Thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ đầu tư ra nước ngoài năm 2025
Trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, hoạt động đầu tư ra nước ngoài ngày càng trở nên phổ biến và diễn ra vô cùng sôi nổi. Các nhà đầu tư chủ trương thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài nhằm mở rộng thị trường, tăng lợi nhuận và khả năng xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, để đầu tư ra nước ngoài, các nhà đầu tư cần xin giấy phép đầu tư nước ngoài. Vậy, cơ quan nào sẽ có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ đầu tư ra nước ngoài năm 2025? Tại bài viết dưới đây, Luật Việt An sẽ cung cấp các thông tin pháp lý cơ bản để trả lời câu hỏi này.
Đầu tư ra nước ngoài là gì?
Đầu tư ra nước ngoài là hoạt động của nhà đầu tư chuyển vốn đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài, sử dụng nguồn lợi nhuận thu được từ hoạt động đầu tư này để thực hiện hoạt động kinh doanh tại nước ngoài.
Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài
Theo Điều 68 Nghị định 31/2021/ND-CP, các chủ thể sau đây có thể thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài:
Doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.
Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã.
Tổ chức tín dụng thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.
Hộ kinh doanh đăng ký theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Cá nhân mang quốc tịch Việt Nam, trừ các trường hợp sau:
Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;
Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;
Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.
Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Các tổ chức khác thực hiện đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam
Các hình thức đầu tư ra nước ngoài năm 2025
Từ năm 2025, nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo các hình thức sau đây:
Thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư;
Đầu tư theo hình thức hợp đồng ở nước ngoài;
Góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý tổ chức kinh tế đó;
Mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài;
Các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.
Thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ đầu tư ra nước ngoài năm 2025
Ngày 24 tháng 02 năm 2025, Chính phủ ban hành Nghị định 29/2025/ND-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính. Nghị định này có hiệu lực ngày 01/03/2025. Theo đó, tại Khoản 8 Điều 2 có quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ đầu tư ra nước ngoài là Bộ Tài chính (trước đây, thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ đầu tư ra nước ngoài thuộc về Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Như vậy, từ tháng 3/2025, nhà đầu tư muốn đầu tư ra nước ngoài sẽ nộp hồ sơ tại Bộ Tài chính.
Hồ sơ đầu tư ra nước ngoài
Văn bản đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
Đối với nhà đầu tư cá nhân: bản sao CMND, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu; đối với nhà đầu tư tổ chức: bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu pháp lý khác chứng minh tư cách pháp nhân;
Đề xuất dự án đầu tư;
Văn bản xác nhận của cơ quan thuế về việc nhà đầu tư đã thực hiện nghĩa vụ thuế tới thời điểm nộp hồ sơ;
Cam kết tự cân đối nguồn ngoại tệ hoặc văn bản của tổ chức tín dụng cam kết thu xếp nguồn ngoại tệ cho nhà đầu tư;
Tài liệu xác nhận địa điểm dự án đầu tư, áp dụng cho các dự án như: năng lượng, nông lâm nghiệp và thủy sản, khoáng sản, xây dựng sản xuất và chế biến, bất động sản và cơ sở hạ tầng. Cần các văn bản như: Giấy phép đầu tư, quyết định giao đất, hợp đồng thuê đất, thỏa thuận nguyên tắc về đất đai và hợp tác đầu tư từ cơ quan có thẩm quyền của nước, vùng lãnh thổ nhận đầu tư;
Quyết định đầu tư ra nước ngoài;
Đối với dự án đầu tư ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, khoa học công nghệ: văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước về điều kiện đầu tư ra nước ngoài theo các luật liên quan;
Văn bản ủy quyền (nếu nộp thông qua cá nhân, tổ chức khác).
Quý Khách hàng cần tìm hiểu thêm về thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ đầu tư ra nước ngoài năm 2025, vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất!