Giải quyết tranh chấp phân chia lợi nhuận kinh doanh
Tranh chấp phân chia lợi nhuận trong kinh doanh là một trong những vấn đề mà nhiều doanh nghiệp gặp phải bởi lợi nhuận liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của các thành viên khi cùng hợp tác kinh doanh. Tuy nhiên, việc phân chia lợi nhuận không công bằng và không phù hợp với phần vốn góp của các thành viên dẫn đến tranh chấp xảy ra và pháp luật nước ta hiện nay cũng đã có các quy định nhằm bảo vệ điều đó. Trong bài viết dưới đây, Luật Việt An sẽ trình bày những nội dung pháp lý có liên quan đến vấn đề giải quyết tranh chấp phân chia lợi nhuận trong kinh doanh.
Cơ sở pháp lý
Luật Doanh nghiệp 2020;
Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
Luật Trọng tài thương mại 2010.
Quyền được phân chia lợi nhuận là gì?
Lợi nhuận là khoản chênh lệch giữa doanh thu và chi phí mà doanh nghiệp đã bỏ ra, lợi nhuận là kết quả tài chính cuối cùng của hoạt động sản xuất, kinh doanh, các hoạt động tài chính và các hoạt động khác đưa lại.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp các thành viên được chia lợi nhuận tương ứng với phần vốn đã góp sau khi công ty đã nộp đủ thuế và hoàn thành các nghĩa vụ về tài chính đã được pháp luật quy định và việc nhận lợi nhuận phù hợp với mức theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông. Tuy nhiên, việc phân chia lợi nhuận phải đáp ứng đủ các điều kiện theo Điều 69 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Như vậy, việc được phân chia lợi nhuận là quyền cơ bản của mỗi cổ đông và công ty phải có trách nhiệm chi trả lợi nhuận tương ứng với phần vốn góp của cổ đông kể cả khi công ty kinh doanh không có lãi.
Phương thức giải quyết tranh chấp phân chia lợi nhuận
Theo quy định của pháp luật nước ta hiện nay, các bên có thể lựa chọn việc giải quyết các tranh chấp đòi lại tài sản bằng các phương thức như sau:
Thương lượng
Đây là một trong những biện pháp để giải quyết tranh chấp mà không cần đến sự can thiệp của bên thứ ba. Các bên nỗ lực giải quyết tranh chấp bằng cách ngồi lại bàn bạc, thỏa thuận một cách thiện chí nhằm đạt được một giải pháp đồng thuận giữa các bên tranh chấp.
Hòa giải
Đây là phương thức giải quyết tranh chấp với sự tham gia của bên thứ ba thường là bên trung gian đã có kinh nghiệm. Việc có sự tham gia của bên thứ ba có thể giúp đảm bảo được tính công bằng và quyết định hòa giải được tôn trọng. Phương pháp này mang lại sự linh hoạt trong quá trình giải quyết tranh chấp và không phải tuân theo các quy định nghiêm ngặt như giải quyết ở tòa án.
Trọng tài
Giải quyết tranh chấp bằng biện pháp trọng tài là do các bên tự thỏa thuận và tuân theo các quy định của Luật Trọng tài thương mại. Thỏa thuận trọng tài có thể lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp. Quyết định của trọng là chung thẩm có giá trị bắt buộc đối với các bên tranh chấp. Các bên có quyền yêu cầu hủy phán quyết của trọng tài trong các trường hợp được quy định tại Điều 68 và Điều 69 Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Biện pháp này bắt đầu khi các bên tranh chấp chấp nhận giải quyết thông qua trọng tài. Giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài làm gia tăng tính minh bạch và đảm bảo công bằng trong quá trình giải quyết.
Tòa án
Đây là biện pháp giải quyết tranh chấp cuối cùng khi không thể hòa giải và thương lượng, các bên tranh chấp nộp đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền và yêu cầu Tòa án giải quyết. Đối với biện pháp giải quyết tranh chấp bằng Tòa án thì quyết định của Tòa mang tính chất bắt buộc, nếu không chấp hành sẽ chịu sự cưỡng chế từ cơ quan thi hành án.
