Khi đề nghị chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản, chủ đầu tư cần chuẩn bị hồ sơ trong đó bao gồm báo cáo quá trình thực hiện dự án bất động sản. Đây là mẫu văn bản được lập ra nhằm báo cáo tình hình triển khai tiến độ thực hiện dự án. Trong bài viết này, Luật Việt An sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về mẫu báo cáo này cho quý khách hàng theo quy định pháp luật mới nhất.
Căn cứ pháp lý
Luật Kinh doanh bất động sản 2014;
Luật Kinh doanh bất động sản 2023;
Nghị định 02/2022/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản.
Báo cáo quá trình thực hiện dự án kinh doanh bất động sản là gì?
Báo cáo quá trình thực hiện dự án bất động sản là mẫu văn bản báo cáo được lập ra để thực hiện việc báo cáo quá trình thực hiện một dự án bất động sản nào đó, nhằm nắm bắt tình hình triển khai tiến độ thực hiện dự án. Đây là một loại tìa liệu được yêu cầu trong hồ sơ của chủ đầu tư khi đề nghị chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản.
Nội dung cần có của Báo cáo
Để có một được một báo cáo hoàn chỉnh, chủ đầu tư cần tiến hành điền đầy đủ các thông tin như sau:
Thông tin của chủ đầu tư như tên chủ đầu tư; số Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đầu tư; địa chỉ; người đại diện; số điện thoại,…
Thông tin chung về dự án và phần dự án chuyển nhượng như tên dự án; địa chỉ; tổng mức đầu tư, tiến độ dự án;…
Quá trình thực hiện dự án: Chủ đầu tư cần tiến hành điền các thông tin như tình hình giải phóng mặt bằng; tình hình được giao đất, cho thuê đất; tình hình nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; tình hình xây dựng hạ tầng kỹ thuật; tiến độ đã thực hiện của dự án; tình hình huy động vốn;…
Các văn bản hồ sơ pháp lý của dự án như hồ sơ pháp lý về đầu tư; hồ sơ pháp lý về quy hoạch, xây dựng; hồ sơ pháp lý về đất đai; các hồ sơ, giấy tờ và thông tin khác nếu có;
Phần cuối chủ đầu tư thực hiện việc Ký, ghi rõ họ tên, chức vụ và đóng dấu.
Cụ thể Báo cáo theo Mẫu số 12 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 02/2022/NĐ-CP
Dự án bất động sản không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Kinh doanh bất động sản
Đối với dự án bất động sản dưới đây thì thực hiện chuyển nhượng theo quy định của pháp luật về đầu tư:
Dự án bất động sản được chấp thuận nhà đầu tư;
Dự án bất động sản được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Hồ sơ chuyển nhượng dự án bất động sản
Ngoài báo cáo trên thì khi lập hồ sơ đề nghị chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản, chủ đầu tư cần chuẩn bị cả các loại giấy tờ sau:
Đơn đề nghị chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản theo mẫu quy định tại Mẫu số 10Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 02/2022/NĐ-CP;
Dự thảo hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản theo quy định tại Điều 6 Nghị định 02/2022/NĐ-CP;
Các giấy tờ (bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có công chứng, chứng thực khi nộp hồ sơ) về dự án bất động sản chuyển nhượng, bao gồm: quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc văn bản cho phép đầu tư hoặc văn bản chấp thuận đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; quyết định phê duyệt dự án; quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc bản vẽ tổng mặt bằng; giấy tờ chứng minh đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng của dự án; giấy tờ chứng minh đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ ghi trong dự án (đối với trường hợp chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng); Giấy chứng nhận đối với dự án;
Báo cáo quá trình thực hiện dự án tính đến thời điểm chuyển nhượng theo mẫu quy định tại Mẫu số 12Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 02/2022/NĐ-CP như đã trình bày ở trên.
