Công ty chứng khoán đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của thị trường tài chính, là cầu nối giữa nhà đầu tư và các cơ hội đầu tư trên thị trường. Để thực hiện vai trò này, các công ty chứng khoán triển khai nhiều nghiệp vụ kinh doanh đa dạng nhằm cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp và đáp ứng nhu cầu phong phú của khách hàng. Việc hiểu rõ về các nghiệp vụ kinh doanh của công ty chứng khoán không chỉ giúp nhà đầu tư tối ưu hóa chiến lược đầu tư mà còn giúp tăng cường niềm tin và sự ổn định trong hoạt động của thị trường tài chính. Bài viết sau của Luật Việt An sẽ cung cấp các thông tin cần thiết về Các nghiệp vụ kinh doanh của công ty chứng khoán.
Công ty chứng khoán là gì?
Theo khoản 1 Điều 2 Thông tư 121/2020/TT-BTC, công ty chứng khoán là doanh nghiệp được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép thực hiện một, một số nghiệp vụ theo quy định tại khoản 1 Điều 72, các khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 86 Luật Chứng khoán 2019.
Các nghiệp vụ kinh doanh của công ty chứng khoán
Tại Điều 72 Luật Chứng khoán 2019 quy định công ty chứng khoán được cấp phép thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các nghiệp vụ sau:
Môi giới chứng khoán;
Tự doanh chứng khoán;
Bảo lãnh phát hành chứng khoán;
Tư vấn đầu tư chứng khoán.
Theo đó, công ty chứng khoán chỉ được cấp phép thực hiện nghiệp vụ tự doanh chứng khoán khi được cấp phép thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán.
Công ty chứng khoán chỉ được cấp phép thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán khi được cấp phép thực hiện nghiệp vụ tự doanh chứng khoán.
Nghiệp vụ môi giới chứng khoán
Môi giới chứng khoán là một hoạt động kinh doanh của công ty chứng khoán, trong đó công ty đóng vai trò trung gian, đại diện khách hàng thực hiện các giao dịch thông qua cơ chế giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán hoặc thị trường OTC. Tuy nhiên, khách hàng sẽ tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh tế của các giao dịch này.
Hoạt động môi giới chứng khoán yêu cầu công ty chứng khoán mở tài khoản giao dịch chứng khoán và tài khoản tiền riêng biệt cho từng khách hàng, dựa trên hợp đồng đã ký giữa hai bên.
Đồng thời, công ty chứng khoán cần ký hợp đồng lưu ký với tổ chức lưu ký để quản lý chứng khoán cho khách hàng. Phí hoa hồng môi giới thường được tính theo tỷ lệ phần trăm trên tổng giá trị giao dịch.
Tùy thuộc vào quy định của từng quốc gia và cơ chế hoạt động của các Sở Giao dịch Chứng khoán, có thể phân loại môi giới thành nhiều hình thức khác nhau.
Môi giới dịch vụ toàn diện (Full Service Broker): Đây là loại môi giới cung cấp đầy đủ các dịch vụ liên quan đến chứng khoán, bao gồm mua bán, lưu ký cổ phiếu, thu hộ cổ tức, hỗ trợ tài chính cho khách hàng thông qua các khoản vay tiền hoặc vay cổ phiếu để thực hiện giao dịch. Đặc biệt, họ còn cung cấp tài liệu và tư vấn đầu tư chuyên sâu để hỗ trợ khách hàng đưa ra quyết định hiệu quả.
Môi giới chiết khấu (Discount Broker): Loại môi giới này chỉ đảm nhiệm một số dịch vụ cơ bản, như mua bán chứng khoán thay khách hàng. Vì không kèm theo dịch vụ tư vấn hay phân tích thị trường, chi phí và hoa hồng cho loại hình môi giới này thường thấp hơn so với môi giới toàn diện.
Môi giới thừa hành (Execution Broker): Là các nhân viên làm việc tại các công ty chứng khoán thành viên của Sở giao dịch.
Họ được trả lương từ công ty và có nhiệm vụ thực hiện các lệnh mua bán chứng khoán trên sàn giao dịch, được gọi chung là “môi giới trên sàn” (Floor Broker).
Các lệnh này có thể được chuyển từ văn phòng công ty hoặc từ các môi giới đại diện. Đây là loại hình môi giới phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay.
Môi giới độc lập (Independent Broker): Những môi giới này hoạt động tự do, không đại diện cho bất kỳ công ty nào và nhận hoa hồng hoặc thù lao dựa trên dịch vụ thực hiện.
Họ tự chi trả phí để có vị trí làm việc tại Sở giao dịch, giống như các công ty chứng khoán thành viên.
Vai trò của họ chủ yếu là hỗ trợ các công ty khác trong việc xử lý khối lượng lớn lệnh giao dịch khi nhân viên của công ty không đáp ứng kịp.
Ban đầu, mức thù lao cho một lệnh tròn (100 cổ phiếu) là 2 đô la, nên họ còn được gọi là “môi giới 2 đô la”. Dù có vai trò tương tự môi giới thừa hành, họ hoạt động độc lập và không trực thuộc bất kỳ công ty chứng khoán nào.
