So sánh phương thức giải quyết tranh chấp bằng tòa án và trọng tài
Giải quyết tranh chấp bằng Tòa án và Trọng tài là các phương thức giải quyết tranh chấp phổ biến hiện nay. Giữa hai phương thức này có những điểm khác biệt nhất định, do đó, để quý khách hàng có thể lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp với nhu cầu của mình, công ty Luật Việt An xin đưa ra sự so sánh giữa giải quyết tranh chấp bằng Tòa án với giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài trong bài viết dưới đây.
Đều có sự tham gia của bên thứ ba là Tòa án/Trọng tài để giải quyết tranh chấp.
Phán quyết của Tòa án và Trọng tài đều có giá trị pháp lý ràng buộc các bên tranh chấp.
Dù xét xử bằng Tòa án hay Trọng tài thì cũng đều tuân thủ theo nguyên tắc là Luật do các bên thỏa thuận và Đảm bảo sự độc lập của cơ quan tài phán.
Điểm khác nhau giữa phương thức giải quyết tranh chấp tòa án với trọng tài
STT
Tiêu chí
Tòa án
Trọng tài
1
Cơ sở pháp lý
Bộ luật Dân sự 2015;
Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Luật Trọng tài Thương mại 2010.
2
Khái niệm
Là phương thức giải quyết tranh chấp, mà các bên tranh chấp mang tranh chấp ra tòa án để tòa án xét xử và đưa ra phán quyết cuối cùng ràng buộc các bên tranh chấp.
Là phương thức giải quyết tranh chấp, mà các bên tranh chấp mang tranh chấp ra trọng tài để hội đồng trọng tài xem xét và đưa ra quyết định ràng buộc các bên tranh chấp.
3
Tính chất pháp lý
Là cơ quan nhà nước.
Là tổ chức phi chính phủ, mang tính chất xã hội – nghề nghiệp
4
Giá trị của phán quyết
Phán quyết của tòa án có thể bị kháng cáo và xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm.
Phán quyết của Tòa phúc thẩm là phán quyết cuối có giá trị chung thẩm.
Quyết định của trọng tài mang giá trị chung thẩm.
5
Thẩm quyền
Dù các bên tranh chấp lựa chọn hay không lựa chọn Tòa án thì đều không ảnh hưởng đến thẩm quyền của Tòa án.
Thẩm quyền xét xử của Tòa án phát sinh trên cơ sở quy định của pháp luật.
Trọng tài không có thẩm quyền đương nhiên đối với một vụ tranh chấp bất kỳ.
Trọng tài chỉ có thẩm quyền khi được các bên tranh chấp lựa chọn.
6
Đảm bảo bí mật
Các bản án thường được công khai rộng rãi
Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài không công khai, đảm bảo tính bí mật cao.
7
Mức chi phí
Chi phí thấp hơn so với trọng tài, vì là cơ quan nhà nước nên nhiều chi phí đã được hỗ trợ. Tuy nhiên, nên vụ việc bị kéo dài thì chi phí sẽ bị tăng lên rất nhiều.
Chi phí cao hơn do trọng tài là tổ chức tự chủ về tài chính.
8
Tính linh hoạt trong xét xử
Trình tự, thủ tục xét xử đã được pháp luật quy định một cách chặt chẽ, không thể thay đổi. Do đó, tính linh hoạt không cao.
Thủ tục xét xử đơn giản, có thể thay đổi linh hoạt dựa trên sự thỏa thuận của các bên.
Quy trình tố tụng khi giải quyết tranh chấp bằng Tòa án
Bước 1 (Nộp đơn khởi kiện): Cá nhân, tổ chức làm đơn khởi kiện và nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính.
Bước 2 (Xét đơn khởi kiện): Thẩm phán sẽ xem xét đơn khởi kiện có hợp lệ hay không. Sau đó, thẩm phán sẽ đưa ra một trong các quyết định như yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn kiện; hoặc tiến hành thủ tục thụ lý vụ án; hoặc chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền; hoặc trả lại đơn kiện cho người khởi kiện.
Bước 3 (Thụ lý vụ án): Sau quá trình xem xét đơn kiện, nếu đơn kiện hợp lệ và đúng thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì vụ án sẽ được Tòa án thụ lý để bắt đầu tiến hành giải quyết.
Bước 4 (Hòa giải): Tòa án sẽ tiến hành tổ chức hòa giải giữa các bên trong tranh chấp. Hòa giải được tiến hành dựa trên nguyên tắc tự do ý chí và nội dung thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Bước 5 (Chuẩn bị xét xử vụ việc): Trong thời gian chuẩn bị này, các bên tranh chấp sẽ chuẩn bị các tài liệu, chứng cứ liên quan đến hồ sơ vụ án và giao nộp cho Tòa án.
