Thuế cần phải nộp khi thực hiện chuyển nhượng nhãn hiệu
Chuyển nhượng nhãn hiệu là việc chủ sở hữu nhãn hiệu chuyển giao quyền sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác. Hiểu đơn giản hơn, chuyển nhượng nhãn hiệu là việc chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu nhãn hiệu hoặc một số quyền đối với nhãn hiệu (như quyền sử dụng, quyền định đoạt, quyền cho phép người khác sử dụng, …) của mình để bán cho cá nhân, tổ chức khác. Vậy, thuế cần phải nộp khi thực hiện chuyển nhượng nhãn hiệu là gì? Sau đây, Luật Việt An sẽ giải đáp thắc mắc này cho quý khách hàng.
Các loại thuế cần phải nộp khi thực hiện chuyển nhượng nhãn hiệu
Khi thực hiện chuyển nhượng nhãn hiệu, cần lưu ý các loại thuế sau đây:
Thuế thu nhập doanh nghiệp (đối với bên chuyển nhượng là công ty)
Theo Khoản 2 Điều 3 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (đã được sửa đổi bổ sung), thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm:
“2. Thu nhập khác bao gồm: thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền góp vốn; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; thu nhập từ quyền sử dụng tài sản, quyền sở hữu tài sản, kể cả thu nhập từ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật;…”
Thu nhập khi thực hiện chuyển nhượng nhãn hiệu thuộc thu nhập từ quyền sở hữu trí tuệ. Vì vậy, bên có thu nhập (bên chuyển nhượng nhãn hiệu là doanh nghiệp) phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định pháp luật.
Thuế thu nhập cá nhân (đối với bên chuyển nhượng là cá nhân)
Theo Khoản 2 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (đã được sửa đổi bổ sung), thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân bao gồm:
“7. Thu nhập từ bản quyền, bao gồm:
a) Thu nhập từ chuyển giao, chuyển quyền sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ;
b) Thu nhập từ chuyển giao công nghệ”
Theo Khoản 7 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC, thu nhập từ tiền bản quyền là khoản thu nhập dưới bất kỳ hình thức nào được trả cho quyền sử dụng, chuyển quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, bao gồm: các khoản tiền trả cho quyền sử dụng, chuyển giao quyền tác giả và quyền chủ sở hữu tác phẩm; chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp.
Như vậy, đối với bên chuyển nhượng nhãn hiệu là cá nhân, đối với thu nhập từ chuyển nhượng nhãn hiệu phải chịu thuế thu nhập cá nhân.
Lưu ý đối với thuế giá trị gia tăng
Căn cứ Khoản 21 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC, đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng bao gồm:
“21. Chuyển giao công nghệ theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ; chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ. Trường hợp hợp đồng chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ có kèm theo chuyển giao máy móc, thiết bị thì đối tượng không chịu thuế GTGT tính trên phần giá trị công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao, chuyển nhượng; trường hợp không tách riêng được thì thuế GTGT được tính trên cả phần giá trị công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao, chuyển nhượng cùng với máy móc, thiết bị”.
Như vậy, thu nhập khi thực hiện chuyển nhượng nhãn hiệu không phải chịu thuế giá trị gia tăng.
Căn cứ các quy định trên, có thể xác định các loại thuế cần phải nộp khi thực hiện chuyển nhượng nhãn hiệu như sau:
Thuế thu nhập doanh nghiệp khi chuyển nhượng nhãn hiệu
Loại hồ sơ khai thuế
Theo Luật Quản lý thuế 2019, đối với loại thuế là hóa đơn, hợp đồng và chứng từ khác có liên quan đến nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật thì loại thuế khai và nộp theo từng lần phát sinh.
Như vậy, thuế thu nhập doanh nghiệp khi chuyển nhượng nhãn hiệu được nộp một lần khi phát sinh hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu.
Theo đó, thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với loại thuế khai và nộp theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế.