Cơ chế và thẩm quyền giải quyết tranh chấp phân chia lợi nhuận
Cơ chế
Việc giải quyết tranh chấp giữa các thành viên trong công ty cụ thể ở đây là việc phân chia lợi nhuận thì ưu tiên áp dụng điều lệ của doanh nghiệp nếu như điều lệ có quy định và quy định không được trái với pháp luật. Theo khoản 2 Điều 24 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định nguyên tắc giải quyết tranh chấp trong nội bộ công ty. Tuy nhiên, nếu không thể giải quyết nội bộ các bên tranh chấp có thể khởi kiện ra 2 cơ quan giải quyết tranh chấp:
Tòa án;
Trọng tài thương mại.
Thẩm quyền
Theo Điều 30 Bộ luật Tố tụng năm 2015 quy định những tranh chấp phát sinh trong kinh doanh, thương mại giữa các cá nhân và tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Cũng tại Điều 37 của Bộ luật này quy định các tranh chấp về dân sự, kinh doanh, thương mại thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm (trừ các trường hợp theo quy định của Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện).
Các tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan Trọng tài hoặc các bên đã có thỏa thuận trọng tài thì tranh chấp sẽ được giải quyết bằng hình thức Trọng tài thương mại. Tuy nhiên, thỏa thuận trọng tài phải không bị vô hiệu và không thuộc các trường hợp không thể thực hiện theo quy định tại Điều 43 Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Nếu các bên tranh chấp có thỏa thuận trọng tài thì Tòa án sẽ không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trừ các trường hợp thỏa thuận bị vô hiệu và không thể thực hiện theo quy định của pháp luật.
Thủ tục giải quyết tranh chấp phân chia lợi nhuận trong kinh doanh
Tại Tòa án
Để tiến hành khởi kiện giải quyết tranh chấp phân chia lợi nhuận tại Tòa án, hồ sơ khởi kiện bao gồm:
Đơn khởi kiện (đảm bảo các nội dung theo quy định tại Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015);
Bản sao các giấy tờ (chứng nhận nhân thân của mình và người có liên quan trong tranh chấp; các tài liệu, bằng chứng cho việc khởi kiện tranh chấp về phân chia lợi nhuận của mình là có căn cứ pháp lý và đúng theo quy định của pháp luật…).
Người khởi kiện có thể gửi đơn kiện kèm theo các tài liệu, minh chứng mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp bằng các phương thức sau:
Nộp trực tiếp tại Tòa án;
Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử thông qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Tòa án xem xét hồ sơ và thụ lý nếu tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa và thực các quy trình theo quy định của pháp luật.
Lưu ý: Trong trường hợp tổ chức khởi kiện là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu phải tuân theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Ngày khởi kiện được tính là ngày đương sự nộp đơn khởi kiện tại Tòa án hoặc ngày ghi trên dấu của tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi, trường hợp gửi đơn khởi kiện bằng phương thức trực tuyến thì ngày khởi kiện là ngày gửi đơn.
Tại Trọng tài Thương mại
Trường hợp giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài, nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện gửi đến Trung tâm trọng tài. Đơn khởi kiện bao gồm các nội dung sau:
Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
Tên, địa chỉ của các bên và tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);
Tóm tắt nội dung tranh chấp;
Cơ sở và chứng cứ khởi kiện (nếu có);
Các yêu cầu cụ thể của nguyên đơn và giá trị của tranh chấp;
Tên, địa chỉ người được nguyên đơn chọn làm trọng tài viên hoặc đề nghị chỉ định Trọng tài viên.
Ngoài ra, kèm theo đơn kiện phải có thỏa thuận trọng tài, bản chính hoặc bản sao các tài liệu có liên quan.
Lưu ý: Thời điểm bắt đầu tố tụng trọng tài được tính từ khi Trung tâm trọng tài nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn nếu các bên không có thỏa thuận khác. Nếu các bên có thỏa thuận khác thì thời điểm bắt đầu tố tụng trọng tài được tính từ khi bị đơn nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn.
Dịch vụ giải quyết tranh chấp phân chia lợi nhuận kinh doanh của Luật Việt An
Tư vấn, hỗ trợ về mặt pháp lý các vấn đề có liên quan đến giải quyết tranh chấp phân chia lợi nhuận kinh doanh
Hướng dẫn, chuẩn bị hồ sơ khởi kiện giải quyết tranh chấp phân chia lợi nhuận trong kinh doanh
Quý khách hàng có thắc mắc hoặc có nhu cầu về mặt pháp lý liên quan đến giải quyết tranh chấp phân chia lợi nhuận kinh doanh, xin vui lòng liên hệ Công ty luật Việt An để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất!