật Việt An gửi đến Quý khách nội dung pháp lý sau đây.
Chế định về đăng ký tài sản gắn liền với đất
Tài sản trên đất là một thuật ngữ dùng để chỉ những đối tượng tài sản mà con người xây dựng hoặc hình thành trên đất, thường liên quan đến bất động sản. Theo đó, thuật ngữ này đã được Luật Đất đai 2013 luật hóa một cách chính xác hơn với khái niệm “tài sản gắn liền với đất”.
Theo khoản 15 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định đăng ký đất đai, nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất là việc kê khai và ghi nhận tình trạng pháp lý về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và quyền quản lý đất đối với một thửa đất vào hồ sơ địa chính.
Căn cứ khoản 15 Điều 3 Luật Đất đai 2024 quy định đăng ký tài sản gắn liền với đất là việc người sử dụng đất, người sở hữu tài sản gắn liền với đất, người được giao quản lý đất kê khai quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được ghi nhận theo quy định của Luật Đất đai.
Như vậy, về cơ bản bản chất của việc đăng ký tài sản trên đất là kê khai quyền sử dụng đất, sở hữu tài sản gắn liền với đất tại cơ quan có thẩm quyền.
Điều kiện để đăng ký tài sản gắn liền với đất vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Theo quy định Điều 99, Điều 100, Điều 101, Điều 102 Luật Đất đai 2013 thì tài sản gắn liền với đất có đủ điều kiện thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi là Giấy chứng nhận). Các điều kiện để người sử dụng đất được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất bao gồm:
Điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Luật Đất đai năm 2024 vẫn giữ nguyên quy định tại Luật Đất đai 2013, tuy nhiên các điều kiện này sẽ nằm rải rác trong các Điều 137, 138, 140, 142, 143, 144, 145, 146, 147, 148, 149, 150 Luật Đất đai 2024.
Trường hợp được đăng ký tài sản gắn liền với đất vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Theo khoản 3 Điều 95 Luật Đất đai 2013, việc đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản gắn liền với đất được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
Thửa đất được giao, cho thuê để sử dụng;
Thửa đất đang sử dụng mà chưa đăng ký;
Thửa đất được giao để quản lý mà chưa đăng ký;
Nhà ở và tài sản gắn liền với đất chưa đăng ký.
Hồ sơ thực hiện đăng ký tài sản gắn liền với đất vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Theo khoản 1 Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 14/2023/TT-BTNMT thì hồ sơ đăng ký tài sản trên đất bao gồm:
Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mẫu số 04a/ĐK ban hành kèm theo Thông tư 24/2014/TT-BTNMT dưới đây:
Một trong các giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP:
Đối với tài sản là nhà ở: có giấy tờ chứng minh việc tạo lập hợp pháp về nhà ở.
Đối với công trình xây dựng thì phải có một trong các giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng. Nếu không có giấy tờ hoặc được miễn giấy phép xây dựng thì chủ sở hữu nộp hồ sơ thiết kế xây dựng của công trình đó theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Đối với tài sản là rừng trồng/cây lâu năm thì phải có giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu rừng trồng/cây lâu năm.
Sơ đồ về tài sản gắn liền với đất (trừ trường hợp trong giấy tờ về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đã có sơ đồ tài sản phù hợp với hiện trạng);
Sổ đỏ đã cấp
Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về tài sản gắn liền với đất (nếu có);
Văn bản chấp thuận của người sử dụng đất đồng ý cho xây dựng công trình đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật và bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp chủ sở hữu công trình không đồng thời là người sử dụng đất.
Thủ tục đăng ký tài sản gắn liền với đất vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Bước 1: Nộp hồ sơ
Người có yêu cầu đăng ký tài sản trên đất có thể nộp hồ sơ tại một trong các cơ quan sau:
Nộp trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Uỷ ban nhân dân cấp quận/huyện;
Nộp tại Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện;
Ngoài ra, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có thể nộp hồ sơ ở UBND cấp xã nếu có nhu cầu.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ ghi đầy đủ thông tin người thực hiện thủ tục vào sổ tiếp nhận, đồng thời trao phiếu tiếp nhận và hẹn trả kết quả cho người nộp hồ sơ.
Trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian tối đa 03 ngày, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh theo quy định của pháp luật.
Bước 3: Giải quyết yêu cầu
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ văn phòng đăng ký đất đai sẽ thẩm định hồ sơ và thực hiện một số công việc sau: lấy ý kiến của UBND cấp xã; trích đo bản đồ địa chính thửa đất; kiểm tra, xác minh hồ sơ; cập nhật thông tin thửa đất, tài sản gắn liền với đất và đăng ký hồ sơ địa chính; thông báo thu nghĩa vụ tài chính.
Cơ quan tài nguyên và môi trường thực hiện kiểm tra hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận, chuyển hồ sơ đã giải quyết cho văn phòng đăng ký đất đai.
Bước 4: Trả kết quả
Văn phòng đăng ký đất đai sẽ trao trực tiếp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho người sử dụng đất đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính hoặc gửi giấy chứng nhận cho UBND cấp xã để trao cho người sử dụng đất.
Thẩm quyền đăng ký tài sản trên đất
Theo khoản 2 Điều 95 Luật đất Đai 2013 quy định đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản gắn liền với đất gồm đăng ký lần đầu và đăng ký biến động, được thực hiện tại tổ chức đăng ký đất đai thuộc cơ quan quản lý đất đai, bằng hình thức trên giấy hoặc đăng ký điện tử. Theo đó cơ quan quản lý đất đai bao gồm:
Cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương – Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; tổ chức, cá nhân nước ngoài; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh – Phòng Tài Nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
Một số câu hỏi liên quan đến đăng ký tài sản trên đất
Khi nào cần đăng ký tài sản trên đất?
Khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà chưa có thông tin tài sản trên giấy chứng nhận thì cần phải làm thủ tục đăng ký tài sản gắn liền với đất tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.
Thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký tài sản trên đất lần đầu?
Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất không quá 30 ngày theo quy định tại khoản 2 Điều 61 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.
Ý nghĩa của việc đăng ký tài sản trên đất là gì?
Đăng ký tài sản trên đất cho phép nhận dạng tài sản một cách chính xác, cũng như xác định rõ nội dung của quyền đối với tài sản đó, là căn cứ để người có quyền sở hữu bảo vệ được tài sản của mình.
Trên đây là toàn bộ thông tin quy định về thủ tục đăng ký tài sản gắn liền với đất vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hoặc có nhu cầu hỗ trợ pháp lý về tài sản trên đất vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!