Xác định thu nhập tính thuế
Theo điểm c Khoản 3 Điều 6 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung), đối với thu nhập từ bản quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ được xác định bằng tổng số tiền thu được trừ (-) giá vốn hoặc chi phí tạo ra quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ được chuyển giao, trừ (-) chi phí duy trì, nâng cấp, phát triển quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ được chuyển giao và các khoản chi được trừ khác.
Xác định mức thuế suất
Căn cứ điểm c Khoản 3 Điều 11 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung), quy định về tỷ lệ (%) thuế thu nhập cá nhân tính trên doanh thu tính thuế đối với thu nhập từ bản quyền là 10%.
Số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp
Số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp khi thực hiện chuyển nhượng nhãn hiệu bằng thu nhập tính thuế nhân (x) với thuế suất.
Thuế TNDN = Thu nhập tính thuế x Thuế suất 10%
Trong đó:
Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – Thu nhập được miễn thuế + Các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định
Thu nhập chịu thuế = Doanh thu – Chi phí được trừ + Các khoản thu nhập khác
Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng nhãn hiệu
Xác định thu nhập tính thuế từ bản quyền
Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng nhãn hiệu thuộc loại thuế thu nhập cá nhân từ bản quyền. Kỳ tính thuế đối với thu nhập chịu thuế từ bản quyền thuộc kỳ tính thuế theo từng lần phát sinh thu nhập.
Căn cứ Điều 13 Thông tư 111/2013/TT-BTC (đã được sửa đổi bổ sung), thu nhập chịu thuế từ bản quyền là phần thu nhập vượt trên 10 triệu đồng mà đối tượng nộp thuế nhận được khi chuyển nhượng nhãn hiệu.
Trường hợp cùng là một đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ nhưng hợp đồng chuyển giao, chuyển quyền sử dụng thực hiện làm nhiều hợp đồng với cùng một đối tượng sử dụng thì thu nhập tính thuế là phần thu nhập vượt trên 10 triệu đồng tính trên tổng các hợp đồng chuyển giao.
Trường hợp đối tượng chuyển giao, chuyển quyền là đồng sở hữu thì thu nhập tính thuế được phân chia cho từng cá nhân sở hữu. Tỷ lệ phân chia được căn cứ theo giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Xác định mức thuế suất
Thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ bản quyền áp dụng theo Biểu thuế toàn phần tại Điều 23 Luật Thuế thu nhập cá nhân với thuế suất là 5%.
Thời điểm xác định thu nhập tính thuế
Thời điểm xác định thu nhập tính thuế từ bản quyền là thời điểm trả tiền bản quyền.
Số tiền thuế thu nhập cá nhân phải nộp
Căn cứ theo quy định tại Điều 13, Điều 14 và Điều 22 Thông tư 111/2013/TT-BTC, thuế TNCN 2024 từ bản quyền được tính theo công thức sau:
Thuế TNCN = Thu nhập tính thuế x Thuế suất 5%
Lưu ý, căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân đối với chuyển nhượng nhãn hiệu của cá nhân cư trú hoặc cá nhân không cư trú đều được tính theo công thức trên.
Khấu trừ thu nhập từ bản quyền
Tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ bản quyền có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân trước khi trả thu nhập cho cá nhân.
Số thuế khấu trừ được xác định bằng phần thu nhập vượt trên 10 triệu đồng theo từng hợp đồng chuyển nhượng nhân (×) với thuế suất 5%.
Trường hợp hợp đồng có giá trị lớn thanh toán làm nhiều lần thì lần đầu thanh toán, tổ chức, cá nhân trả thu nhập trừ 10 triệu đồng khỏi giá trị thanh toán, số còn lại phải nhân với thuế suất 5% để khấu trừ thuế.
Các lần thanh toán sau sẽ khấu trừ thuế thu nhập tính trên tổng số tiền thanh toán của từng lần.
Trên đây là tư vấn của Luật Việt An về Thuế cần phải nộp khi thực hiện chuyển nhượng nhãn hiệu.Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hay có nhu cầu tư vấn về sở hữu trí tuệ cũng như pháp luật về thuế, vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An để được tư vấn hỗ trợ tốt nhất!