Quy định về BHXH tai nạn lao động tự nguyện với người lao động làm việc không theo HĐLĐ

(cập nhật Nghị định 143/2024/NĐ-CP)

Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động chiếm đa số trong lực lượng lao động của nước ta, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, đang có nhiều người lao động trong khu vực này bị tai nạn lao động nghiêm trọng trong quá trình lao động chưa được bảo đảm các quyền lợi an sinh xã hội. Mới đây, ngày 01/11/2024, Chính Phủ đã ban hành Nghị định 143/2024/NĐ-CP quy định về bảo hiểm xã hội tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Sau đây, Luật Việt An sẽ phân tích một số nội dung đáng chú ý trong quy định về BHXH tai nạn lao động tự nguyện với người lao động làm việc không theo HĐLĐ.

Đối tượng áp dụng quy định về BHXH tai nạn lao động tự nguyện với người lao động làm việc không theo HĐLĐ

Theo khoản 5 Điều 4 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, một trong những chính sách được Nhà nước quan tâm về an toàn, vệ sinh lao động là phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện nhằm xây dựng cơ chế đóng, hưởng linh hoạt, giúp phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục rủi ro cho người lao động. Tuy nhiên, pháp luật chưa có quy định cụ thể về chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện này. Nghị định 143/2024/NĐ-CP lần đầu tiên đã quy định cụ thể về đối tượng và chế độ quyền lợi của bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.  

Theo Điều 2 Nghị định 143/2024/NĐ-CP, người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện là:

  • Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động từ đủ 15 tuổi trở lên;
  • Không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, có tham gia bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện (sau đây gọi tắt là người lao động).

Như vậy, chế độ tai nạn lao động này có điểm khác so với chế độ tai nạn lao động của BHXH bắt buộc trước hết ở đối tượng tham gia. Nếu như chế độ tai nạn lao động của BHXH áp dụng đối với người lao động có quan hệ hợp đồng lao động thì chế độ tai nạn lao động tự nguyện chỉ áp dụng đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động từ đủ 15 tuổi trở lên.

Các chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

Các chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

Theo Điều 4 Nghị định 143/2024/NĐ-CP, chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện bao gồm:

  • Giám định mức suy giảm khả năng lao động.
  • Trợ cấp tai nạn lao động.

Trong khi đó, theo Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 chế độ tai nạn lao động của BHXH bắt buộc bao gồm:

  • Giám định mức suy giảm khả năng lao động.
  • Trợ cấp tai nạn lao động: hàng tháng hoặc một lần.
  • Trợ cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình.
  • Trợ cấp phục vụ
  • Trợ cấp khi người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
  • Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật

Như vậy, các chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện có phạm vi hưởng ít hơn so với chế độ tai nạn lao động của BHXH bắt buộc. 

Điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

Người lao động đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện khi có đủ các điều kiện sau đây:

  • Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do tai nạn lao động xảy ra trong thời gian tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện;
  • Không thuộc các trường hợp tai nạn xảy ra do một trong các nguyên nhân sau:
  • Mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến công việc, nhiệm vụ lao động;
  • Người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;
  • Sử dụng chất ma tuý, chất gây nghiện trái quy định của pháp luật.

Các trường hợp trên không được hưởng chế độ tai nạn lao động do không liên quan đến công việc, nhiệm vụ lao động hoặc do những trường hợp không phải là rủi ro, tai nạn khách quan mà do người lao động cố ý, vi phạm pháp luật. Trong khi đó, tai nạn lao động phải là tai nạn xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc người lao động làm các nghề, công việc theo thời gian và nơi làm việc.

Quy định về chế độ giám định mức suy giảm khả năng lao động

Các trường hợp giám định

Theo Điều 6 Nghị định 143/2024/NĐ-CP, người lao động bị tai nạn lao động chủ động đi giám định hoặc giám định lại mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Sau khi bị thương tật lần đầu đã được điều trị ổn định;
  • Sau khi thương tật tái phát đã được điều trị ổn định;
  • Đối với trường hợp thương tật không có khả năng điều trị ổn định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế thì người lao động được làm thủ tục giám định trước hoặc ngay trong quy trình điều trị.

Quyền lợi được hưởng

Cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả phí giám định đối với người lao động chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động trong trường hợp kết quả khám giám định đủ điều kiện để hưởng hoặc điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

Thời điểm chi trả phí giám định đối với các trường hợp đủ điều kiện được thực hiện cùng với thời điểm trả trợ cấp tai nạn lao động.

Quy định về chế độ trợ cấp tai nạn lao động

Trợ cấp một lần

Quy định về chế độ trợ cấp tai nạn lao động Trợ cấp một lần

Khác với chế độ tai nạn lao động của BHXH bắt buộc có thể là trợ cấp một lần hoặc trợ cấp hàng tháng, thì đối với tai nạn lao động của bảo hiểm tự nguyện thì chỉ có chế độ trợ cấp một lần. Theo đó, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 100% do tai nạn lao động thì được hưởng trợ cấp một lần theo công thức:

Mức trợ cấp một lần = Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động + Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện
= {3 + (m-5%) x 0,3} x Lmin + {0,5 + (t-1) x 0,3} x Lmin

Trong đó:

  • Lmin: tháng lương tối thiểu vùng IV tại thời điểm hưởng trợ cấp.
  • m: mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động (lấy số tuyệt đối 5 ≤ m ≤ 100).
  • t: tổng số năm đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