Ngoài ra đối với bên nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản, cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm một số tài liệu sau:
Đơn đề nghị được nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án theo mẫu quy định tại Mẫu số 11Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 02/2022/NĐ-CP;
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ chứng minh việc thành lập tổ chức (bản sao và xuất trình bản gốc để đối chiếu hoặc bản sao có công chứng hoặc chứng thực khi nộp hồ sơ);
Giấy tờ chứng minh năng lực tài chính; chứng minh các nguồn vốn huy động (nếu có) theo quy định của pháp luật để đảm bảo việc tiếp tục triển khai thực hiện dự án theo đúng tiến độ đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận; đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhận chuyển nhượng thì phải có giấy tờ chứng minh năng lực tài chính quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 02/2022/NĐ-CP.
Một số câu hỏi liên quan đến quá trình thực hiện dự án bất động sản
Liệu có bắt buộc phải báo cáo quá trình thực hiện dự án bất động sản khi chuyển nhượng dự án không?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định 02/2022/NĐ-CP về hồ sơ chuyển nhượng dự án bất động sản đối với chủ đầu tư chuyển nhượng, theo đó hồ sơ chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản của chủ đầu tư bao gồm Báo cáo quá trình thực hiện dự án tính đến thời điểm chuyển nhượng theo mẫu quy định tại Mẫu số 12 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 02/2022/NĐ- CP. Quy định này cho thấy báo cáo này là một trong những thành phần hồ sơ mà chủ đầu tư đề nghị chuyển nhượng dự án cần phải thực hiện. Trong đó, bản báo cáo được tính đến thời điểm thực hiện chuyển nhượng.
Điều kiện để được chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là gì?
Căn cứ theo quy định của Luật Kinh doạnh bất động sản 2014, cụ thể tại Điều 49 thì dự án bất động sản để được chuyển nhượng phải có các điều kiện như sau:
Thứ nhất, dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, đã có quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch tổng mặt bằng được phê duyệt;
Thứ hai, dự án, phần dự án chuyển nhượng đã hoàn thành xong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Còn đối với trường hợp chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tưxây dựng kết cấu hạ tầng thì phải xây dựng xong các công trình hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt;
Thứ ba, phải là dự án không có tranh chấp về quyền sử dụng đất, không bị kê biên để bảo đảm thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
Thứ tư, không có quyết định thu hồi dự án, thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trường hợp có vi phạm trong quá trình triển khai dự án thì chủ đầu tư phải chấp hành xong quyết định xử phạt.
Bên cạnh đó, lưu ý thêm chủ đầu tư nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản phải là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, có đủ năng lực tài chính và cam kết tiếp tục việc triển khai đầu tư xây dựng, kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, nội dung dự án.
Tại Luật Kinh doanh bất động sản 2023, điều kiện chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản được quy định tại Điều 40, theo đó dự án bất động sản chuyển nhượng phải đáp ứng thêm một số điều kiện như:
Dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận đầu tư; đã được lựa chọn hoặc công nhận chủ đầu tư đối với trường hợp dự án phải thực hiện thủ tục công nhận chủ đầu tư;
Dự án không bị đình chỉ, chấm dứt hoạt động hoặc không có quyết định thu hồi đất;
Trường hợp dự án hoặc phần dự án chuyển nhượng bị xử phạt vi phạm hành chính thì chủ đầu tư phải chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
Trường hợp dự án đang thế chấp để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật thì phải thực hiện giải chấp;
Dự án còn trong thời hạn thực hiện;
Đối với dự án bất động sản chuyển nhượng một phần dự án còn phải bảo đảm các hạng mục công trình xây dựng hoặc mục đích sử dụng, kinh doanh của các công trình xây dựng của phần dự án chuyển nhượng có thể độc lập được với phần dự án khác trong dự án bất động sản.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn hay tìm hiểu kỹ hơn về Báo cáo quá trình thực hiện dự án bất động sản, xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.
Bài viết được cập nhật đến tháng 4/2024, bất kỳ sự thay đổi về pháp luật nào chưa được cập nhật, vui lòng liên hệ đến Luật Việt An để được hỗ trợ.