Trong bối cảnh số hóa ngày càng mạnh mẽ, hóa đơn điện tử đã trở thành một công cụ không thể thiếu trong các giao dịch kinh doanh. Tuy nhiên, cùng với sự tiện lợi, nhiều doanh nghiệp đặt ra câu hỏi Có thể xuất hóa đơn điện tử lùi ngày được không? Đây là một vấn đề pháp lý quan trọng, liên quan trực tiếp đến tính chính xác và minh bạch trong hoạt động kinh doanh. Bài viết sau của Luật Việt An sẽ cung các thông tin cần thiết về vấn đề này.
Hóa đơn điện tử là gì?
Căn cứ vào khoản 2 Điều 3 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, hóa đơn điện tử là một loại hóa đơn được thể hiện dưới dạng dữ liệu điện tử. Do bên bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập bằng phương tiện điện tử để ghi nhận thông tin bán hàng, cung cấp dịch vụ.
Hiện nay có 02 loại hóa đơn điện tử là hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế.
Từ ngày 01/7/2022, việc sử dụng hóa đơn điện tử đã trở thành bắt buộc đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam, theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Thông tư 78/2021/TT-BTC. Đây là bước chuyển mình quan trọng trong việc hiện đại hóa hệ thống Thuế và quản lý hóa đơn tại Việt Nam.
Có thể xuất hóa đơn điện tử lùi ngày được không?
Quy định về thời điểm xuất hóa đơn
Theo quy định tại Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP về thời điểm xuất hóa đơn thì:
Đối với hoạt động bán hàng hóa (bao gồm cả bán tài sản nhà nước, tài sản tịch thu, sung quỹ nhà nước và bán hàng dự trữ quốc gia): Là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Đối với hoạt động cung cấp dịch vụ: Là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền.
Ngoài ra, các trường hợp khác như bàn giao từng phần hoặc từng công đoạn, dịch vụ thì cũng phải xuất hóa đơn cho từng phần, khối lượng hàng hóa, dịch vụ được bàn giao.
Theo đó, doanh nghiệp không được phép xuất hóa đơn lùi ngày. Việc xuất hóa đơn điện tử lùi ngày là hành vi không đúng quy định pháp luật về thời điểm lập hóa đơn và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn theo quy định tại Điều 24 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xuất lùi hóa đơn thế nào?
Theo quy định tại Điều 24 Nghị định 125/2020/NĐ-CP được bổ sung bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định 102/2021/NĐ-CP thì doanh nghiệp không được phép xuất hóa đơn điện tử lùi ngày.
Trường hợp lập hóa đơn không đúng thời điểm hoặc lùi ngày sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn. Mức phạt cụ thể như sau:
Phạt cảnh cáo: Lập hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế và có tình tiết giảm nhẹ;
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng: Đối với hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng: Lập hóa đơn không đúng thời điểm theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1, khoản 3 Điều 24 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
Lưu ý: Mức phạt tiền trên áp dụng đối với tổ chức, mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Một số câu hỏi liên quan về vấn đề xuất hóa đơn
Định dạng hóa đơn điện tử được quy định như thế nào?
Theo quy định Điều 12 Nghi định 123/2020/NĐ-CP quy định định dạng hóa đơn điện tử là tiêu chuẩn kỹ thuật quy định kiểu dữ liệu, chiều dài dữ liệu của các trường thông tin phục vụ truyền nhận, lưu trữ và hiển thị hóa đơn điện tử.
Định dạng hóa đơn điện tử sử dụng ngôn ngữ định dạng văn bản XML.
Định dạng hóa đơn điện tử gồm 02 thành phần:
Thành phần chứa dữ liệu nghiệp vụ hóa đơn điện tử
Thành phần chứa dữ liệu chữ ký số.
Đối với hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế thì có thêm thành phần chứa dữ liệu liên quan đến mã cơ quan thuế.
Bán hàng trước xuất hóa đơn sau có được không?
Bán hàng trước xuất hóa đơn sau được xem là hành vi xuất hóa đơn không đúng thời điểm và sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 24 Nghị định 125/2020/NĐ-CP đã nêu ở trên, tùy thuộc vào mức độ vi phạm.
Trường hợp nào thì người nộp thuế sẽ ngừng sử dụng hóa đơn điện tử?
Căn cứ vào khoản 1 Điều 16 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định người nộp thuế phải ngừng sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, ngừng sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế khi thuộc một trong những trường hợp trên.
Hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ bao gồm những hành vi nào?
Hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ được quy định tại Điều 5 Nghị định 123/2020/NĐ-CP như sau:
Đối với công chức thuế:
Gây phiền hà, khó khăn cho tổ chức, cá nhân đến mua hóa đơn, chứng từ;
Có hành vi bao che, thông đồng cho tổ chức, cá nhân để sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp;
Nhận hối lộ khi thanh tra, kiểm tra về hóa đơn.
Đối với tổ chức, cá nhân bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan:
Thực hiện hành vi gian dối như sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn;
Cản trở công chức thuế thi hành công vụ, cụ thể các hành vi cản trở gây tổn hại sức khỏe, nhân phẩm của công chức thuế khi đang thanh tra, kiểm tra về hóa đơn, chứng từ;
Truy cập trái phép, làm sai lệch, phá hủy hệ thống thông tin về hóa đơn, chứng từ;
Đưa hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác liên quan hóa đơn, chứng từ nhằm mưu lợi bất chính.
Trên đây là tư vấn của Luật Việt An về vấn đề có thể xuất hóa đơn điện tử lùi ngày được không? Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hay có nhu cầu hỗ trợ, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!