Nhà môi giới chuyên môn (Specialist Broker): Tại các Sở giao dịch, mỗi loại chứng khoán thường được giao dịch tại một khu vực cụ thể, gọi là quầy giao dịch (Post).
Tại đây, một số nhà môi giới đảm nhiệm vai trò chuyên môn, chỉ giao dịch các loại chứng khoán nhất định.
Họ thực hiện hai chức năng chính: xử lý các lệnh giao dịch và điều tiết lệnh thị trường. Những chuyên gia này đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hoạt động giao dịch diễn ra hiệu quả và trơn tru.
Nghiệp vụ tự doanh chứng khoán
Nghiệp vụ tự doanh là hoạt động mà công ty chứng khoán tự thực hiện việc mua và bán chứng khoán vì lợi ích của chính mình.
Mục tiêu của nghiệp vụ tự doanh có thể là để thu lợi nhuận hoặc đôi khi để can thiệp và điều tiết giá cả trên thị trường. Chứng khoán tự doanh có thể bao gồm chứng khoán đã được niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK). Ngoài ra, công ty chứng khoán cũng có thể mua lại các lô chứng khoán lẻ từ khách hàng, sau đó ghép thành lô chẵn để thực hiện giao dịch trên TTCK.
Công ty chứng khoán phải bảo đảm có đủ nguồn lực tài chính và chứng khoán để thanh toán cho các lệnh giao dịch thuộc tài khoản của mình.
Ưu tiên thực hiện lệnh giao dịch của khách hàng trước lệnh của chính công ty.
Phải thông báo cho khách hàng khi công ty là đối tác trực tiếp trong giao dịch và không được thu phí giao dịch trong trường hợp này.
Không được phép mua/bán trước cùng loại chứng khoán với lệnh mua/bán của khách hàng nếu điều này có thể ảnh hưởng đáng kể đến giá của loại chứng khoán đó, đồng thời không được tiết lộ thông tin cho bên thứ ba để thực hiện giao dịch.
Khi khách hàng đặt lệnh giới hạn, công ty chứng khoán không được giao dịch cùng loại chứng khoán đó cho chính mình hoặc cung cấp thông tin cho bên thứ ba để thực hiện giao dịch.
Công ty không được mua hoặc bán chứng khoán cùng loại với lệnh giới hạn của khách hàng ở mức giá bằng hoặc tốt hơn trước khi lệnh của khách hàng được thực hiện.
Nghiệp vụ bảo lãnh phát hành
Bảo lãnh phát hành chứng khoán là việc tổ chức bảo lãnh phát hành cam kết với tổ chức phát hành thực hiện các thủ tục trước khi chào bán chứng khoán, nhận mua một phần hay toàn bộ chứng khoán của tổ chức phát hành để bán lại hoặc mua số chưng skhoans còn lại chưa được phân phối hết của tổ chức phát hành hoặc hỗ trợ tổ chức phát hành trong việc phân phối chứng khoán ra công chứng.
Công ty chứng khoán được cấp phép thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán được cung cấp dịch vụ:
Tư vấn hồ sơ chào bán chứng khoán, thực hiện các thủ tục trước khi chào bán chứng khoán;
Đại lý lưu ký, thanh toán, chuyển nhượng chứng khoán;
Tư vấn tái cơ cấu, hợp nhất, sáp nhập, tổ chức lại, mua bán doanh nghiệp;
Tư vấn đầu tư chứng khoán là việc công ty chứng khoán cung cấp cho nhà đầu tư kết quả phân tích, công bố báo cáo phân tích và khuyến nghị lien quan đến chứng khoán.
Theo khoản 4 Điều 86 Luật Chứng khoán 2019, công ty chứng khoán được cấp phép thực hiện nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán được ký hợp đồng cung cấp dịch vụ cho khách hàng về kết quả phân tích, báo cáo phân tích và đưa ra khuyến nghị liên quan đến việc mua, bán, nắm giữ chứng khoán.
Lưu ý:Ngoài các dịch vụ quy định tại mục 2.1, 2.2, 2.3, 2.4, công ty chứng khoán chỉ được cung cấp dịch vụ tài chính khác phù hợp với quy định của pháp luật sau khi báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bằng văn bản.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyền tạm ngừng, đình chỉ việc cung cấp dịch vụ tài chính khác của công ty chứng khoán nếu việc cung cấp dịch vụ đó trái với quy định của pháp luật hoặc gây rủi ro hệ thống thị trường chứng khoán.
Nguyên tắc hoạt động nghiệp vụ của công ty chứng khoán
Công ty chứng khoán khi thực hiện hoạt động nghiệp vụ phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
Phải ban hành các quy trình hoạt động cho các nghiệp vụ.
Phải ban hành quy tắc đạo đức hành nghề.
Công ty chứng khoán, nhân viên công ty chứng khoán không được thực hiện đầu tư thay cho khách hàng trừ trường hợp ủy thác quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân theo quy định tại Điều 19 Thông tư 121/2020/TT-BTC.
