Thực tiễn pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có quy định nào quy định cụ thể về nộp phí trọng tài thương mại. Điều đó đã dẫn đến việc là rất nhiều chủ thể khi tham gia giải quyết tranh chấp bằng trọng tài còn nhiều lúng túng. Để giải đáp cho sự băn khoăn này của quý khách hàng, công ty Luật Việt An sẽ đưa ra bài viết dưới đây.
Cơ sở pháp lý
Luật Trọng tài thương mại Việt Nam 2010.
Phí trọng tài thương mại
Căn cứ vào quy định tại Khoản 1 Điều 34 Luật Trọng tài thương mại Việt Nam 2010 về phí trọng tài, có thể hiểu, phí trọng tài chính là các khoản thu được bắt nguồn từ việc trọng tài viên cung cấp các dịch vụ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Tức là, việc cung cấp các dịch vụ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài mà tạo ra khoản thu sẽ được gọi là phí trọng tài.
Cũng dựa vào quy định tại Khoản 1 Điều 34 Luật Trọng tài thương mại Việt Nam 2010 về phí trọng tài, phí trọng tài sẽ bao gồm các loại phí sau:
Thù lao cho Trọng tài viên, chi phí di chuyển cũng như các chi phí khác cho Trọng tài viên;
Phí sử dụng để tham vấn ý kiến từ các chuyên gia, và các sự trợ giúp khác theo yêu cầu của Hội đồng trọng tài;
Phí hành chính;
Phí chỉ định Trọng tài viên vụ việc của Trung tâm trọng tài, trong trường hợp có sự yêu cầu của các bên tranh chấp;
Phí sử dụng các loại dịch vụ tiện ích khác được Trung tâm trọng tài cung cấp.
Dựa theo quy định của Khoản 2 Điều 34 Luật Trọng tài thương mại Việt Nam 2010 về phí trọng tài, theo đó, tùy vào từng trường hợp khác nhau mà chủ thể ấn định phí trọng tài cũng sẽ khác nhau. Cụ thể:
Trong trường hợp các bên tranh chấp lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài, thì Trung tâm trọng tài sẽ là chủ thể ấn định phí trọng tài;
Trong trường hợp các bên tranh chấp lựa chọn giải quyết tranh chấp bởi Trọng tài vụ việc, thì Hội đồng trọng tài tiến hành giải quyết vụ việc sẽ ấn định phí trọng tài.
Quy trình nộp phí trọng tài thương mại
Trong Luật Thương mại Việt Nam 20210 không quy định cụ thể về quy trình nộp phí trọng tài thương mại. Dẫu vậy, nếu căn cứ vào các điều khoản như Điều 32, Điều 34, Điều 46 cùng một số điều khoản khác được quy định trong Luật Trọng tài thương mại Việt Nam 2010, có thể rút ra quy trình nộp phí trọng tài thương mại như sau:
Bước 1 (Nguyên đơn nộp tạm ứng phí trọng tài): Vào thời điểm khi nguyên đơn tiến hành nộp đơn khởi kiện của mình cùng các tài liệu, chứng cứ kèm theo, nguyên đơn cũng sẽ phải nộp tạm ứng phí trọng tài. Việc nộp tạm ứng phí trọng tài này phải được thể hiện bằng chứng từ nộp tạm ứng phí.
Bước 2 (Các bên tranh chấp nộp phí giám định, định giá trong trường hợp có yêu cầu giám định, định giá): Hội đồng trọng tài có thể dựa trên yêu cầu của một hoặc các bên hoặc tự mình trưng cầu giám định, định giá tài sản. Phí giám định, định giá này có thể được chi trả trong trường hợp sau:
Bên yêu cầu giám định, định giá tạm ứng phí giám định, định giá;
Hoặc Hội đồng trọng tài phân bổ phí giám định, định giá cho các bên tranh chấp.
Bước 3 (Các bên tranh chấp nộp phí tham vấn ý kiến chuyên gia trong trường hợp có yêu cầu ý kiến tham vấn từ các chuyên gia): Khi một hoặc các bên tranh chấp, hoặc Hội đồng trọng tài tự mình nhận thấy là cần thiết thì có thể tham vấn ý kiến đến từ các chuyên gia. Phí tham vấn ý kiến các chuyên gia này sẽ được chi trả trong một trong hai trường hợp sau:
Bên yêu cầu tham vấn ý kiến từ chuyên gia sẽ nộp tạm ứng phí chuyên gia này;
Hoặc Hội đồng trọng tài sẽ phân bổ chi phí cho các bên tranh chấp để các bên tranh chấp chi trả.