Lưu ý:

  • Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng ba lần mức lương tối thiểu tháng tính theo vùng IV do Chính phủ quy định, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,3 lần tháng lương tối thiểu vùng IV;
  • Ngoài mức trợ cấp quy định, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 lần tháng lương tối thiểu vùng IV, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3 lần tháng lương tối thiểu vùng IV. Mức lương tối thiểu vùng IV từ ngày 1/7/2024 là 3.450.000 đồng/tháng (theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP). 
  • Thời gian làm căn cứ tính hưởng chế độ tai nạn lao động là tổng thời gian người lao động đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, tính đến tháng trước liền kề tháng bị tai nạn lao động; nếu đóng không liên tục thì được cộng dồn; một năm được tính khi có đủ 12 tháng đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

Trợ cấp khi người lao động chết do tai nạn lao động

Thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động được hưởng trợ cấp một lần bằng 31,5 lần tháng lương tối thiểu vùng IV, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động;
  • Người lao động bị chết trong thời gian điều trị lần đau do tai nạn lao động;
  • Người lao động bị chết trong thời gian điều trị thương tật do tai nạn lao động mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động.

Phương thức đóng và mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

Phương thức đóng

Theo Điều 11 Nghị định 143/2024/NĐ-CP, người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện đăng ký với cơ quan bảo hiểm xã hội theo một trong hai phương thức đóng sau đây:

  • Đóng 06 tháng một lần;
  • Đóng 12 tháng một lần.

So với chế độ BHXH bắt buộc có các phương thức đóng khác nhau như 03 tháng, 06 tháng, 12 tháng một lần thì BHXH tai nạn lao động tự nguyện chỉ có hai phương thức đóng là 6 tháng hoặc 12 tháng. 

Người đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được thay đổi phương thức đóng. Việc thay đổi phương thức đóng được thực hiện sau khi đã hoàn thành chu kỳ đóng đã đăng ký trước đó.

  • Lưu ý, thời điểm đóng bảo hiểm tai nạn lao động được thực hiện như sau:
  • Lần đầu, ngay khi đăng ký tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện;
  • Lần tiếp theo, trong vòng 10 ngày trước khi hết chu kỳ đóng.
  • Ngay khi đăng ký lại bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện 

Mức đóng

Theo Khoản 3 Điều 8 Nghị định 143/2024/NĐ-CP, mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được tính trên cơ sở lương tối thiểu vùng IV. Theo đó, mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện như sau:

  • Mức đóng 06 tháng bằng 6% tháng lương tối thiểu vùng IV;
  • Mức đóng 12 tháng bằng 12% tháng lương tối thiểu vùng IV.

Hiện nay, mức lương tối thiểu vùng IV từ ngày 1/7/2024 là 3.450.000 đồng/tháng.  Như vậy, mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện hằng tháng cụ thể hiện nay là: 

  • Mức đóng 06 tháng bằng 207.000 đồng;
  • Mức đóng 12 tháng bằng 414.000 đồng. 

Lưu ý mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, cụ thể như sau:

  • Bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện thuộc hộ nghèo theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn;
  • Bằng 25% đối với người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện thuộc hộ cận nghèo theo mức chuẩn hộ cận nghèo khu vực nông thôn;
  • Bằng 10% đối với người lao động khác.

Trên đây là một số nội dung đáng chú ý quy định về BHXH tai nạn lao động tự nguyện với người lao động làm việc không theo HĐLĐ tại Nghị định 143/2024/NĐ-CP. Quý khách hàng có thắc mắc liên quan, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được tư vấn, hỗ trợ tốt nhất!

Mục lục

Bài viết liên quan

Mục lục
Ẩn

    Dịch vụ kế toán thuế

    Dịch vụ kế toán thuế

    Văn bản pháp luật

    Văn bản pháp luật

    Tư vấn pháp luật

    Tư vấn luật

    LIÊN HỆ CÔNG TY LUẬT VIỆT AN

    Tư vấn doanh nghiệp: 09 79 05 77 68
    Tư vấn doanh nghiệp
    Tư vấn sở hữu trí tuệ: 0976 18 66 08
    Tư vấn sở hữu trí tuệ
    Tư vấn đầu tư: 09 13 380 750
    Tư vấn đầu tư

    TỔNG ĐÀI PHÍA BẮC

    Hotline: 09 61 37 18 18
    (Whatsapp, Zalo, Viber) hanoi@vietanlaw.vn Skype IconSkype Chat
    Liên hệ qua Zalo
    Liên hệ qua Zalo
    Liên hệ Zalo 0961371818
    Tư vấn kế toán - thuế: 09 888 567 08
    Dịch vụ kế toán thuế
    Tư vấn giấy phép: 0966 83 66 08
    Tư vấn giấy phép
    Tư vấn hợp đồng: 0913 380 750
    Tư vấn hợp đồng

    TỔNG ĐÀI PHÍA NAM

    Hotline: 09 61 57 18 18
    (Whatsapp, Zalo, Viber) hcm@vietanlaw.vn Skype IconSkype Chat
    Liên hệ qua Zalo
    Liên hệ qua Zalo
    Liên hệ Zalo 0961571818
    Liên hệ tư vấn
    Cảnh báo lừa đảo
    CẢNH BÁO MẠO DANH CÔNG TY LUẬT VIỆT AN LỪA ĐẢO