Trọng tài thương mại và đặc điểm của trọng tài thương mại
Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp rất phổ biến trên thế giới, đặc biệt là tại những nước có nền kinh tế phát triển. Ở Việt Nam, cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài được xác lập từ lâu, dù theo quy định của pháp luật mỗi thời kỳ, cách thức tổ chức và hoạt động của tổ chức trọng tài là khác nhau. Năm 2010, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Trọng tài thương mại số 54/2010/QH12 quy định cụ thể các vấn đề liên quan đến trọng tài thương mại Trong bài viết sau đây, Luật Việt An sẽ trình bày tổng quan về những đặc điểm của trọng tài thương mại.
Trọng tài thương mại là gì?
Trọng tài thương mại là một khái niệm đã xuất hiện từ lâu và ngày càng phổ biến trong đời sống kinh tế ở khắp nơi trên thế giới. Trọng tài với tư cách là một phương thức giải quyết tranh chấp là cách tiếp cận chủ yếu của hệ thống các quy định pháp luật về trọng tài. Theo Điều 2.a, Luật Mẫu UNCITRAL thì: “Trọng tài nghĩa là mọi hình thức trọng tài có hoặc không có giám sát của tổ chức.” Hay theo Hiệp hội trọng tài Hoa Kỳ (AAA) thì: “Trọng tài là cách thức giải quyết tranh chấp bằng cách đệ trình vụ tranh chấp cho một số người khách quan xem xét, giải quyết và họ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng, có giá trị bắt buộc các bên tranh chấp phải thi hành”.
Căn cứ Khoản 1 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định: “Trọng tài Thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của Luật này”. Như vậy, có thể xem xét trọng tài thương mại dưới hai góc độ chủ yếu:
Trọng tài là một phương thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh thương mại: với tính chất là một phương thức giải quyết tranh chấp, trọng tài thương mại được hiểu là phương thức trong đó các bên tranh chấp tự nguyện thỏa thuận với nhau để ủy thác việc giải quyết tranh chấp đã hoặc có thể phát sinh giữa họ cho trọng tài. Trên cơ sở các tình tiết khách quan của tranh chấp, được quyền đưa ra quyết định cuối cùng để giải quyết tranh chấp và quyết định này có giá trị bắt buộc thi hành đối với các bên.
Trọng tài là một cơ quan giải quyết tranh chấp: trọng tài thương mại là cơ quan được thành lập tự nguyện bởi các trọng tài viên để giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại theo yêu cầu của các bên tranh chấp. Trọng tài là một cơ quan tài phán độc lập, tồn tại song song với Tòa án, có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại.
Đặc điểm của trọng tài thương mại
Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp có tính chất tài phán phi nhà nước (phi chính phủ) do các đương sự thỏa thuận lựa chọn để giải quyết các tranh chấp thương mại. Trọng tài chính là bên trung gian thứ ba được các bên tranh chấp chọn ra để giúp các bên giải quyết những xung đột, bất đồng giữa họ trên cơ sở đảm bảo quyền tự định đoạt của các bên.
Về bản chất, trọng tài thương mại là một phương thức giải quyết tranh chấp thương mại không mang ý chí quyền lực nhà nước mà được giải quyết thông qua phán quyết của trọng tài thương mại theo thủ tục linh hoạt, mềm dẻo, là một phương thức giải quyết tranh chấp được tiến hành bởi các thiết chế đặc biệt. Do vậy, trọng tài mang một số đặc trưng cơ bản sau:
Trọng tài thương mại là một loại hình tổ chức phi chính phủ, trọng tài có quyền phán quyết như tòa án và quyết định của trọng tài được cưỡng chế thi hành.
Đây là một cơ quan tài phán, có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại và được pháp luật quy định. Trọng tài là cơ quan tài phán bởi lẽ tiến hành thủ tục trọng tài là hoạt động thường xuyên và chủ yếu của các trung tâm trọng tài. Đó là các trung tâm có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng với cơ cấu tổ chức rõ ràng, chặt chẽ. Cũng như tòa án, sau khi tiến hành giải quyết tranh chấp, hội đồng trọng tài sẽ ban hành phán quyết trọng tài. Phán quyết này có giá trị pháp lý ràng buộc các bên và được đảm bảo cưỡng chế thi hành dưới sự hỗ trợ của cơ quan thi hành án (khi có yêu cầu).
Cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là sự kết hợp giữa hai yếu tố thỏa thuận và tài phán.
