Hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh tại Việt Nam có khá nhiều các loại thuế cần thực hiện để có thể hoạt động kinh doanh. Tuỳ vào ngành nghề, doanh nghiệp sẽ có nghĩa vụ với các loại thuế khác nhau. Thuế môn bài là một trong các loại thuế cơ bản cần phải thực hiện trong kinh doanh của doanh nghiệp. Trong bài viết sau đây, Luật Việt An sẽ tổng hợp những quy định về mức thuế môn bài của chi nhánh công ty.
Cơ sở pháp lý
Luật Quản lý thuế 2019;
Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế 2019;
Nghị định 139/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 22/2020/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài;
Thông tư 302/2016/TT-BTC được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 65/2020/TT-BTC hướng dẫn về lệ phí môn bài;
Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.
Thuế môn bài là gì?
Hiện nay, quy định pháp luật chưa có khái niệm hay giải thích thuế môn bài là gì. Nhưng dựa vào quy định tại Nghị định 139/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 22/2020/NĐ-CP thuế môn bài được hiểu như sau:
Thuế môn bài hay còn thuật ngữ pháp lý đúng là lệ phí môn bài, là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải nộp định kỳ vào ngân sách nhà nước dựa theo vốn điều lệ khai trong giấy chứng nhận kinh doanh. Khi hoàn thành nộp thuế môn bài sẽ được cấp thẻ môn bài.
Chi nhánh có phải nộp lệ phí môn bài không?
Theo khoản 6 Điều 2 Nghị định số 139/2016/NĐ-CP, chi nhánh của công ty quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này (nếu có) là đối tượng phải nộp lệ phí môn bài.
Mức thuế môn bài phải đóng của chi nhánh công ty?
Căn cứ khoản 1 Điều 4 Thông tư 302/2016/TT-BTC được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 65/2020/TT-BTC quy định mức thu lệ phí môn bài như sau:
Lệ phí môn bài được kê khai theo năm và mức thu lệ phí môn bài đối với chi nhánh là 1.000.000 (một triệu) đồng/năm.
Một số lưu ý về khai và mức nộp lệ phí môn bài khi doanh nghiệp thành lập chi nhánh
Đối với doanh nghiệp được thành lập mới kể từ ngày 25 tháng 02 năm 2020 được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu tiên thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất kinh doanh (từ ngày 01/01 đến 31/12) và trong thời gian được miễn lệ phí môn bài thì doanh nghiệp thành lập chi nhánh thì chi nhánh cũng được miễn lệ phí môn bài.
Trường hợp doanh nghiệp thành lập trước ngày 25/02/2020 (trước ngày Nghị định số 22/2020/NĐ-CP có hiệu lực) có thành lập thêm chi nhánh từ ngày 25/02/2020 thì chi nhánh phải thực hiện nộp lệ phí môn bài theo quy định tại định số 139/2016/NĐ-CP (tức là không được miễn lệ phí môn bài năm đầu theo quy định tại Nghị định số 22/2020/NĐ-CP).
Nếu thành lập trong thời gian của 6 tháng đầu năm thì sẽ nộp mức thuế môn bài cho cả năm;
Nếu thành lập trong thời gian 6 tháng cuối năm thì sẽ nộp 50% mức thuế môn bài cả năm.
Quy định về thời hạn nộp lệ phí môn bài đối với chi nhánh công ty
Căn cứ Khoản 4 Điều 1 Nghị định 22/2022/NĐ-CP quy định về khai, nộp lệ phí môn bài đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:
Thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 hàng năm.
Các trường hợp miễn lệ phí môn bài của chi nhánh của công ty
Căn cứ vào Điều 3 Nghị định 139/2016/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung bởi điểm c khoản 1 Điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CP quy định miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12) đối với:
Tổ chức thành lập mới (được cấp mã số thuế mới, mã số doanh nghiệp mới)
Trong thời gian miễn lệ phí môn bài, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời gian tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân được miễn lệ phí môn bài.
