Mã ngành nghề đăng ký kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy
Các vụ hoả hoạn, chập cháy diễn ra ngày càng nhiều, gây thiệt hại vô cùng lớn cho xã hội. Ngày càng nhiều người người quan tâm đến việc phòng, chữa cháy. Cũng chính vì vậy mà cũng có những doanh nghiệp có ý tưởng mở ra dịch vụ kinh doanh phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, mã ngành nghề đăng ký kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy là gì và các vấn đề liên quan đến thành lập cơ sở kinh doanh dịch vụ này vẫn còn nhiều doanh nghiệp đang khá thắc mắc. Trong bài viết này Luật Việt An sẽ trình bày rõ ràng hơn về vấn đề này.
Căn cứ pháp lý
Luật doanh nghiệp 2020;
Quyết định 27/2018/QĐ-TTG ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam;
Nghị định 136/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng cháy và chữa cháy, Luật phòng cháy và chữa cháy sửa đổi
Điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy
Theo quy định tại Điều 41 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, các cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy phải đảm bảo các điều kiện như sau:
Hình thức kinh doanh
Các loại cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy, bao gồm: Doanh nghiệp; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; chi nhánh, cơ sở trực thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; đơn vị sự nghiệp thuộc các cơ quan, tổ chức; hộ kinh doanh.
Người đứng đầu cơ sở kinh doanh
Người đứng đầu hoặc người đại diện theo quy định của cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy phải thoả mãn các điều kiện sau đây: họ phải có văn bằng hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy và tên của họ phải xuất hiện trong một trong các tài liệu sau: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, đơn vị trực thuộc doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Giấy phép hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp; Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; văn bản thành lập hoặc cho phép hoạt động kèm theo văn bản thông báo mã số thuế đối với đơn vị sự nghiệp.
Cơ sở vật chất
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy phải có cơ sở vật chất, phương tiện và thiết bị đảm bảo cho việc kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy, tuân theo các quy định sau đây:
Đối với cơ sở kinh doanh về tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm định, tư vấn giám sát về phòng cháy và chữa cháy: Cần có địa điểm hoạt động, phương tiện và thiết bị đảm bảo việc tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm định, tư vấn giám sát về phòng cháy và chữa cháy.
Đối với cơ sở kinh doanh về tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy: Cần có phòng thí nghiệm và thiết bị kiểm định được cơ quan có thẩm quyền công nhận chất lượng.
Đối với cơ sở kinh doanh về tư vấn chuyển giao công nghệ phòng cháy và chữa cháy, huấn luyện và hướng dẫn về nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy: Cần có phương tiện, thiết bị để thực hiện tư vấn chuyển giao công nghệ, phương tiện và thiết bị cho việc huấn luyện và địa điểm tổ chức huấn luyện và hướng dẫn về nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy.
Đối với cơ sở kinh doanh về thi công và lắp đặt hệ thống phòng cháy và chữa cháy: Cần có phương tiện, thiết bị và máy móc để đảm bảo việc thi công và lắp đặt hệ thống phòng cháy và chữa cháy.
Đối với cơ sở kinh doanh về sản xuất và lắp ráp phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy: Cần có địa điểm hoạt động, nhà xưởng, phương tiện, thiết bị và máy móc để đảm bảo quá trình sản xuất, lắp ráp, và thử nghiệm phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy.
Điều kiện nhân sự
Ngoài các điều kiện về người đứng đầu và cơ sở vật chất như trên thì một số cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy đặc thù cần phải đáp ứng thêm:
Cơ sở kinh doanh về tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm định, tư vấn giám sát về phòng cháy và chữa cháy cần phải có ít nhất hai cá nhân có chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy, trong đó có ít nhất một cá nhân giữ chức danh chủ trì thiết kế, thẩm định, và giám sát về phòng cháy và chữa cháy.
Cơ sở kinh doanh về tư vấn kiểm tra và kiểm định kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy cần phải có ít nhất hai cá nhân có chứng chỉ hành nghề.
Cơ sở kinh doanh về tư vấn chuyển giao công nghệ phòng cháy và chữa cháy, huấn luyện và hướng dẫn về nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy cần phải có ít nhất một người có trình độ đại học trở lên trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy hoặc một trình độ đại học trở lên trong lĩnh vực khác liên quan và được cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy.