Có trách nhiệm trung thực với khách hàng, không được xâm phạm tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của khách hàng.
Thực hiện quản lý tách biệt tài sản của từng khách hàng, tách biệt tài sản của khách hàng với tài sản của công ty chứng khoán.
Có trách nhiệm ký hợp đồng với khách hàng khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng; cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin cho khách hàng.
Trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, công ty chứng khoán khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng không được trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện các hành vi sau:
Quyết định đầu tư chứng khoán thay cho khách hàng;
Thỏa thuận với khách hàng để chia sẻ lợi nhuận hoặc lỗ;
Quảng cáo, tuyên bố rằng nội dung, hiệu quả, hoặc các phương pháp phân tích chứng khoán của mình có giá trị cao hơn của công ty chứng khoán khác;
Có hành vi cung cấp thông tin sai sự thật để dụ dỗ hay mời gọi khách hàng mua bán một loại chứng khoán nào đó;
Cung cấp thông tin sai lệch, gian lận, hoặc gây hiểu nhầm cho khách hàng;
Các hành vi khác trái với quy định của pháp luật.
Thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán, thống kê, nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
Thực hiện công bố thông tin và báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác theo quy định của pháp luật.
Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu dự phòng để bảo đảm hoạt động an toàn và liên tục.
Thực hiện giám sát giao dịch chứng khoán theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Công ty chứng khoán phải thiết lập một bộ phận chuyên trách chịu trách nhiệm thông tin liên lạc với khách hàng và giải quyết các thắc mắc, khiếu nại của khách hàng.
Thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật chứng khoán và pháp luật có liên quan (Điều 4 Thông tư 121/2020/TT-BTC).
Một số câu hỏi liên quan về các nghiệp vụ kinh doanh của công ty chứng khoán
Điều kiện cấp chứng chỉ môi giới chứng khoán
Hiện nay, điều kiện cấp chứng chỉ môi giới chứng khoán đã được quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 21 Nghị định 86/2016/NĐ-CP.
Theo đó, chứng chỉ môi giới chứng khoán sẽ được cấp cho cá nhân khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
Quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 79 Luật chứng khoán năm 2019;
Có trình độ từ đại học trở lên;
Có các chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán bao gồm chứng chỉ: Những vấn đề cơ bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán, pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán, phân tích và đầu tư chứng khoán, môi giới chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán;
Đạt yêu cầu trong kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán phù hợp với loại chứng chỉ hành nghề chứng khoán đề nghị cấp.
Các hoạt động nào công ty chứng khoán phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Ủy ban chứng khoán Nhà nước trước khi hoạt động?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 87 Luật Chứng khoán 2019 thì công ty chứng khoán phải được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện các hoạt động sau đây:
Tạm ngừng hoạt động, trừ trường hợp tạm ngừng do nguyên nhân bất khả kháng;
Chào bán và niêm yết chứng khoán của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán tại nước ngoài;
Đầu tư gián tiếp ra nước ngoài;
Thành lập, đóng cửa chi nhánh, văn phòng đại diện trong nước và nước ngoài; thành lập công ty con tại nước ngoài; thay đổi nghiệp vụ kinh doanh tại chi nhánh; thành lập, đóng cửa phòng giao dịch;
Thay đổi tên, địa điểm chi nhánh, văn phòng đại diện, phòng giao dịch;
Thực hiện dịch vụ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 86 của Luật Chứng khoán 2019.
Có các hạn chế nào đối với công ty chứng khoán không?
Theo quy định tại Điều 91 Luật Chứng khoán 2019 thì các hạn chế đối với công ty chứng khoán gồm:
Không được đưa ra nhận định hoặc bảo đảm với khách hàng về mức thu nhập hoặc lợi nhuận đạt được trên khoản đầu tư của mình hoặc bảo đảm khách hàng không bị thua lỗ, trừ trường hợp đầu tư vào chứng khoán có thu nhập cố định.
Không được tiết lộ thông tin về khách hàng, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Không được thực hiện hành vi làm cho khách hàng và nhà đầu tư hiểu nhầm về giá chứng khoán.
Cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn khi thành lập của công ty chứng khoán không được chuyển nhượng cổ phần hoặc phần vốn góp của mình trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp giấy phép, trừ trường hợp chuyển nhượng giữa các cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn khi thành lập công ty.
Phải thực hiện hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ chứng khoán với danh nghĩa của chính mình; không được sử dụng danh nghĩa tổ chức, cá nhân khác hoặc cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng danh nghĩa của mình để kinh doanh, cung cấp dịch vụ chứng khoán.
Không được góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp của 01 công ty chứng khoán khác tại Việt Nam, trừ các trường hợp sau đây:
Mua để thực hiện hợp nhất, sáp nhập;
Mua để sở hữu hoặc cùng với người có liên quan (nếu có) sở hữu không quá 5% số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của công ty chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch.
Trên đây là tư vấn của Luật Việt An về vấn đề các nghiệp vụ kinh doanh của công ty chứng khoán. Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hay có nhu cầu hỗ trợ, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!