Đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký KD
Để thành lập doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền thực hiện đăng ký doanh nghiệp với Cơ quan đăng ký kinh doanh theo phương thức: trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính, qua mạng điện tử sử dụng chữ ký số công cộng, qua mạng điện tử sử dụng Tài khoản đăng ký kinh doanh. Sau đây, Luật Việt An sẽ tư vấn những lưu ý về đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại cơ quan đăng ký kinh doanh.
Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trực tiếp được nộp đến cơ quan nào?
Theo Khoản 1 Điều 26 Luật Doanh nghiệp 2020, cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp đăng ký doanh nghiệp.
Như vậy hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được nộp trực tiếp đến Cơ quan đăng ký kinh doanh, cụ thể là Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Thông tin một số Phòng Đăng ký kinh doanh của các tỉnh như sau:
Tại Hà Nội
Tòa nhà Trung tâm giao dịch công nghệ thường xuyên Hà Nội – Khu liên cơ Võ Chí Công, số 258 đường Võ Chí Công, phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Cán bộ, công chức thuộc Phòng Đăng ký kinh doanh làm việc tại Tầng 6 – Tòa nhà 27 tầng; Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Tầng 1, 2 – Tòa nhà 7 tầng).
Số điện thoại: 024.38256637/ 0928 383838
Tại TP Hồ Chí Minh
Bộ phận Một cửa thuộc Phòng Đăng ký kinh doanh (Địa chỉ: Số 90G Trần Quốc Toản, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh)
Ưu điểm, nhược điểm của hình thức đăng ký doanh nghiệp trực tiếp
So với hình thức đăng ký doanh nghiệp trực tuyến qua mạng thông tin điện tử, việc đăng ký doanh nghiệp trực tuyến có một số ưu điểm, nhược điểm như sau:
Ưu điểm
Việc đăng ký trực tiếp nên không xảy ra tình trạng lỗi hệ thống trong quá trình xử lý hồ sơ, dẫn đến việc chậm trễ hoặc sai sót trong việc cấp giấy phép kinh doanh như đăng ký trực tuyến.
Trong quá trình đăng ký trực tiếp, người đăng ký có thể nhận được sự hỗ trợ trực tiếp từ nhân viên về các thắc mắc hay vấn đề phát sinh.
Nhược điểm
Tốn kém thời gian và chi phí đi lại hơn so với quy trình đăng ký trực tuyến
Việc nộp hồ sơ bị giới hạn bới giờ hoạt động của cơ quan nhà nước.
Hồ sơ đăng ký kinh doanh trực tiếp được xử lý lâu hơn so với đăng ký trực tuyến.
Vẫn phải nộp lệ phí đăng ký doanh nghiệp, chứ không được miễn lệ phí như hình thức đăng ký qua mạng điện tử.
Lưu ý trường hợp ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp trực tiếp
Qúy khách hàng có thể ủy quyền cho tổ chức, cá nhân để tiến hành thủ tục nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại cơ quan đăng ký KD. Tuy nhiên, cần lưu ý như sau:
Trường hợp ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp
Kèm theo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải có văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp và bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân được ủy quyền.
Văn bản ủy quyền này không bắt buộc phải công chứng, chứng thực.
Trường hợp ủy quyền cho tổ chức thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp
Kèm theo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải có:
Bản sao hợp đồng cung cấp dịch vụ với tổ chức làm dịch vụ thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp.
Giấy giới thiệu của tổ chức đó cho cá nhân trực tiếp thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp và bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân người được giới thiệu.
Trường hợp ủy quyền cho đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính công ích thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp
Khi thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, nhân viên bưu chính phải nộp bản sao phiếu gửi hồ sơ theo mẫu do doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích phát hành có chữ ký xác nhận của nhân viên bưu chính và người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
Trường hợp ủy quyền cho đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính không phải là bưu chính công ích thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp
Kèm theo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải có:
Bản sao hợp đồng cung cấp dịch vụ với tổ chức làm dịch vụ thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp;
Giấy giới thiệu của tổ chức đó cho cá nhân trực tiếp thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp và bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân người được giới thiệu.
Thủ tục đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký KD bao gồm những bước nào?
Bước 1: Cung cấp tài liệu, giấy tờ cho Luật Việt An
Qúy khách hàng có thể ủy quyền cho Công ty Luật Việt An tiến hành thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
Để hoàn thiện bộ hồ sơ, quý khách hàng cần lưu ý cung cấp những tài liệu, giấy tờ như sau:
Điều lệ công ty.
Danh sách thành viên/cổ đông/chủ sở hữu.
Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên công ty là tổ chức
Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp công ty thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài.
Tài liệu về quyền sử dụng đất, địa chỉ trụ sở công ty,…
Hợp đồng góp vốn, hợp đồng thành lập công ty,…
Bước 2: Luật Việt An tiến hành soạn thảo hồ sơ
Luật Việt An sẽ tiến hành soạn thảo và hoàn thiện bộ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP. Tùy vào loại hình doanh nghiệp mà hồ sơ đăng nghiệp sẽ có thành phần hồ sơ khác nhau.
Lưu ý: Các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được lập bằng tiếng Việt. Trường hợp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp có tài liệu bằng tiếng nước ngoài thì hồ sơ phải có bản dịch tiếng Việt công chứng kèm theo tài liệu bằng tiếng nước ngoài.
Bước 3: Nộp hồ sơ tại Phòng ĐKKD
Người nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP nộp hồ sơ tại Bộ phận Một cửa thuộc Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Lưu ý, người nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp nộp phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
Bước 4: Phòng ĐKKD xử lý hồ sơ
Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ.
Sau khi trao Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ, Phòng Đăng ký kinh doanh nhập đầy đủ, chính xác thông tin trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và tải các văn bản đã được số hóa trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ hoặc tên doanh nghiệp yêu cầu đăng ký không đúng theo quy định, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.
Bước 5: Cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Phòng Đăng ký kinh doanh chấp thuận hồ sơ trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và trả kết quả cho doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Kết quả thủ tục hành chính: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Doanh nghiệp có quyền hoạt động kinh doanh kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Bước 6: Công bố nội dụng đăng ký doanh nghiệp
Các nội dung công bố quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 32 Luật Doanh nghiệp. Thông tin công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp được đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Lưu ý, việc đề nghị công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp và nộp phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp được thực hiện tại thời điểm doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
Lưu ý về thanh toán phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp
Mức thu phí, lệ phí (Theo Thông tư số 47/2019/TT-BTC)
Người nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp nộp phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
Phương thức thanh toán
Phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp có thể được nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh hoặc chuyển vào tài khoản của Phòng Đăng ký kinh doanh hoặc sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử.
Lệ phí đăng ký doanh nghiệp không được hoàn trả cho doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp không được cấp đăng ký doanh nghiệp.
Có được rút hồ sơ khi đang tiến hành thủ tục đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký KD không?
Theo Khoản 5 Điều 32 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp có thể dừng thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp khi hồ sơ đăng ký doanh nghiệp chưa được chấp thuận trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Trong trường hợp này, người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp gửi văn bản đề nghị dừng thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đã nộp hồ sơ.
Phòng Đăng ký kinh doanh xem xét, ra thông báo về việc dừng thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp và hủy hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy trình trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị.
Nếu quá thời hạn mà không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì xử lý như thế nào?
Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Nếu quá thời hạn trên mà không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thì người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Trên đây là tư vấn của Luật Việt An về Đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký KD. Qúy khách hàng có nhu cầu hỗ trợ thủ tục đăng ký doanh nghiệp, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!