Khi một người thân trong gia đình qua đời, họ thường để lại một số tài sản cho con cháu. Tài sản này có thể bao gồm tiền mặt, giấy tờ có giá trị, đồ vật hoặc quyền sở hữu tài sản. Trong trường hợp tài sản là tiền mặt hoặc sổ tiết kiệm, chúng thường được lưu trữ trong tài khoản ngân hàng. Vậy, làm thế nào để chúng ta, như những người thừa kế, có thể rút được số tiền này từ ngân hàng? Dưới đây là một số thông tin cần thiết về các bước thực hiện thủ tục thừa kế tài sản tại ngân hàng.
Căn cứ pháp lý
Bộ luật Dân sự 2015;
Luật Công chứng năm 2014.
Thừa kế là gì?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, thừa kế được hiểu là quá trình chuyển giao tài sản từ một người đã chết sang một người còn sống nào đó (cá nhân hoặc tổ chức). Việc chuyển giao này có thể làm theo ý chí của người đã mất khi họ còn sống hoặc theo quy định của pháp luật.
Các hình thức thừa kế theo pháp luật Việt Nam
Pháp luật Việt Nam quy định hai hình thức thừa kế: thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật.
Thừa kế theo di chúc
Thừa kế theo di chúc là hình thức thừa kế theo ý chí của người để lại di sản. Người thừa kế theo di chúc là cá nhân phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế. Khi cá nhân lập di chúc, di sản thừa kế của người đó sẽ được phân chia theo nội dung di chúc. Những người được chỉ định hưởng di sản theo di chúc sẽ được nhận thừa kế theo di chúc.
Thừa kế theo pháp luật
Thừa kế theo pháp luật là hình thức thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định. Theo quy định tại Bộ Luật dân sự 2015, Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau:
Không có di chúc;
Di chúc không hợp pháp;
Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Cả hai hình thức thừa kế trên đều có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quyền lợi của người thừa kế và giúp duy trì sự ổn định trong xã hội. Tuy nhiên, quá trình thừa kế có thể phức tạp và đòi hỏi sự hiểu biết về pháp luật. Do đó, nếu quý khách đang đối mặt với vấn đề thừa kế, quý khách có thể cân nhắc sử dụng dịch vụ giải quyết tranh chấp thừa kế của Luật Việt An để được hỗ trợ một cách tốt nhất.
Thủ tục rút tiền thừa kế tại ngân hàng
Bước 1: Thực hiện thủ tục khai nhận di sản
Trong trường hợp tài sản thừa kế là sổ tiết kiệm thì người nhận thừa kế cần thực hiện thủ tục khai nhận di sản hoặc phân chia di sản thừa kế tại văn phòng công chứng.
Theo quy định tại Điều 58 Luật Công chứng, trong trường hợp sau đây, các chủ thể có quyền yêu cầu khai nhận di sản gồm:
Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật;
Những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thoả thuận không chia di sản đó;
Để công chứng văn bản khai nhận di sản, người thừa kế cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
Văn bản khai nhận di sản;
Sổ tiết kiệm của người đã mất để lại;
Bản sao di chúc (nếu có);
Giấy chứng tử của người đã mất;
Các loại giấy tờ nhân thân như: căn cước công dân / chứng minh thư nhân dân / hộ chiếu.
Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ trên, người thừa kế nộp hồ sơ cho văn phòng công chứng và đề nghị văn phòng công chứng thực hiện việc khai nhận di sản thừa kế của người đã mất.
Bước 2: Nộp các hồ sơ tại ngân hàng
Sau khi quý khách đã có được văn bản khai nhận di sản thừa kế hợp pháp, quý khách cần chuẩn bị những hồ sơ sau đây để làm thủ tục thừa kế tài khoản ngân hàng hoặc rút tiền từ sổ tiết kiệm:
Sổ tiết kiệm/ giấy tờ liên quan đến tài khoản ngân hàng của người đã mất để lại;
Văn bản khai nhận thỏa thuận phân chia tài sản thừa kế;
Giấy tờ nhân thân như căn cước công dân/ chứng minh thư nhân dân/ hộ chiếu.
Khi quý khách đã chuẩn bị đầy đủ những giấy tờ này, quý khách có thể yêu cầu ngân hàng thực hiện thủ tục giải ngân.
Một số câu hỏi thường gặp liên quan đến thừa kế và rút tiền thừa kế tại ngân hàng
Trường hợp người đã mất không để lại di chúc thì làm thế nào để rút tiền thừa kế?
Trong trường hợp này, người thừa kế (thuộc các hàng thừa kế theo thứ tự) sẽ phải thỏa thuận, thực hiện khai nhận di sản thừa kế hoặc phân chia di sản thừa kế.
Nếu di sản được phân chia cho nhiều người thì làm thế nào để rút tiền thừa kế?
Trong trường hợp này, tất cả mọi người phải cùng đem giấy tờ tùy thân đến làm thủ tục rút tiền thừa kế tại ngân hàng hoặc mọi người cùng ủy quyền cho một người thì cần phải có giấy ủy quyền được kí tên đầy đủ và được công chứng, chứng thực tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tại văn phòng công chứng thì mới có thể thực hiện việc thừa kế tài sản ngân hàng.
Cần chuẩn bị những giấy tờ gì để rút tiền thừa kế từ tài khoản ngân hàng?
Quý khách cần chuẩn bị các hồ sơ sau: sổ tiết kiệm/ giấy tờ liên quan đến tài khoản ngân hàng của người mất để lại, văn bản khai nhận thỏa thuận phân chia tài sản thừa kế, và giấy tờ nhân thân như căn cước công dân/ chứng minh thư nhân dân/ hộ chiếu.
Có cần phải thực hiện thủ tục khai nhận di sản khi rút tiền thừa kế không?
Có, quý khách cần phải thực hiện thủ tục khai nhận di sản. Trong trường hợp người đã mất để lại di chúc, người thừa kế sẽ phải thực hiện thủ tục khai nhận di sản theo đúng di chúc hợp pháp mà người đã mất để lại.
Người thừa kế không theo di chúc là gì?
Người thừa kế không theo di chúc là những người được hưởng di sản mà không phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Theo Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015, những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng.
Con thành niên mà không có khả năng lao động.
Các hàng thừa kế theo quy định của pháp luật Việt Nam?
Pháp luật Việt Nam quy định có ba hàng thừa kế.
Hàng thừa kế thứ nhất: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân mà sau đó một người chết thì người còn sống vẫn được hưởng thừa kế di sản.
Hàng thừa kế thứ hai: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
Hàng thừa kế thứ ba: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Quý khách hàng có nhu cầu liên quan đến pháp luật dân sự, tư vấn pháp luật thừa kế. giải quyết tranh chấp thừa kế, dịch vụ luật sư tư vấn thừa kế xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!