Cơ sở kinh doanh về thi công và lắp đặt hệ thống phòng cháy và chữa cháy cần phải có ít nhất một chỉ huy thi công được cấp chứng chỉ hành nghề chỉ huy thi công về phòng cháy và chữa cháy theo quy định.
Cơ sở kinh doanh về sản xuất và lắp ráp phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy phải có ít nhất một người có trình độ đại học trở lên trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy hoặc trình độ đại học trở lên trong lĩnh vực khác liên quan và được cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy.
Lưu ý:
Các cá nhân đã sử dụng văn bằng hoặc chứng chỉ để đảm bảo cho một cơ sở đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy không được sử dụng văn bằng hoặc chứng chỉ đó để đảm bảo cho một cơ sở khác đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy.
Mã ngành nghề đăng ký kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy
Khi đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp cần chú ý lựa chọn mã ngành nghề phù hợp với các dịch vụ mà doanh nghiệp mình cung cấp. Sau đây là một số mã ngành nghề kinh doanh về phòng cháy chữa cháy, doanh nghiệp có thể thảo khảo để lựa chọn mã ngành nghề phù hợp với mình:
Mã ngành nghề
Tên ngành
3319
Sửa chữa thiết bị khác
Cụ thể: Bơm, nạp bình chữa cháy
4329
Lặp đặt hệ thống xây dựng khác
Cụ thể: Lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy
4669
Bán buôn chuyên doanh khác chưa được phân vào đâu. Chi tiết: Bán buôn bình chữa cháy; Bán buôn thiết bị, dụng cụ bảo hộ lao động; Bán buôn thiết bị, dụng cụ phòng cháy chữa cháy; Bán buôn xe chữa cháy. Bán buôn mực bơm. Nạp bình cứu hỏa.
7110
Hoạt động kiến trúc và tư vấn kỹ thuật có liên quan . Chi tiết: Tư vấn, thiết kế phòng cháy chữa cháy; Hoạt động dịch vụ phòng cháy chữa cháy. Hoạt động bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy. Hoạt động bảo trì, bảo dưỡng hệ thống phòng cháy chữa cháy.
4322
Lắp đặt hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống sưởi và điều hoà không khí.
Cụ thể: Hệ thống phun nước chữa cháy
4321
Lắp đặt hệ thống điện
Cụ thể: Chuông báo cháy
8020
Dịch vụ hệ thống bảo đảm an toàn
Cụ thể: Giám sát hoặc giám sát từ xa của hệ thống báo cháy
Thủ tục thành lập công ty trong lĩnh vực kinh doanh ngành nghề phòng cháy, chữa cháy
Thủ tục thành lập công ty trong lĩnh vực kinh doanh ngành nghề phòng cháy và chữa cháy thường được thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Soạn thảo hồ sơ thành lập công ty
Doanh nghiệp cần chuẩn bị các loại giấy tờ sau:
Tờ khai thành lập công ty theo mẫu.
Điều lệ công ty
Danh sách thành viên công ty, cổ đông công ty (trường hợp thành lập công ty cổ phần)
Bản sao giấy tờ cá nhân, pháp nhân
Giấy Uỷ quyền cho Luật Việt An trong trường hợp quý khách hàng cần sử dụng dịch vụ thành lập công ty do Luật Việt An cung cấp
Bước 2: Nộp hồ sơ thành lập công ty
Hồ sơ thành lập công ty cần được nộp đến Sở Kế hoạch và Đầu tư tại tỉnh hoặc thành phố nơi công ty đặt trụ sở chính. Quy trình nộp hồ sơ có thể thực hiện bằng cách nộp trực tiếp tại văn phòng cơ quan quản lý hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc qua cổng dịch vụ công, tuỳ vào quy định cụ thể tại địa phương.
Bước 3: Nhận kết quả
Sau thời hạn xử lý hồ sơ (thường là 03 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận đủ hồ sơ hợp lệ), cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ kiểm tra và thẩm duyệt các điều kiện liên quan đến thành lập công ty. Nếu công ty đáp ứng đủ các yêu cầu và điều kiện, cơ quan này sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho công ty.
Quý khách hàng có nhu cầu tư liên quan đến luật doanh nghiệp, thành lập doanh nghiệp/thành lập công ty, các vấn đề pháp lý liên quan đến kinh doanh phòng cháy chữa cháy, xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!