Shisha đã du nhập vào Việt Nam từ khá lâu, đặc biệt hiện nay, hút Shisha đang trở thành “trào lưu mốt” tại Việt Nam, nhất là ở giới trẻ.
Vậy, Shisha là gì?
Shisha là tên gọi của một loại thuốc hút có xuất xứ từ Ả Rập từ hơn 400 năm trước. Shisha còn có tên gọi là thuốc lào Ả Rập, thực chất là một loại cỏ được tẩm thêm mật ong cùng các hương liệu trái cây như nho, cam, táo, dâu…
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 có quy định về định nghĩa thuốc lá như sau: “Thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác”.
Như vậy, Shisha không phải là thuốc lá. Do đó, không thể áp dụng các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá cho đối tượng là Shisha.
Muốn kinh doanh Shisha cần phải thực hiện các thủ tục nào?
Căn cứ Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng chống tác hại của kinh doanh thuốc lá, Nghị định 106/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2013/NĐ-CP thì hiện nay Việt Nam chưa xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với “Shisha”.
Căn cứ điều 23 Luật chất lương sản phẩm, hàng hóa 2007 quy định: ”Người sản xuất, người nhập khẩu tự công bố các đặc tính cơ bản, thông tin cảnh báo, số hiệu tiêu chuẩn trên hàng hóa”. Do đó, để nhập Shisha về bán tại thị trường Việt Nam thì phải công bố tiêu chuẩn áp dụng những thông tin cơ sở của sản phẩm như: Thành phần, tính chất…lên “Bao bì hàng hóa;Nhãn hàng hóa;Tài liệu kèm theo sản phẩm, hàng hóa” để người tiêu dùng được biết.
Căn cứ Điều 6 Luật đầu tư và Luật sửa đổi, bổ sung của Luật đầu tư 2014 quy định danh mục hàng hóa, ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và Nghị định 59/2006/NĐ-CP và các Nghị định sửa đổi thì danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh thì Shisha không nằm trong danh mục cấm kinh doanh nên bạn được phép kinh doanh.
Vì vậy, Shisha được phép kinh doanh tại thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục: thuế, kê khai hóa đơn chứng từ về hàng hóa, công bố tiêu chuẩn áp dụng cho hàng hóa trước khi đưa vào lưu thông.
Hiện nay, Shisha được kinh doanh chủ yếu tại quán bar thì cơ sở kinh doanh phải đăng ký giấy phép kinh doanh để hoạt động kinh doanh như: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy phép an ninh trật tự và các giấy tờ khác liên quan đến hàng hóa doanh nghiệp kinh doanh.