Mẫu hồ sơ gia hạn Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm
Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm là văn bản có thời hạn sử dụng. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm gặp khó khăn trong việc chuẩn bị mẫu hồ sơ gia hạn Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật. Để giải đáp thắc mắc của quy khách hàng, Công ty luật Việt An xin đưa ra bài viết mẫu hồ sơ gia hạn Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm sau đây.
Căn cứ pháp lý
Luật An toàn thực phẩm năm 2010, sửa đổi bổ sung năm 2018.
Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 155/2018/NĐ-CP.
Nghị định 77/2016/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực mua bán hàng hoá quốc tế, hoá chất, vật liệu nổ công nghiệp, phân bón, kinh doanh khí, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công thương.
Nghị định 17/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
Gia hạn chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm
Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm là cơ sở pháp lý quan trọng để xác định một cơ sở có đáp ứng các điều kiện về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo quy định của pháp luật, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bắt buộc phải có Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm khi hoạt động. Quy định trên thực chất nhằm giúp các cơ quan nhà nước quản lý việc tổ chức sản xuất, kinh doanh của các cơ sở trên địa bàn. Đồng thời, đảm bảo lợi ích, sức khoẻ của người tiêu dùng. Về phía cơ sở sản xuất, việc có trong tay Giấy chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của khách hàng, tạo tâm lý an toàn, yên tâm khi họ lựa chọn tiêu dùng, sử dụng những sản phẩm của các cơ sở này.
Tuy nhiên, để đảm bảo các cơ sở có thể tiếp tục đáp ứng các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm sau khi được cấp Giấy chứng nhận, nhà nước đã quy định về thời hạn sử dụng của Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó, Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm có thời hạn sử dụng là 3 năm kể từ ngày cấp. Trước 6 tháng tính đến ngày Giấy chứng nhận hết hạn, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải nộp đơn xin cấp lại Giấy chứng nhận trong trường hợp vẫn tiếp tục sản xuất, kinh doanh.
Xử lý vi phạm quy định về Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm
Theo quy định của pháp luật, trường hợp khi cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất mà cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã hết hiệu lực mà cơ sở sản xuất, kinh doanh đó không thực hiện thủ tục gia hạn Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật(trừ trường hợp không thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận) thì sẽ bị xử phạt hành chính. Mức phạt được quy định tại Điều 18 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, cụ thể:
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, trừ trường hợp không thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật và vi phạm.
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, trừ trường hợp không thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và vi phạm.
Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo lộ trình quy định của pháp luật.
Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thu hồi thực phẩm; hoặc
Buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế hoặc buộc tiêu hủy thực phẩm.
Thủ tục gia hạn Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm
Thủ tục gia hạn Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ gia hạn Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bước 2: Tiếp nhận, xử lý hồ sơ gia hạn Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bước 3: Cấp Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm
Điều 35 Luật An toàn thực phẩm quy định Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công thương quy định cụ thể thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý, cụ thể:
Danh mục các sản phẩm/nhóm sản phẩm thực phẩm; hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế được quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP.
Danh mục các sản phẩm/nhóm sản phẩm thực phẩm; hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được quy định tại phụ lục III kèm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP.
Danh mục các sản phẩm/nhóm sản phẩm thực phẩm; hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công thương được quy định tại phụ lục IV kèm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP.
Hồ sơ gia hạn Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm
Để được gia hạn Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần chuẩn bị hồ sơ gia hạn Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo Điều 37 Luật An toàn thực phẩm, hồ sơ gia hạn Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện theo quy định như hồ sơ cấp mới Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, bao gồm:
Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm:
Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm phải có các thông tin về tên tổ chức, cá nhân, mã số doanh nghiệp, địa chỉ cơ sở và yêu cầu đề nghị được cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Mẫu đơn: mẫu số 01a phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 17/2020/NĐ-CP (áp dụng đối với phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công thương)
Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm phải có các nội dung về:
Thông tin chung: thông tin đại diện cơ sở, địa chỉ cơ sở, mặt hàng và nhân viên của cơ sở.
Thông tin về thực trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ: diện tích, bố trí, kết cấu nhà xưởng, nguồn nước của cơ sở; các loại trang thiết bị, số lượng và thực trạng hoạt động của các trang thiết bị, dụng cụ đó ( thực trạng hoạt động của chúng chia thành các mức độ khác nhau, bao gồm tốt, trung bình, kém)
Đánh giá chung về trang thiết bị và cam kết của cơ sở về tính chính xác của các nội dung ghi trong bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ.
Mẫu bản thuyết minh: mẫu số 02a phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 17/2020/NĐ-CP (áp dụng với phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công thương)
Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
Giấy xác nhận đủ sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp;
Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của Bộ trưởng Bộ quản lý ngành.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn về mẫu hồ sơ gia hạn Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.