Bước 4 (Chi phí cho người làm chứng trong trường hợp có yêu cầu triệu tập người làm chứng): Theo Điều 47 Luật Trọng tài thương mại Việt Nam 2010, nếu xét thấy cần thiết và dựa vào yêu cầu của các bên tranh chấp, Hội đồng trọng tài có quyền tiến hành triệu tập người làm chứng có mặt tại phiên họp giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên chi phí triệu tập người làm chứng này sẽ được chi trả như sau:
Người yêu cầu triệu tập người làm chứng chịu chi cho khoản phí triệu tập này;
Hoặc sẽ có sự phân bổ chi phí này giữa các bên tranh chấp theo quyết định của Hội đồng trọng tài.
Bước 5 (Chi trả chi phí phát sinh trong trường hợp hoãn phiên họp giải quyết tranh chấp): Việc hoãn phiên họp trọng tài đã được quy định cụ thể tại Điều 57 Luật Trọng tài thương mại Việt Nam. Tuy vậy, không phải trường hợp nào hoãn phiên họp trọng tài cũng sẽ tạo ra những chi phí phát sinh. Nhưng nếu có chi phí phát sinh thì bên yêu cầu hoãn phải chịu mọi chi phí này.
Bước 6 (Bên thua kiện chịu chi phí trọng tài): Trong các bên tranh chấp, bên nào bị thua kiện thì bên đó sẽ phải chịu trách nhiệm chi trả các loại phí trọng tài. Tuy nhiên, bên thua kiện không hoàn toàn phải trả các phí này nếu thuộc vào một trong các trường hợp sau:
Các bên tranh chấp có thỏa thuận về việc phân bổ chi phí hoặc lựa chọn đối tượng phải trả phí;
Quy tắc tố tụng trọng tài có sự quy định về vấn đề chủ thể chịu phí trọng tài hoặc có quy định về các phân bổ các loại phí này;
Hội đồng trọng tài có sự phân bổ các loại phí trọng tài cho các bên, chứ không bắt một mình bên thua kiện phải chịu toàn bộ phí trọng tài này.
Một số lưu ý đối với quy trình nộp phí trọng tài thương mại
Quy trình ở phía trên chỉ mang tính tương đối. Điều này có nghĩa là, tùy vào từng tình huống thực tiễn cụ thể mà quy trình này có thể thay đổi. Chẳng hạn, trong trường hợp vụ tranh chấp của các bên được diễn ra như sau:
Không có yêu cầu định giá, giám định tài sản;
Cũng như không có yêu cầu để hoãn phiên họp giải quyết tranh chấp;
Mà chỉ có yêu cầu triệu tập nhân chứng. Do đó, vụ tranh chấp này các bên sẽ chỉ phải làm theo quy trình là nguyên đơn tạm ứng phí trọng tài, rồi đến các bên nộp phí triệu tập nhân chứng, và cuối cùng là bên thua kiện phải chịu phí trọng tài.
Trong số các bước trong quy trình nộp phí trọng tài, việc nguyên đơn tạm ứng phí trọng tài ban đầu và việc bên thua kiện phải chịu phí trọng tài là hai bước bắt buộc phải có. Vì thế, dù trong trường hợp nào, nhưng một khi đã lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, các bên buộc phải thực hiện các bước nộp phí trọng tài này.
Việc tạm ứng phí trọng tài là một trong những điều kiện bắt buộc mà nguyên đơn phải làm thì mới có thể bắt đầu giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Việc nguyên đơn không nộp tạm ứng phí trọng tài có thể dẫn tới kết quả là vụ kiện có thể bị hủy bỏ.
Một số lưu ý dành cho doanh nghiệp khi tham gia giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
Các doanh nghiệp một khi đã tham gia vào việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, dù với tư cách là nguyên đơn hay bị đơn thì đều phải đặc biệt lưu tâm đến vấn đề phí trọng tài thương mại này.
Lý do cho điều này là bởi việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài sẽ được duy trì dựa trên các khoản phí này. Do đó, nếu không nộp phí đầy đủ hoặc nộp sai quy trình có thể dẫn tới hậu quả là vụ kiện sẽ không được tiếp tục giải quyết.
Dẫu vậy, tùy vào từng trường hợp khác nhau mà các quy trình nộp phí này cũng sẽ khác nhau, đòi hỏi các doanh nghiệp phải dự liệu được các khoản phí sẽ có thể phải nộp và phải sẵn sàng cho việc nộp các khoản phí này.
Để làm được điều này, các doanh nghiệp sẽ cần tìm đến sự trợ giúp từ các chuyên gia có kinh nghiệm, có chuyên môn và có uy tín như đội ngũ luật sư, tư vấn viên của công ty Luật Việt An để nhận được sự hỗ trợ một cách tốt nhất.
Quý khách hàng có bất kỳ vướng mắc về quy trình nộp phí trọng tài thương mại, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài xin vui lòng liên hệ Công ty luật Việt An để được chúng tôi hỗ trợ tốt nhất!