Bước 6 (Xét xử sơ thẩm): Tại phiên tòa sơ thẩm, các bên trong tranh chấp sẽ lần lượt thay nhau trình bày quan điểm của mình. Tòa án sẽ lắng nghe ý kiến của các bên và đưa ra phán quyết.
Bước 7 (Kháng cáo): Nếu một trong các bên trong tranh chấp không thấy hài lòng với kết quả được đưa ra bởi Tòa sơ thẩm thì có thể đưa ra yêu cầu kháng cáo của mình lên Tòa án.
Bước 8 (Xét xử phúc thẩm): Trong phiên tòa phúc thẩm, Tòa án xét xử cấp phúc thẩm sẽ xem xét lại các vấn đề được đưa ra, sau đó ra phán quyết cuối cùng. Phán quyết của Tòa án cấp phúc thẩm là phán quyết mang giá trị chung thẩm, các bên trong tranh chấp buộc phải tuân theo.
Quy trình tố tụng khi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
Bước 1 (Nộp đơn khởi kiện): Nguyên đơn tiến hành nộp Đơn kiện ra Trung tâm trọng tài/Hội đồng trọng tài… để yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.
Bước 2 (Nộp phí trọng tài): Khi nguyên đơn tiến hành nộp Đơn kiện tại Trọng tài, nguyên đơn cũng phải nộp phí Trọng tài.
Bước 3 (Chỉ định trọng tài viên): Khi nộp Đơn kiện và nộp phí trọng tài, tài liệu kèm theo cũng cần phải chỉ định trọng tài viên theo yêu cầu của nguyên đơn.
Bước 4 (Xét đơn): Sau khi tiếp nhận được đơn khởi kiện cùng phí trọng tài từ nguyên đơn, đơn kiện sẽ được tiến hành sàng lọc xem có phù hợp hay không và có đúng thẩm quyền giải quyết của trọng tài hay không.
Bước 5 (Thụ lý đơn kiện): Sau quá trình xét đơn, nếu Đơn kiện hợp lệ thì sẽ được thụ lý, và gửi thông báo đến cho bị đơn.
Bước 6 (Bị đơn nộp bản tự bảo vệ): Sau khi nhận được thông báo có yêu cầu khởi kiện, Bị đơn phải nộp bản tự bảo vệ có nêu rõ kiến nghị của bị đơn cũng như căn cứ pháp lý cho kiến nghị này. Đồng thời, trong bản tự bảo vệ này, bị đơn cũng cần chỉ định trọng tài viên tham gia xét xử vụ việc.
Bước 7 (Thành lập hội đồng trọng tài): Nếu các bên có thỏa thuận về việc lựa chọn thành viên của hội đồng trọng tài, hội đồng trọng tài sẽ được thành lập dựa trên sự thỏa thuận này. Còn trong trường hợp các bên không có thỏa thuận, các bên sẽ tiến hành thỏa thuận và chỉ định ra một trọng tài viên cho mỗi bên, hai trọng tài viên được các bên lựa chọn sẽ bầu ra một trọng tài viên khác làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài.
Bước 8 (Tiến hành quá trình xét xử bằng trọng tài): Sau khi được thành lập, Hội đồng trọng tài sẽ tiến hành nghiên cứu các hồ sơ được các bên nộp lên và triệu tập các bên đến phiên họp giải quyết tranh chấp. Trong phiên họp giải quyết tranh chấp, các tranh chấp sẽ trình bày quan điểm, ý kiến của mình.
Bước 9 (Ra quyết định): Sau khi xem xét các tài liệu, chứng cứ cùng các lập luận của các bên, Hội đồng trọng tài sẽ cùng nhau đưa ra quyết định cuối cùng. Quyết định này có giá trị chung thẩm và buộc các bên phải tuân thủ.
Như vậy, giữa giải quyết tranh chấp bằng Tòa án và giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài có những sự khác nhau một cách rõ rệt từ thủ tục giải quyết tranh cho đến thẩm quyền, chi phí… Chính vì vậy, trước khi lựa chọn nên giải quyết tranh chấp bằng phương thức nào, quý khách hàng cần phải xem đến các phương thức này một cách kĩ càng để xem có áp dụng được hay không.
Quý khách hàng có bất vướng mắc về các phương thức giải quyết tranh chấp Tòa án hoặc Trọng tài xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An qua điện thoại, Zalo hoặc gửi email để được chúng tôi hỗ trợ tốt nhất!