Thành lập công ty / doanh nghiệp kinh doanh du lịch
Hiện nay, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đã và đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội. Vì vậy mà nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch được ra đời và thành lập. Sau đây, Luật Việt An sẽ tư vấn về thành lập công ty kinh doanh du lịch theo quy định pháp luật hiện hành.
Căn cứ pháp lý
Biểu Cam kết WTO của Việt Nam;
Luật Du lịch 2017;
Luật Đầu tư 2020;
Luật Doanh nghiệp 2020;
Nghị định 168/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 42/2018/NĐ-CP, Nghị định 94/2021/NĐ-CP.
Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 13/2019/TT-BVHTTDL, Thông tư số 13/2021/TT-BVHTTDL.
Kinh doanh du lịch là gì?
Kinh doanh du lịch hay còn gọi là kinh doanh dịch vụ lữ hành. Theo Khoản 8 Điều 3 Luật Du lịch năm 2017, kinh doanh dịch vụ lữ hành là việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch.
Phạm vi kinh doanh dịch vụ lữ hành bao gồm:
Kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa phục vụ khách du lịch nội địa;
Kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (Inbound);
Kinh doanh dịch vụ lữ hành phục vụ khách du lịch ra nước ngoài (Outbound);
Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và dịch vụ lữ hành nội địa.
Theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2020 thì du lịch thuộc vào danh mục kinh doanh có điều kiện, theo đó nhà đầu tư khi kinh doanh du lịch nội địa hay du lịch quốc tế phải đáp ứng các yêu cầu về trình độ chuyên môn và ký quỹ tại ngân hàng theo quy định theo Luật Du lịch 2017, và Nghị định 168/2017/NĐ-CP.
Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài
Theo Biểu cam kết WTO của Việt Nam, dịch vụ đại lý lữ hành và điều hành tour du lịch thuộc CPC 7471, theo đó không có hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp:
Các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ dưới hình thức liên doanh với đối tác Việt Nam mà không bị hạn chế phần vốn góp của phía nước ngoài.
Hướng dẫn viên du lịch trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải là công dân Việt Nam. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được phép cung cấp dịch vụ đưa khách vào du lịch Việt Nam (inbound) và lữ hành nội địa đối với khách vào du lịch Việt Nam như là một phần của dịch vụ đưa khách vào du lịch Việt Nam.
Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành
Theo Điều 31 Luật Du lịch 2017, để được cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành cần đáp ứng những điều kiện sau:
Điều kiện về thành lập doanh nghiệp
Công ty kinh doanh du lịch phải doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020.
Công ty kinh doanh du lịch cần thực hiện nghĩa vụ ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa/quốc tế tại ngân hàng.
Trước đây, mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành được thực hiện theo Nghị định 94/2021/NĐ-CP. Tuy nhiên, mức ký quỹ đó chỉ thực hiện đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023. Hiện nay mức kỹ quỹ áp dụng theo Điều 14 Nghị định 168/2017/NĐ-CP, cụ thể là:
Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa:
100.000.000 (một trăm triệu) đồng.
Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế:
Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam: 250.000.000 (hai trăm năm mươi triệu) đồng;
Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài: 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng;
Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài: 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng.
Điều kiện về người phụ trách
Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa.
Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế.
Cụ thể theo Điều 3 Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL, người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành là người giữ một trong các chức danh sau:
Chủ tịch hội đồng quản trị;
Chủ tịch hội đồng thành viên;
Chủ tịch công ty; chủ doanh nghiệp tư nhân;
Tổng giám đốc; giám đốc hoặc phó giám đốc;
Trưởng bộ phận kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Thủ tục thành lập công ty
Thủ tục xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài
Công ty kinh doanh du lịch do nhà đầu tư nước ngoài thành lập cần tiến hành thủ tục xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi đăng ký doanh nghiệp. Thủ tục này được quy định tại Luật Đầu tư 2020 và được hướng dẫn cụ thể tại Nghị định 31/2021/NĐ-CP. Cụ thể:
Thẩm quyền cấp Giấy phép
Theo quy định tại Điều 39 Luật Đầu tư 2020, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm:
Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế đối với dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
Sở Kế hoạch và Đầu tư đối với công ty kinh doanh du lịch vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
Trình tự thực hiện
Nhà đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư.
Đối với dự án đầu tư đã triển khai hoạt động, nhà đầu tư nộp hồ sơ như trên, trong đó đề xuất dự án đầu tư được thay bằng báo cáo tình hình thực hiện dự án đầu tư từ thời điểm triển khai đến thời điểm đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ khi dự án đáp ứng các điều kiện.
Thủ tục xin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
Sau khi chuẩn bị hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, người thành lập công ty hoặc người được ủy quyền nộp 01 bộ hồ sơ với Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và xử lý hồ sơ.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ.
Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Doanh nghiệp.
Bước 3: Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp
Doanh nghiệp sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được công khai.
Thủ tục xin Giấy phép kinh doanh lữ hành
Tùy vào loại hình hoạt động mà doanh nghiệp sẽ tiến hành thủ tục xin Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa hoặc Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế. Thủ tục này được hướng dẫn tại Điều 32, Điều 33 Luật Du lịch năm 2017, cụ thể như sau:
Thành phần hồ sơ
Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành;
Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp;
Giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành;
Bản sao có chứng thực quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành với người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành;
Bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Giấy ủy quyền cho Luật Việt An tiến hành thủ tục.
Thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh
Cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Tổng cục Du lịch thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế.
Trình tự thực hiện
Doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nộp 01 bộ hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh.
Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và xử lý hồ sơ: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành thẩm định và cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa/quốc tế cho doanh nghiệp. Trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Câu hỏi liên quan
Điều kiện thành lập công ty du lịch nội địa bao gồm những gì?
Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;
Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa tại ngân hàng;
Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa.
Được cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa.
Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế bao gồm những gì?
Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;
Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế tại ngân hàng;
Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế.
Được cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế.
Phí, lệ phí liên quan
Phí, lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư: Không.
Phí, lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: Lệ phí đăng ký doanh nghiệp: 50.000 đồng/lần (miễn khi đăng ký online); Phí công bố: 100.000 đồng/lần (Thông tư số 47/2019/TT-BTC).
Phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành: 3.000.000 đồng/giấy phép (Thông tư 33/2018/TT-BTC).
Một số công ty lữ hành tại Việt Nam
Công ty TNHH Du lịch Dấu ấn (Impress Travel);
Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist;
Công ty Cổ phần dịch vụ du lịch Bến Thành;
Công ty Cổ phần Vietnam Booking;
Công ty TNHH du lịch PYS;
Công ty du lịch Bốn Mùa;…
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn về thành lập công ty kinh doanh du lịch và các loại hình doanh nghiệp khác, vui lòng liên hệ đến Công ty Luật Việt An để được hỗ trợ hiệu quả nhất!