Đảm bảo quyền lợi của khách hàng theo đúng các quy định pháp luật trong mỗi quan hệ dân sự là một trong những dịch vụ tư vấn của Công ty Luật Việt An. Do vậy, bên cạnh các hoạt động tư vấn pháp luật thừa kế, tư vấn pháp luật đất đai, tư vấn pháp luật kinh tế… thì tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình là một dịch vụ thế mạnh của Luật Việt An. Bài viết dưới đây sẽ mang đến cho Quý khách nội dung khái quát nhất về những vấn đề khi tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình theo quy định hiện hành của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
Những vấn đề cần giải quyết trong tranh chấp hôn nhân gia đình
Tranh chấp hôn nhân và gia đình là một trong những loại tranh chấp phổ biến hiện nay. Đối với loại tranh chấp này, khi giải quyết, Toà án sẽ tập trung giải quyết 03 vấn đề chủ yếu, tuỳ thuộc vào yêu cầu của đương sự:
Quan hệ hôn nhân: Xem xét các yếu tố về đời sống, mục đích hôn nhân để giải quyết ly hôn.
Tài sản chung, tài sản riêng, phân chia tài sản chung: Dựa trên những chứng cứ, tài liệu mà các bên cung cấp, từ đó xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng và tiến hành phân chia tài sản chung theo quy định pháp luật.
Quyền nuôi con sau khi ly hôn: Tranh chấp về quyền nuôi con sau khi ly hôn là dạng tranh cháp hôn nhân gia đình thường thấy nhất trong các vụ án ly hôn. Đối với vấn đề này, Toà án sẽ căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh của mỗi bên và độ tuổi của con để quyết định người có quyền trực tiếp nuôi con.
Ví dụ: Bản án số: 12/2022/HNGĐ-PT ngày 17/06/2022 về tranh chấp hôn nhân và gia đình của Toà án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc. Dựa trên yêu cầu của nguyên đơn là bà Đỗ Thị T, Toà án giải quyết 03 vấn đề cơ bản là: quan hệ hôn nhân, tài sản chung và quyền nuôi con sau khi ly hôn.
Tài sản chung của vợ chồng
Xác định tài sản chung của vợ chồng
Theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là những tài sản sau đây:
Tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân;
Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung
Tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Ngoài ra, đối với tài sản là quyền sử dụng đất – một trong những loại tài sản làm phát sinh nhiều tranh chấp nhất hiện nay, Điều luật này cũng quy định cụ thể như sau:
“Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.”
Hơn nữa để bảo vệ quyền lợi cho vợ, chồng, tại Khoản 3 Điều luật này có quy định rằng: Trong trường hợp vợ, chồng không có căn cứ để chứng minh tài sản đang tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó đương nhiên được coi là tài sản chung.
Quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản chung
Đối với tài sản chung, mỗi bên vợ chồng có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản chung. Hay nói cách khác, một bên vợ/ chồng không thể tự mình định đoạt (mua bán, tặng cho, …) tài sản chung khi chưa có sự đồng ý của bên còn lại.
Hơn nữa, việc định đoạt đối với những tài sản chung thuộc trường hợp sau đây thì bắt buộc phải có thỏa thuận bằng văn bản của vợ và chồng:
Bất động sản
Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu
Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình
Đăng ký tài sản chung
Căn cứ nội dung quy định tại Điều 34 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, việc đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu của vợ chồng đối với tài sản chung được thực hiện theo những nguyên tắc sau:
Giấy chứng nhận quyền sở hữu/ quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng
Hoặc, một bên vợ/ chồng đại diện đứng tên trên Giấy chứng nhận (nếu có thoả thuận). Tuy nhiên, việc này không làm mất mất quyền sở hữu của bên còn lại đối với tài sản chung. Tức là, việc định đoạt tài sản đó vẫn dựa trên cơ sở thỏa thuận của cả hai vợ chồng.