Thỏa thuận làm tiền đề cho phán quyết và không thể có phán quyết trọng tài thoát ly được những yếu tố đã được thỏa thuận. Bởi vậy, về nguyên tắc thẩm quyền của trọng tài không bị giới hạn bởi pháp luật, các đương sự có thể lựa chọn bất kỳ lúc nào, bất kỳ trọng tài vụ việc hoặc trọng tài quy chế nào trên thế giới để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, một khi đã được thỏa thuận thì phán quyết của trọng tài có tính chất cưỡng chế và bắt buộc các bên phải thi hành.
Phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài bảo đảm quyền tự định đoạt của các đương sự rất cao.
Các bên có quyền lựa chọn trọng tài viên, quy tắc tố tụng trọng tài, luật áp dụng để giải quyết tranh chấp…Phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại bảo đảm quyền tự định đoạt của các đương sự cao hơn so với phương thức giải quyết tranh chấp tại tòa án.
Trọng tài thương mại tồn tại dưới hình thức cơ bản là: trọng tài vụ việc và trọng tài thường trực.
Trọng tài vụ việc là hình thức trọng tài được lập ra để giải quyết các tranh chấp cụ thể và tự giải thể khi giải quyết trong tranh chấp đó. Còn trọng tài thường trực là những tổ chức trọng tài có hình thức tổ chức, trụ sở ổn định, danh sách trọng tài viên và hoạt động theo điều lệ riêng.
Phán quyết của trọng tài có giá trị chung thẩm, không bị kháng cáo, kháng nghị và có hiệu lực thi hành với các bên.
Do đặc thù tố tụng, tòa án có thể thực hiện ở nhiều cấp xét xử nên một bản án do tòa án tuyên bố có thể bị kháng cáo, kháng nghị, được giải quyết theo trình tự phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Bởi vậy, nếu đưa vụ tranh chấp ra giải quyết tại tòa án sẽ mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc. Trong khi đó, với nguyên tắc xét xử một lần, tiêu chí các bên tranh chấp đặt ra là giải quyết nhanh gọn, ít tốn kém, tránh tình trạng dây dưa, kéo dài đã hoàn toàn được đáp ứng ở tố tụng trọng tài. Nếu một bên không thi hành thì bên kia có quyền yêu cầu tòa án công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài. Đặc điểm này thể hiện cơ chế nhanh gọn trong việc giải quyết nhanh chóng, dứt điểm các tranh chấp thương mại.
Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có sự hỗ trợ của Tòa án.
Pháp luật của một số nước trên thế giới trong đó có Việt Nam đều quy định cơ chế hỗ trợ từ phía tòa án đối với tổ chức và hoạt động của trọng tài. Sở dĩ cần sự hỗ trợ của tòa án vì phán quyết của trọng tài không mang tính quyền lực nhà nước, do đó cần phải có một cơ quan nhà nước hỗ trợ – đó là tòa án.
Thông qua trình tự công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài, Tòa án đảm bảo thực thi trên thực tế những quyết định của trọng tài, khi một hoặc các bên đương sự không tự nguyện thi hành.
Ngoài ra, tòa án còn có thể hỗ trợ trọng tài ở các công việc khác như: xác định giá trị pháp lý của trung tâm trọng tài, giải quyết khiếu nại về thẩm quyền của hội đồng trọng tài; ra lệnh áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, kê biên tài sản, bảo toàn chứng cứ, xét đơn yêu cầu hủy quyết định trọng tài, công nhận và thi hành quyết định trọng tài….
Một số câu hỏi thường gặp liên quan đến trọng tài thương mại
Trọng tài thương mại là gì?
Căn cứ Khoản 1 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định: “Trọng tài Thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của Luật này”.
Phán quyết trọng tài có bị kháng cáo không?
Điều 4 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định những nguyên tắc về tính chung thẩm của phán quyết trọng tài. Theo đó, phán quyết trọng tài là cuối cùng, không bị kháng cáo kháng nghị như bản án của tòa án.
Quá trình giải quyết bằng trọng tài thương mại được tiến hành công khai hay không?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 thì giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Việc này nhằm đảm bảo tính bí mật, tránh ảnh hưởng đến danh tiếng, uy tín thương trường của các bên.
Muốn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài phải có điều kiện gì?
Theo khoản 1 Điều 5 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thỏa thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.
Những tranh chấp nào thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài thương mại?
Theo Điều 2 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 thì Trọng tài có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp sau:
Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.
Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.
Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.
Doanh nghiệp có nhu cầu tư vấn pháp luật doanh nghiệp, giải quyết tranh chấp thông qua phương thức trọng tài thương mại xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An để được Luật sư có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao hỗ trợ nhanh nhất, hiệu quả nhất!