Khi điều khoản giải quyết tranh chấp cả bằng tòa án và bằng trọng tài thì thẩm quyền xác định như thế nào?
Trong các phương thức giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại hiện nay, trọng tài thương mại được xem có nhiều ưu điểm giúp quá trình giải quyết tranh chấp nhanh chóng, hiệu quả hơn. Để vụ tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài thì các bên trong tranh chấp phải tồn tại thỏa thuận trọng tài. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp các bên trong tranh chấp có điều khoản giải quyết tranh chấp cả bằng tòa án và bằng trọng tài thì thẩm quyền xác định như thế nào?
Căn cứ pháp lý
Luật Trọng tài thương mại năm 2010;
Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trọng tài thương mại năm 2010.
Quy định của pháp luật quốc tế về xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp
Quy định Luật Mẫu UNCITRAL
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Luật Mẫu UNCITRAL về trọng tài thương mại quốc tế quy định: “Tòa án tiếp nhận đơn kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp về một vấn đề đã có thỏa thuận trọng tài sẽ phải trả lại đơn kiện cho các bên để đưa tranh chấp ra trọng tài giải quyết nếu có yêu cầu của một trong các bên được đua ra chậm nhất vào ngày bên đó nộp bản luận cứ bảo vệ đầu tiên về nội dung tranh chấp, trừ trường hợp tòa án thấy rằng thỏa thuận trọng tài đó vô hiệu hoặc không thể thực hiện được”.
Công ước New York
Công ước New York cũng quy định giống pháp luật trọng tài Việt Nam, thừa nhận thẩm quyền của trọng tài khi các bên tranh chấp có thỏa thuận trọng tài, trường hợp tòa án xét thấy thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc không thực hiện được thì có quyền thụ lý.
Tuy nhiên, công ước New York quy định khác so với Luật Trọng tài thương mại năm 2010 ở chỗ, trường hợp các bên tranh chấp có thỏa thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại tòa án thì chỉ khi có yêu cầu của bên kia tòa án mới cần phải đưa các bên tới trọng tài. Theo quy định của Công ước New York có thể hiểu nếu các bên có thỏa thuận trọng tài, một bên nộp đơn kiện tại tòa án, tòa án vẫn sẽ thụ lý giải quyết trừ trường hợp một bên tranh chấp đưa ra chứng cứ để chứng minh có thỏa thuận trọng tài giữa các bên.
Khi điều khoản giải quyết tranh chấp cả bằng tòa án và bằng trọng tài thì thẩm quyền xác định như thế nào?
Căn cứ Khoản 4 Điều 2 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP quy định về cách xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa trọng tài, tòa án theo quy định Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Trường hợp các bên vừa có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, vừa có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng tòa án mà các bên không có thỏa thuận lại hoặc thỏa thuận mới về cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp và không thuộc trường hợp quy định pháp luật mà phát sinh tranh chấp thì xử lý như sau:
Trường hợp người khởi kiện yêu cầu trọng tài giải quyết tranh chấp trước khi yêu cầu tòa án hoặc khi tòa án chưa thụ lý
Trường hợp người khởi kiện yêu cầu trọng tài giải quyết tranh chấp trước khi yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp hoặc yêu cầu trọng tài giải quyết tranh chấp khi tòa án chưa thụ lý vụ án quy định thì tòa án căn cứ quy định để từ chối thụ lý, giải quyết.
Trong trường hợp này, khi nhận được đơn khởi kiện tòa án phải trả lại đơn khởi kiện, nếu đã thụ lý vụ án thì căn cứ quy định pháp luật tố tụng dân sự ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án vì không thuộc thẩm quyền của tòa án, trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu gửi kèm theo đơn khởi kiện.
Trường hợp người khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp
Trường hợp người khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp, thì ngay sau khi nhận được đơn khởi kiện, tòa án phải xác định một trong các bên đã yêu cầu trọng tài giải quyết hay chưa.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện mà tòa án xác định người bị kiện, người khởi kiện đã yêu cầu trọng tài giải quyết tranh chấp thì tòa án trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện.
Trường hợp người bị kiện, người khởi kiện chưa yêu cầu trọng tài giải quyết tranh chấp thì tòa án xem xét thụ lý giải quyết theo thủ tục chung.
Trường hợp tòa án đã thụ lý vụ án mà phát hiện có yêu cầu trọng tài giải quyết trước khi tòa thụ lý vụ án
Trường hợp tòa án đã thụ lý vụ án mà phát hiện tranh chấp đã có yêu cầu trọng tài giải quyết trước thời điểm tòa án thụ lý vụ án thì tòa án căn cứ quy định pháp luật tố tụng dân sự về trả lại đơn khởi kiện ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án vì không thuộc thẩm quyền của tòa án, trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu gửi kèm theo đơn khởi kiện.
Trường hợp các bên tranh chấp đã có thỏa thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại tòa án
Căn cứ theo Điều 6 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định: “Trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thỏa thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại tòa án thì tòa án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được”. Theo quy định tại Điều 6 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 có thể 2 trường hợp sau:
Trường hợp thứ nhất, các bên tranh chấp có thỏa thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại tòa án thì tòa án phải từ chối thụ lý. Để xác định được các bên tranh chấp có thỏa thuận trọng tài hay không tòa án phải dựa trên các chứng cứ, hợp đồng và các phụ lục của hợp đồng mà bên nguyên đơn gửi đến tòa. Ngoài ra thỏa thuận trọng tài giữa các bên phải được lập thành văn bản mới có giá trị pháp lý.
Trường hợp thứ hai, các bên có thỏa thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại tòa án nếu tòa án xác định được các bên có thỏa thuận trọng tài nhưng thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc không thể thực hiện được thì tòa án có quyền thụ lý giải quyết.
Ngoài ra, Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 tại Điều 2 đã xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại giữa trọng tài và tòa án theo quy định của Luật Trọng tài thương mại. Theo đó, khi có đơn yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp, tòa án phải yêu cầu cung cấp tranh chấp đó đã có thỏa thuận trọng tài chưa, đồng thời tòa án phải kiểm tra tài liệu gửi kèm để xác định tranh chấp đó thuộc thẩm quyền xét xử hay không.
Trường hợp tranh chấp không có thỏa thuận trọng tài hoặc đã có bản án, phán quyết trọng tài có hiệu lực pháp luật xác định không có thỏa thuận trọng tài thì tòa án thụ lý giải quyết.
Trường hợp đã có thỏa thuận trọng tài và không thuộc các trường hợp có phán quyết của tòa án hủy quyết định của trọng tài, có quyết định đình chỉ giải quyết của hội đồng trọng tài thì tòa án căn cứ quy định pháp luật tố tụng dân sự để thụ lý và giải quyết tranh chấp.
Trường hợp trọng tài đang giải quyết vụ tranh chấp thì dù tòa án nhận thấy tranh chấp không thuộc thẩm quyền của trọng tài, không có thỏa thuận trọng tài hoặc đã có thỏa thuận trọng tài những thuộc một trong các trường hợp nói trên thì tòa án trả lại đơn cho người khởi kiện.
Trường hợp đã thụ lý thì tòa án phải ra quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp trừ trường hợp tòa án đã thụ lý trước khi có yêu cầu trọng tài giải quyết tranh chấp. Giải quyết vụ án vì không thuộc thẩm quyền của tòa án, trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu gửi kèm theo đơn khởi kiện.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn pháp luật doanh nghiệp, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An để được hỗ trợ nhanh nhất, hiệu quả nhất!