Như vậy, đối với việc miễn lệ phí môn bài đối với chi nhánh chỉ áp dụng trong năm đầu doanh nghiệp thành lập.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Điều 3 Nghị định 139/2016/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung bởi điểm c khoản 1 Điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CP) thì đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh (theo quy định tại Điều 16 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017) được miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.
Trong thời gian miễn lệ phí môn bài, doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời gian doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn lệ phí môn bài.
Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa (thuộc diện miễn lệ phí môn bài theo quy định tại Điều 16 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa) được thành lập trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành thì thời gian miễn lệ phí môn bài của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được tính từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành đến hết thời gian doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn lệ phí môn bài.
Quy định về cơ quan nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài của chi nhánh công ty
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật Quản lý thuế 2019 và điểm k khoản 1 Điều 11 Nghị định 126/2020/NĐ-CP thì địa điểm nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài được xác định như sau:
Doanh nghiệp, hộ kinh doanh nộp hồ sơ khai lệ phí môn tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
rường hợp doanh nghiệp có nhiều hoạt động, kinh doanh trên nhiều địa bàn cấp tỉnh: Doanh nghiệp khai lệ phí môn bài tại nơi có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh nơi có hoạt động kinh doanh khác tỉnh, thành phố nơi có trụ sở chính.
Quy định về địa điểm nộp lệ phí môn bài
Căn cứ khoản 1 Điều 56 Luật Quản lý thuế 2019 thì doanh nghiệp nộp lệ phí môn bài cho chi nhánh tại các địa điểm sau:
Tại Kho bạc Nhà nước.
Tại cơ quan quản lý thuế nơi tiếp nhận hồ sơ khai thuế.
Thông qua tổ chức được cơ quan quản lý thuế ủy nhiệm thu thuế.
Thông qua ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác và tổ chức dịch vụ theo quy định của pháp luật.
Các phương thức nộp lệ phí môn bài hiện nay
Hiện nay, có 03 cách nộp Tờ khai lệ phí môn bài cho cơ quan thuế gồm:
Nộp trực tiếp tại Cơ quan thuế (trước khi nộp thì liên hệ với Chi cục thuế quản lý xem có nhận bản giấy không vì thông thường các cơ quan thuế hiện tại sẽ nhận qua mạng).
Lập Tờ khai thuế môn bài trên phần mềm Hỗ trợ kê khai rồi nộp qua mạng thuedientu.gdt.gov.vn (doanh nghiệp phải có chữ ký số mới nộp được).
Lập và nộp trực tuyến trên trang: thuedientu.gdt.gov.vn (doanh nghiệp phải có chữ ký số mới nộp được).
Mức phạt tiền đối với hành vi chậm nộp, không nộp hồ sơ khai thuế môn bài theo quy định pháp luật
Căn cứ tại Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định mức phạt tiền trong trường hợp chậm nộp, không nộp hồ sơ khai thuế môn bài như sau:
Đối với hành vi chậm nộp, không nộp hồ sơ khai thuế môn bài thì tùy vào thời gian chậm nộp và việc chậm nộp này có phát sinh số thuế phải nộp hay không mà người vi phạm có thể bị phạt tiền lên đến 25.000.000 đồng.
Trường hợp số tiền phạt nếu áp dụng theo khoản này lớn hơn số tiền thuế phát sinh trên hồ sơ khai thuế thì số tiền phạt tối đa đối với trường hợp này bằng số tiền thuế phát sinh phải nộp trên hồ sơ khai thuế nhưng không thấp hơn mức trung bình của khung phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
Ngoài ra người vi phạm còn bị áp dụng một số biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc nộp đủ số tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước và buộc nộp hồ sơ khai thuế.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn hay tìm hiểu kỹ hơn về mức thuế môn bài của chi nhánh công ty nói riêng và tìm hiểu thêm về mức thuế của các loại thuế khác nói chung, cũng như có nhu cầu sử dụng dịch vụ kê khai thuế, dịch vụ kế toán thuế xin vui lòng liên hệ Đại lý thuế Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.