Lưu ý: Đối với trường hợp tài sản chung là tiền, tài sản trong tài khoản ngân hàng thì theo quy định tại Khoản 1 Điều 32 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó.
Tài sản riêng của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
Cách xác định tài sản riêng của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
Pháp luật hiện hành cho phép vợ chồng có tài sản riêng của mình trong thời kỳ hôn nhân. Theo Điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, tài sản riêng của vợ chồng là những tài sản thuộc một trong những trường hợp sau đây:
Tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn;
Tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân;
Tài sản được chia riêng cho vợ, chồng từ việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014;
Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
Quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản riêng
Về cơ bản, vợ chồng có toàn quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản riêng của mình theo ý chí của cá nhân. Tuy nhiên, có hai vấn đề cần lưu ý trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản riêng như sau:
Trường hợp một bên vợ/ chồng không thể tự mình quản ý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác thì bên vợ/ chồng còn lại có quyền quản lý tài sản đó dựa trên cơ sở bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người có tài sản
Đối với trường hợp hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ.
Đối với nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ/ chồng nhưng là nơi ở duy nhất của gia đình thì chủ sở hữu có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản đó nhưng phải bảo đảm chỗ ở cho vợ chồng.
Giải quyết việc nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
Theo Điều 14 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, đối với trường hợp này, hai bên nam, nữ không được coi là vợ chồng và không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Đối với con chung và tài sản thì được giải quyết theo nguyên tắc sau:
Đối với con chung: Vẫn áp dụng các quy định về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con tại Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 để giải quyết
Đối với tài sản chung: Chế độ tài sản được thực hiện theo thoả thuận của các bên. Nếu không có thoả thuận thì áp dụng quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 để giải quyết. Tức là, quyền, nghĩa vụ tài sản phụ thuộc vào công sức đóng góp của mỗi bên đối với tài sản đó.
Lưu ý: Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.
Tư vấn về việc ly hôn
Khi nào phải giải quyết việc ly hôn tại Tòa án?
Theo quy định tại Điều 51, Điều 55 và Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, về cơ bản, vợ và chồng là người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn, có thể là:
Thuận tình ly hôn (vợ và chồng cùng yêu cầu giải quyết việc ly hôn và hai bên đã thống nhất, không có tranh chấp về quyền nuôi con, cấp dưỡng, tài sản)
Đơn phương ly hôn (chỉ một bên vợ/ chồng yêu cầu giải quyết ly hôn).
Người có quyền yêu cầu ly hôn
Cần lưu ý một số trường hợp đặc biêt, cha, mẹ hoặc người thân thích khác của vợ, chồng có quyền yêu cầu Tòa án ly hôn khi vợ/ chồng có đủ điều kiện sau đây:
Bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.
Là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
Khi nào người chồng không có quyền đơn phương ly hôn?
Theo Khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Ngoài ra, Khoản 4 Điều 2 Nghị quyết 01/2024/NĐ-CP, việc vợ đàn có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi nêu trên không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai.
Phân chia tài sản chung và quyền nuôi con khi ly hôn
Theo quy định tại Điều 59 và điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, vợ chồng có thể tự thỏa thuận phân chia tài sản chung và quyền nuôi con. Trong trường hợp không thể tự thỏa thuận thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Việc phân chia tài sản chung và quyền nuôi con khi ly hôn sẽ được thực hiện dựa trên những nguyên tắc sau đây:
Đối vời tài sản chung: Tài sản chung được chia đôi nhưng có xét đến những yếu tố như sau:
Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng
Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung
Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp
Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng
Đối với quyền nuôi con: Việc xác định người có quyền trực tiếp nuôi dưỡng con phụ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện của mỗi bên cha, mẹ và độ tuổi của con. Cụ thể như sau:
Con dưới 36 tháng tuổi: Giao con cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng
Con từ 36 tháng tuổi: Dựa trên điều kiện, hoàn cảnh của mỗi bên cha/ mẹ để quyết định người có quyền trực tiếp nuôi dưỡng con. Đối với con từ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con
Thẩm quyền giải quyết ly hôn
Căn cứ Điều 28 và Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết ly hôn. Cụ thể như sau:
Thẩm quyền của Tòa án các cấp:
Tòa án cấp huyện: Giải quyết ly hôn trong hầu hết các trường hợp, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh
Tòa án cấp tỉnh: Giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài
Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ:
Trường hợp thuận tình ly hôn: Tòa án nơi một trong các bên thuận tình ly hôn cư trú, làm việc
Trường hợp đơn phương ly hôn: Tòa án nơi bị đơn (người bị ly hôn đơn phương) cứ trú, làm việc.
Như vậy, trong hầu hết các trường hợp thì thẩm quyền giải quyết ly hôn thuộc về Tòa án cấp huyện nơi vợ/ chồng cư trú, làm việc (nếu thuận tình ly hôn) hoặc nơi người bị ly hôn đơn phương cư trú, làm việc (nếu ly hôn đơn phương).
Lưu ý: Đối với trường hợp giải quyết ly hôn giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết ly hôn thuộc về cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam.
Hồ sơ yêu cầu ly hôn gồm những gì?
Hồ sơ yêu cầu ly hôn bao gồm những tài liệu sau đây:
Đơn yêu cầu giải quyết ly hôn thuận tình/ đơn phương
Giấy tờ tùy thân của hai bên vợ/chồng (CMND/CCCD/Hộ chiếu)
Giấy khai sinh của các con (nếu có)
Giấy tờ về tài sản chung của vợ chồng (nếu có)
Trong trường hợp yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung và quyền nuôi con thì có thể cung cấp thêm những tài liệu sau đây:
Giấy tờ chứng minh điều kiện, năng lực tài chính của vợ/ chồng trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc con
Giấy tờ chứng minh tài sản chung/ tài sản riêng của vợ chồng
Một số câu hỏi liên quan
Chồng vay tiền, vợ có phải trả nợ cùng không?
Về cơ bản, nếu trong trường hợp chỉ cá nhân người chồng thực hiện giao dịch vay tiền mà không có sự thỏa thuận, đồng ý từ phía người vợ thì khoản nợ này được xác định là nợ riêng và người chồng phải tự trả nợ bằng chính tài sản riêng của mình.
Tuy nhiên, trong trường hợp số tiền mà người chồng vay được sử dụng để đpá ứng các nhu cầu thiết yếu của gia đình hoặc thuộc một trong những trường hợp được liệt kê tại Điều 37 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì vẫn được xác định là nợ chung dù giao dịch vay tiền do cá nhân người chồng tự xác lập. Đối với trường hợp này thì người vợ cũng có nghĩa vụ trả nợ cùng với người chồng.
Chồng bạo lực gia đình, vợ có quyền ly hôn không?
Theo quy định tại Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, pháp luật hiện hành chỉ có quy định giới hạn về quyền yêu cầu ly hôn của người chồng khi vợ đang có tahi, sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi mà không giới hạn quyền yêu cầu ly hôn của người vợ.
Vì vậy, khi bị chồng bạo lực gia đình, người vợ hoàn toàn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn đơn phương (nếu người chồng không đồng ý ly hôn). Khi đó, Tòa án sẽ xem xét tình trạng hôn nhân của vợ chồng để giải quyết ly hôn theo quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
Dịch vụ tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình của Luật Việt An
Tư vấn các quy định chung của Luật Hôn nhân và gia đình;
Tư vấn, hoà giải ly hôn;
Tư vấn phân chia tài sản, con cái khi ly hôn;
Tư vấn các hình thức khởi kiện để bảo vệ quyền lợi;
Tư vấn viết đơn từ liên quan và hướng dẫn thủ tục khởi kiện;
Tư vấn thủ tục nhận nuôi con nuôi.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình, xin vui lòng liên hệ đến dịch vụ hỗ trợ của Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!