Những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam đã cho phép các doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, khai thác tài sản chiến lược, tiếp thu kinh nghiệm quản lý và công nghệ tiên tiến nước ngoài, tạo điều kiện để hội nhập sâu rộng, hiệu quả vào nền kinh tế thế giới. Trong quá trình đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư cần lưu ý về chế độ báo cáo đầu tư ra nước ngoài theo quy định. Sau đây, Công ty Luật Việt An sẽ cung cấp các thông tin pháp lý liên quan đến chế độ báo cáo đầu tư ra nước ngoài.
Căn cứ pháp lý
Luật Đầu tư 2020;
Nghị định số 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư;
Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư;
Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT quy định mẫu văn bản, báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam, đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài và xúc tiến đầu tư.
Các khái niệm liên quan
Đầu tư ra nước ngoài là gì?
Theo Khoản 13 Điều 3 Luật Đầu tư 2020, hoạt động đầu tư ra nước ngoài là việc nhà đầu tư chuyển vốn đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài, sử dụng lợi nhuận thu được từ nguồn vốn đầu tư này để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh ở nước ngoài.
Chế độ báo cáo đầu tư ra nước ngoài của nhà đầu tư là gì?
Báo cáo đầu tư ra nước ngoài có thể được hiểu là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cá nhân liên quan đến đầu tư ra nước ngoài thực hiện báo cáo định kỳ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Thông qua báo cáo của nhà đầu tư, cơ quan có thẩm quyền có thể đánh giá hiệu quả đầu tư thực tế của nhà đầu tư Việt Nam, tăng cường tính minh bạch và công khai của dự án, tăng cường sự giám sát của cơ quan quản lý đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
Đối tượng thực hiện báo cáo
Theo khoản 1 Điều 73 Luật Đầu tư năm 2020, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chế độ báo cáo đầu tư ra nước ngoài bao gồm:
Bộ, cơ quan ngang Bộ có nhiệm vụ quản lý hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo quy định của pháp luật, cơ quan đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư ra nước ngoài theo quy định.
Chế độ báo cáo của Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý hoạt động đầu tư ra nước ngoài
Theo khoản 2 Điều 73 Luật Đầu tư năm 2020, chế độ báo cáo của Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý hoạt động đầu tư ra nước ngoài được thực hiện như sau:
Định kỳ hằng năm, có báo cáo tình hình quản lý đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo chức năng, nhiệm vụ của mình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
Định kỳ hằng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình đầu tư ra nước ngoài.
Mẫu văn bản báo cáo theo quy định tại mục III Phụ lục B của Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT, cụ thể:
Báo cáo định kỳ hàng quý tình hình hoạt động dự án đầu tư tại nước ngoài theo mẫu B.III.1;
Báo cáo định kỳ năm tình hình hoạt động dự án đầu tư tại nước ngoài theo mẫu B.III.2;
Báo cáo tình hình hoạt động đầu tư ra nước ngoài cho năm tài chính theo mẫu B.III.3.
Chế độ báo cáo của nhà đầu tư
Theo khoản 3 Điều 73 Luật Đầu tư năm 2020 và Điều 83 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, chế độ báo cáo đối với nhà đầu tư có hoạt động đầu tư ra nước ngoài như sau:
Hình thức báo cáo
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư được cấp tài khoản truy cập Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư để thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo quy định.
Báo cáo được thực hiện bằng văn bản và thông qua Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư.
Cách thức báo cáo
Sau khi chuẩn bị hồ sơ báo cáo, nhà đầu tư tiến hành nộp hồ sơ báo cáo bằng hai hình thức sau đây:
Gửi văn bản tới Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch & Đầu tư;
Thông qua Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư qua tài khoản đã được cấp.
Nội dung báo cáo
Thông báo bằng văn bản về việc thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài
Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày dự án đầu tư được chấp thuận hoặc cấp phép theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư, nhà đầu tư phải gửi thông báo bằng văn bản về việc thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài kèm theo bản sao văn bản chấp thuận dự án đầu tư hoặc tài liệu chứng minh quyền hoạt động đầu tư tại nước tiếp nhận đầu tư cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước tiếp nhận đầu tư;
Thông báo bằng văn bản về việc thực hiện đầu tư ở nước ngoài theo mẫu số B.I.11 Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT.
Báo cáo định kỳ hằng quý, hằng năm
Nhà đầu tư gửi báo cáo tình hình hoạt động của dự án đầu tư hàng quý, hàng năm cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước tiếp nhận đầu tư;
Báo cáo định kỳ hàng quý tình hình hoạt động dự án đầu tư tại nước ngoài theo mẫu B.III.1 Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT;
Báo cáo định kỳ năm tình hình hoạt động dự án đầu tư tại nước ngoài theo mẫu B.III.2 Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT.
Báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán thuế
Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày có báo cáo quyết toán thuế hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư, nhà đầu tư báo cáo tình hình hoạt động của dự án đầu tư kèm theo báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán thuế hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước tiếp nhận đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
Báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán thuế hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương theo mẫu B.III.3Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT.
Đối với dự án đầu tư ra nước ngoài có sử dụng vốn nhà nước
Ngoài việc thực hiện chế độ báo cáo trên, nhà đầu tư phải thực hiện chế độ báo cáo đầu tư theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Các biện pháp xử lý đối với trường hợp nhà đầu tư không thực hiện chế độ báo cáo
Theo Khoản 4 Điều 83 của Nghị định 31/2021/NĐ-CP, các biện pháp xử lý đối với trường hợp nhà đầu tư không thực hiện chế độ báo cáo bao gồm:
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản nhắc nhở nếu vi phạm lần đầu
Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Cụ thể theo Điều 20 của Nghị định 122/2021/NĐ-CP, vi phạm chế độ báo cáo đầu tư ra nước ngoài có thể bị áp dụng hình thức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
Không thực hiện chế độ báo cáo hoạt động đầu tư ra nước ngoài hoặc báo cáo không đầy đủ nội dung, không có tài liệu kèm theo theo quy định;
Không cập nhật hoặc cập nhật thông tin không đầy đủ, không chính xác, không đúng thời hạn quy định lên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư;
Lập báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư không đúng thời hạn hoặc không đầy đủ nội dung theo quy định;
Không thực hiện chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư định kỳ theo quy định.
Công khai các vi phạm trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư, Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các phương tiện thông tin đại chúng khác.
Lưu ý:
Cơ quan quản lý và nhà đầu tư thực hiện báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu liên quan đến công tác quản lý nhà nước hoặc những vấn đề phát sinh liên quan đến dự án đầu tư.
Trường hợp có sự khác nhau giữa thông tin báo cáo trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư và thông tin trong báo cáo bằng bản giấy thì căn cứ theo thông tin trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư.
Dịch vụ liên quan đến đầu tư ra nước ngoài của Luật Việt An
Tư vấn pháp luật liên quan đến đầu tư ra nước ngoài;
Soạn thảo văn bản, giấy phép liên quan đến thủ tục đầu tư ra nước ngoài;
Hoàn thiện báo cáo định kỳ liên quan đến báo cáo đầu tư ra nước ngoài;
Đại diện cho khách hàng, liên hệ với cơ quan nhà nước để giải quyết và hoàn thiện thủ tục;
Giải đáp những thắc mắc liên quan, tư vấn các vấn đế pháp lý sau khi dự án đầu tư đi vào hoạt động.
Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hay có nhu cầu hỗ trợ dịch vụ pháp lý liên quan đến quản lý ngoại hối đầu tư ra nước ngoài cũng như thủ tục pháp lý liên quan đến đầu tư ra nước ngoài, xin liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!